Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Từ đầu tháng 7 đến nay, đã có gần 100 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Số bệnh nhân ngày càng tăng mạnh trong 2 tuần trở lại đây và đã xuất hiện ổ dịch, các ca bệnh tự phát tại địa phương.

Đặc biệt, chiều ngày 27/7 đã có 1 ca bệnh nặng (bệnh nhân 17 tuổi, nhà ở Châu Giang, Duy Tiên) phải chuyển từ BVĐK tỉnh lên bệnh viện ở Hà Nội. Biện pháp phòng chống SXH hiệu quả nhất là vệ sinh môi trường, chỗ ở, phun thuốc diệt muỗi, không để nước đọng, tránh để bị muỗi đốt. Khi có các dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục, kèm mệt mỏi nhiều, đau đầu, đau hai hốc mắt, mỏi cơ lưng, da xung huyết nên nghĩ đến bị SXH và đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Do số ca SXH tăng mạnh, nên có những lúc Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh phải bố trí 2 bệnh nhân nằm một giường.

Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh phải kê thêm giường

Những ngày qua, số ca SXH vào BVĐK tỉnh tiếp tục tăng. Ngày 26/7 có 16 ca nhập viện. Ngày 27/7, đến cuối giờ sáng đã có 8 ca nhập viện. Hiện tại có 34 ca SXH đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Theo kế hoạch khoa chỉ có 25 giường bệnh nhưng hiện tại đã kê lên 37 giường và tiếp tục phải mượn tạm giường ở những khoa vắng bệnh nhân trong bệnh viện. Có ca bệnh mới vào chưa bố trí kịp giường ban đầu phải nằm ghép, nằm giường gấp. Khoa cũng phải chuẩn bị dự phòng 15 giường gấp đề phòng bệnh nhân vào đông. Từ đầu tháng 7 đến nay, đã có gần 100 bệnh nhân SXH điều trị tại Khoa Truyền nhiễm và số bệnh nhân ngày càng tăng mạnh trong 2 tuần trở lại đây.

Theo bác sỹ Dương Xuân Bảng, trước đó hầu hết bệnh nhân mắc SXH do đi từ Hà Nội về nhưng vài ngày qua đã xuất hiện 3 ca tự phát (chỉ ở địa phương nhưng vẫn bị mắc SXH). Điều này cho thấy đã xuất hiện muỗi truyền bệnh tại địa phương. Các ca mắc SXH tự phát ở các địa phương: Nguyễn Úy (Kim Bảng), Châu Giang (Duy Tiên), Thanh Phong (Thanh Liêm). Trường hợp bệnh nhân ở phường Lê Hồng Phong (Phủ Lý) đang theo dõi, khả năng cũng là ca mắc SXH tự phát.

Một người dân ở thôn Chuyên Thiện, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên vừa cho cậu con trai chuyển từ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Duy Tiên lên BVĐK tỉnh trưa ngày 27/7 vì SXH cho biết, gần nhà ông có một nhóm trẻ tư thục hơn chục cháu cũng nhiều cháu sốt nhưng không biết có phải SXH không. Theo thông tin mới nhất, cậu con trai 17 tuổi của ông đến chiều cùng ngày phải chuyển viện lên tuyến trên bởi bệnh trở nặng.

Đã xuất hiện ổ dịch

Ông Nguyễn Ngọc Luyện, Giám đốc TTYT huyện Duy Tiên cho biết, trên địa bàn huyện có 11 ca SXH tản mát ở các địa phương. Một số ca nhẹ tự điều trị tại nhà, một số ít điều trị tại trung tâm, còn lại chuyển lên BVĐK tỉnh. Có 1 ổ dịch SXH tại xã Tiên Phong. Qua điều tra dịch tễ cho thấy 1 người dân ở đây không đi đâu nhưng bị mắc SXH, xét nghiệm muỗi, loăng quăng tại đây dương tính. TTYT huyện đã phối hợp với địa phương tiến hành các biện pháp khử trùng, vệ sinh nhà ở của bệnh nhân này và khu vực xung quanh. Đồng thời tham mưu với UBND huyện ra văn bản chỉ đạo tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiến hành tổng vệ sinh môi trường.

Tại huyện Lý Nhân, trao đổi với ông Trần Phúc Lâm, Phó Giám đốc TTYT huyện được biết đơn vị tiếp nhận 4 ca SXH, trong đó có 1 ca ở xã Hợp Lý làm công nhân ở Khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên) đi về nhà trong ngày. TTYT huyện đã phối hợp với địa phương tiến hành phun thuốc, dọn vệ sinh môi trường ở nơi bệnh nhân sinh sống và khu vực xung quanh (gồm xóm 8, xóm 11 xã Hợp Lý). Những ca còn lại đều đi ở nơi khác về và mắc bệnh. UBND huyện đã chỉ đạo các xã tổng vệ sinh môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về phòng bệnh.

Thông tin từ TTYT Dự phòng tỉnh cho biết, một số địa phương có chùm ca bệnh: Tiên Phong (Duy Tiên), Bình Mỹ (Bình Lục), Hoàng Đông (Duy Tiên), Tiên Tân (Phủ Lý),...

Cần tích cực vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy

Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh, đơn vị vẫn theo dõi sát tình hình, nếu đủ các yếu tố sẽ tham mưu với UBND tỉnh công bố dịch. Quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền để địa phương, người dân tích cực dọn vệ sinh môi trường, phát quang cây cối, bụi rậm gần nơi ở, phun thuốc diệt muỗi. Cùng với đó, triệt tiêu nơi trú ngụ, sinh sản của muỗi bằng cách không để nước đọng. Nếu có bể nước phải dùng nắp đậy kín để muỗi không đẻ trứng được vào đó.

Tác nhân truyền bệnh SXH là muỗi vằn (muỗi Aedes). Loại muỗi này thường đốt vào ban ngày, đặc biệt lúc sáng sớm và chập tối. Vì thế kể cả khi thức, lao động hay sinh hoạt người dân cũng phải để ý đề phòng, tránh bị muỗi đốt. Thời gian này nên tránh làm việc, vui chơi ở các khu vực nhiều cây cối, rậm rạp, có nước tù đọng.

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy