Bảo đảm an toàn công tác tiêm chủng

Với mục tiêu kiểm soát và ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm, giảm đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong do các bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin, những năm qua, Hà Nam đã triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả cao nhất.

Nhằm phòng tránh những phản ứng bất thường xảy ra sau tiêm chủng, ngành y tế đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) bảo đảm theo đúng quy trình từ bố trí các bàn khám phân loại, bàn tiêm, bàn ghi chép, phòng theo dõi sau tiêm theo quy trình 1 chiều, theo dõi các đối tượng 30 phút sau tiêm chủng tại các địa điểm tiêm chủng, hướng dẫn người nhà theo dõi trẻ ít nhất 24 giờ sau tiêm để kịp thời xử trí khi có dấu hiệu bất thường.

Tất cả các điểm tiêm chủng thực hiện tiêm không quá 50 đối tượng/1 buổi, tùy vào tình hình thực tế mà cơ sở có kế hoạch chia đối tượng cụ thể cho từng buổi tiêm chủng. Thực hiện nghiêm túc hoạt động tư vấn trước, trong và sau tiêm chủng cho người dân. Tất cả cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng (bao gồm cả cán bộ thực hiện tiêm vắc-xin viêm gan B tại các bệnh viện, phòng khám) đều được tập huấn về an toàn tiêm chủng, phòng chống sốc phản vệ và hàng năm đều có tập huấn bổ sung. 100% cán bộ thực hiện tiêm chủng được cấp giấy chứng nhận an toàn tiêm chủng.

Tiêm chủng mở rộng cho trẻ trong độ tuổi tại Trạm Y tế xã Nhân Chính (Lý Nhân).

Được biết, từ đầu năm 2017, Hà Nam đã triển khai áp dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại tất cả các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng trong tỉnh. Phần mềm này giúp trạm y tế quản lý tốt hơn đối tượng tiêm chủng của địa phương và lập kế hoạch tiêm chủng, phân bổ số lượng đối tượng phù hợp cho từng buổi tiêm; tăng tính chính xác trong việc báo cáo thống kê kết quả tiêm chủng và theo dõi các phản ứng sau tiêm của từng đối tượng đối với từng lô vắc-xin thông qua quy trình 4 bước.

Điểm nổi bật của phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là mỗi đối tượng được quản lý thông qua mã số ID duy nhất được cấp, theo dõi việc tiêm chủng suốt đời. Các thông tin về tiêm chủng của trẻ được cung cấp kịp thời tới gia đình cũng như nhà trường để giúp cán bộ nắm tình hình tiêm chủng của đối tượng và giúp người dân chủ động theo dõi lịch tiêm, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ. Đơn vị y tế tuyến trên có thể theo dõi báo cáo ngay khi tuyến dưới hoàn thành nhập liệu, giảm tải công việc và lượng hồ sơ, sổ sách cần lưu trữ nhờ hệ thống tự động hóa công tác quản lý tiêm chủng, vắc-xin, báo cáo.

Bên cạnh đó, công tác quản lý vắc-xin, giám sát các hoạt động về tiêm chủng tại các đơn vị y tế được chú trọng. Vắc-xin được bảo quản tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh và trung tâm y tế (TTYT) các huyện, thành phố bằng tủ chuyên dụng. Hằng tháng, TTKSBT tỉnh sẽ chuyển vắc-xin đến các TTYT, bảo quản bằng hòm lạnh chuyên dụng của chương trình trước 1 ngày diễn ra tiêm chủng. Vào buổi sáng ngày tiêm chủng, cán bộ các trạm y tế sẽ đến nhận vắc-xin tại các TTYT để thực hiện công tác tiêm chủng tại cơ sở theo số lượng đăng ký.

TTKSBT tỉnh thường xuyên phối hợp với TTYT các huyện, thành phố giám sát việc thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, bảo quản vắc-xin, vật tư; theo dõi tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên tại các địa phương. Tăng cường giám sát hỗ trợ tổ chức tiêm chủng tại các địa phương nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng tiêm chủng, chú trọng công tác khám phân loại, chỉ định tiêm chủng và tư vấn cho các bà mẹ về theo dõi phản ứng sau tiêm theo quy định. Giám sát việc sử dụng bảng nhắc dành cho cán bộ tiêm chủng và bà mẹ.

Hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, triển khai các loại vắc-xin mới trong chương trình TCMR, tập huấn cấp giấy chứng nhận an toàn tiêm chủng cho cán bộ tham gia tiêm chủng tại các tuyến, tập huấn kỹ năng giám sát, quản lý đối tượng, theo dõi phản ứng phụ sau tiêm cho cán bộ y tế thôn, xóm; tập huấn quản lý dây chuyền lạnh bảo quản vắc-xin.

Qua việc kiểm tra, giám sát thường xuyên cho thấy các trạm y tế đều thực hiện đúng quy trình tiêm chủng. Ngoài chương trình TCMR, các đơn vị y tế trong tỉnh đã chủ động đăng ký nguồn vắc-xin phục vụ nhu cầu tiêm phòng dịch vụ của nhân dân.

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong công tác tiêm chủng, Hà Nam đã duy trì thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Duy trì tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ đạt yêu cầu trên 98%; duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 99%.

Tỷ lệ trẻ sơ sinh được bảo vệ chống lại bệnh viêm gan B bằng 1 liều tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh ngày càng cao và tăng đều qua các năm. Tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi đạt trên 98%. Qua việc giám sát các bệnh truyền nhiễm trong TCMR không có uốn ván sơ sinh, bạch hầu, ho gà, viêm màng não, tả, thương hàn. Không có phản ứng nặng xảy ra trong và sau tiêm chủng.

Hoàng Hải

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.