Trường Mầm non xã Hoàng Tây: Niềm vui nước sạch trước năm học mới

Nước sạch luôn là nỗi lo từ nhiều năm nay của các cô giáo Trường Mầm non xã Hoàng Tây (Kim Bảng). Nước giếng khoan lấy lên chỉ nhìn bằng mắt thường đã khiến mọi người e ngại. Nhưng một hệ thống lọc nước đơn giản và hiệu quả đã được lắp đặt ở đây. Năm học mới sắp đến, chắc chắn hơn 400 cháu học sinh của trường sẽ được sử dụng nước sạch.

Nỗi lo nguồn nước

Năm học 2017-2018, Trường Mầm non Hoàng Tây được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhà trường có 439 trẻ ăn bán trú. Trường được xây mới và đưa vào hoạt động từ năm học 2016-2017, thiết kế trường hiện đại, khuôn viên thân thiện, nhưng vấn đề nước sạch của trường từ lâu vẫn là nỗi lo của chính quyền xã, ban giám hiệu và phụ huynh học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Phúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Tây cho biết: Trước đây trường chưa có trụ sở mới, các cháu phải học tại các điểm trường nhỏ. Việc nấu nướng được thực hiện tại một điểm rồi các cô chở đến các điểm khác cho các cháu ăn bán trú. Từ năm học 2016 - 2017, trụ sở mới của trường được xây dựng, tất cả trẻ được tập trung tại một điểm trường duy nhất, nhưng nước sạch thì luôn thiếu. Trường sử dụng song song 3 nguồn nước là nước mưa, nước giếng khoan và nước sạch từ hệ thống nước sạch của xã.

"Để bảo đảm sức khỏe cho các em, chúng tôi sử dụng nguồn nước mưa để nấu nướng, nước giếng khoan và nước sạch từ nhà máy thì dùng để sinh hoạt, rửa xoong nồi bát đũa. Tuy nhiên, khi vào mùa khô, chúng tôi không còn cách nào khác phải sử dụng nước giếng khoan và nước từ hệ thống nước sạch của xã. Song nước do trung tâm nước sạch của xã cung cấp vẫn có mùi clo khá nồng nặc, và phụ huynh phải trả tiền nước cho trẻ dùng. Phụ huynh cũng nỗ lực đóng góp tiền nước cho con em, dù không ít gia đình trong xã còn khó khăn. Còn nước giếng khoan bơm lên chỉ bằng cảm quan đã thấy đục và có mùi tanh. Chính vì thế, ban giám hiệu nhà trường, các cô giáo và phụ huynh rất mong muốn một hệ thống xử lý nước ngầm có khả năng cung cấp nguồn nước bảo đảm chất lượng phục vụ ăn, uống, sinh hoạt cho các bé", cô Nguyễn Thị Phúc chia sẻ.

Cán bộ Đại học Công nghệ Sydney và Viện Công nghệ môi trường kiểm tra hệ thống lọc ở Trường Mầm non Hoàng Tây (Kim Bảng).

Hệ thống lọc nước hiệu quả

Tháng 6/2017 và tháng 9/2017, Đại học Công nghệ Sydney (Australia) phối hợp với Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khảo sát chất lượng nguồn nước tại Trường Mầm non Hoàng Tây. Kết quả khảo sát cho thấy, nước ngầm có chứa hàm lượng asen khá cao lần lượt là 0,36mg/l và 0,16mg/l; nước qua bể lọc cát có hàm lượng asen lần lượt là 0,09mg/l và 0,03mg/l. Sử dụng bể lọc cát là cách rất phổ biến của người dân xã Hoàng Tây để có nước dùng. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát trên, chất lượng nước qua bể lọc cát của trường vẫn có hàm lượng asen cao hơn từ 3-9 lần so với giới hạn tối đa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (0,01 mg/l, QCVN01:2009/BYT).

Hiểu rõ sự cấp thiết của vấn đề nước sạch với sức khỏe và tương lai của trẻ em Hoàng Tây, Đại học Công nghệ Sydney và Viện Công nghệ môi trường đã phối hợp nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt tại trường mầm non một hệ thống lọc hấp thụ xử lý asen trong nước ngầm bằng vật liệu tự nhiên - đá ong Thạch Thất, theo công nghệ do các giáo sư, tiến sĩ của Đại học UTS nghiên cứu, với ưu thế là sử dụng các chất liệu hữu cơ và giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của các địa phương.

Hệ thống đã được thử nghiệm trong mùa hè. Nhìn nguồn nước đi ra từ hệ lọc, các cô giáo Trường Mầm non Hoàng Tây rất vui. Nước giếng khoan sau khi lọc chảy ra trong vắt, không còn mùi tanh, nước chứa trong thùng nhìn xuống được tận đáy. Hệ thống lọc không dùng điện, chỉ cần vài tháng thay vật liệu lọc một lần. Đại diện của Đại học Công nghệ Sydney và Viện Công nghệ môi trường đã tiếp tục kiểm tra chất lượng nước ở trường sau khi sử dụng hệ thống lọc mới 2 tháng. Kết quả thử nghiệm tháng 7/2018 cho thấy, hàm lượng asen trong nước sau khi lọc chỉ còn từ 0,002 - 0,005mg/l, thấp hơn so với giới hạn tối đa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (0,01mg/l).

Niềm tin nước sạch

Ngoài hệ thống lọc tại Trường Mầm non Hoàng Tây, 2 đơn vị thực hiện dự án cũng đã lắp đặt hệ thống lọc gia đình thử nghiệm cho 2 hộ dân trong xã vào cuối tháng 5/2018. 2 hộ này do chính quyền và người dân xã nhất trí chọn ra. Một trong hai gia đình đó là nhà cô Lan - cô nuôi ở Trường Mầm non xã Hoàng Tây. Sử dụng hệ thống lọc của Đại học Công nghệ Sydney được một thời gian, cô Lan thấy rất yên tâm khi nhìn dòng nước trong vắt không có mùi chảy ra từ bể lọc. Kết quả xét nghiệm khoa học của UTS với Viện Công nghệ môi trường cũng cho thấy, hàm lượng asen trong nước ở nhà cô Lan sau khi lọc cũng chỉ còn 0,001 - 0,004mg/l, hoàn toàn đủ tiêu chuẩn nước sạch cho ăn uống hằng ngày.

Cô Lan cho biết: Trước đây các cô nhà bếp sử dụng chủ yếu là nước mưa, nước sạch của xã, nước giếng khoan lọc qua cát để nấu nướng, rửa bát đũa xoong nồi cho các cháu. Nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, mùi tanh, mùi clo nồng nặc nhưng chúng tôi cũng chưa có cách giải quyết. Nhưng 2 tháng qua, với hệ thống lọc mới ở nhà, được dùng nước sạch, tôi rất mừng. Tôi mong đến năm học mới cho các cháu sử dụng nguồn nước sạch sau khi đi qua hệ thống lọc nước giếng khoan mới được lắp đặt tại trường.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, sau 2 tháng thử nghiệm, ban lãnh đạo nhà trường, chính quyền và phụ huynh rất phấn khởi. Trường Mầm non Hoàng Tây vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy các cô giáo rất vui vì nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các cơ quan, chính quyền đối với vấn đề nước sạch cho trường, cho trẻ và cho nhân dân. Cô cũng hy vọng các nghiên cứu thử nghiệm được đi đến cùng, để các thế hệ học sinh tiếp theo được tiếp cận nguồn nước sạch bảo đảm an toàn chất lượng, phòng tránh được bệnh tật, khỏe mạnh để vui học.

Thăm quan khảo sát công trình thử nghiệm hệ thống lọc nước giếng khoan tại Trường Mầm non Hoàng Tây và 2 hộ dân đã được lắp đặt và đi vào hoạt động, ông Trương Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tây cho biết: "Những công trình thử nghiệm này là tiền đề để triển khai và nhân rộng hệ thống lọc nước giếng khoan bằng công nghệ hấp thụ cho những hộ dân nghèo chưa được tiếp cận nguồn nước sạch trong thời gian tới. Công trình có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với đời sống của bà con nông dân tại đây. Ngoài ra, công trình còn giúp lãnh đạo xã giải quyết được một phần khó khăn trong xây dựng nông thôn mới với các tiêu chuẩn về nước sạch".  Từ giờ đến cuối năm sẽ có khoảng hơn 20 hộ gia đình tiếp tục được lắp đặt các hệ thống lọc nước.

P.V

P.V

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.