kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS

Đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam, tính đến ngày 30/10/2024 lũy tích phát hiện nhiễm HIV tại tỉnh là 1.670 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống là 885 người.

Trong số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống, nam chiếm 68,7%; nữ 31,3,%; nhóm dưới 14 tuổi chiếm 4,5%; nhóm 15-24 tuổi chiếm 15,3%; nhóm 25-49 tuổi chiếm 75,5% và nhóm trên 50 tuổi chiếm 4,7%. Đường lây chủ yếu do quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn (44,2%) và qua đường máu (36,7%). 10 tháng năm 2024, qua giám sát phát hiện 27 trường hợp nhiễm HIV có địa chỉ thường trú tại tỉnh, 1 người nhiễm HIV/AIDS tử vong. 100% huyện, thị xã, thành phố của tỉnh phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS, trong đó thành phố Phủ Lý là địa bàn có số người hiện nhiễm HIV cao nhất.

HIV/AIDS hiện vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng. Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt là nhóm thanh thiếu niên, nhóm QHTD đồng giới nam. So với trước đây, hiện nay một số hành vi nguy cơ liên quan đến HIV/AIDS đang có những thay đổi theo hướng phức tạp và khó kiểm soát, can thiệp. Lây truyền qua đường máu giảm nhưng lây truyền HIV qua QHTD đang có xu hướng gia tăng trong nhóm nam QHTD đồng giới. Đây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp. Số ca nhiễm HIV mới phát hiện các năm gần đây đang chuyển dịch về các huyện, thị xã nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên do các yếu tố liên quan như: sự di biến động dân cư giữa các tỉnh, thành phố, hành vi QHTD không an toàn và chưa có biện pháp can thiệp hiệu quả.

Cán bộ CDC Hà Nam phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân.

Trước tình hình trên công tác tuyền thông thay đổi hành vi nhằm giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS luôn được đặt lên hàng đầu. Thực hiện nhiệm vụ này, những năm qua, ngành Y tế Hà Nam đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; đa dạng hóa về nội dung, phương thức giáo dục, truyền thông bảo đảm tính thân thiện, có chất lượng, phù hợp với đặc điểm từng nhóm đối tượng, tập trung vào nhóm người trẻ tuổi.

Theo đó, ngành Y tế đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp, phổ biến kiến thức, nói chuyện chuyên đề phòng, chống HIV/AIDS; CDC Hà Nam đã tham gia nghiên cứu đề tài “Kiến thức, thái độ, thực hành phòng, chống HIV/AIDS của học sinh Trường Trung học phổ thông C Thanh Liêm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam năm 2024” làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho học sinh. Qua đó, củng cố, tăng cường kiến thức cho học sinh, giúp các em có cái nhìn tích cực hơn với người có HIV/AIDS; tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.

Từ đầu năm đến nay, CDC Hà Nam đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho 1.550 học sinh tại 36 trường THCS trên địa bàn huyện Kim Bảng, Bình Lục, thị xã Duy Tiên và 400 công nhân người lao động tại 20 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (1/6), Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12), nhiều hoạt động tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi ở các khu vực đông người cũng được tổ chức.

Cũng trong năm 2024, CDC Hà Nam đã tổ chức nói chuyện chuyên đề phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS cho 800 người tại 40 điểm cộng đồng dân cư với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là người nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy, người thường xuyên di biến động chỗ ở tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn dân cư. Cùng với đó, triển khai các hoạt động nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, nơi làm việc; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

Đồng thời, kết hợp giữa truyền thông trực tiếp với truyền thông gián tiếp, trong đó chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống thông tin, truyền thông và tổ chức chính trị - xã hội...; tuyên truyền vận động các đối tượng nguy cơ cao, nghiện chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch, sử dụng bao cao su đúng cách trong QHTD dự phòng lây nhiễm HIV cho vợ, chồng, bạn tình người nhiễm; cấp phát bao cao su cho bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại phòng khám đa khoa, chuyên khoa cho các đối tượng nguy cơ cao đến tư vấn xét nghiệm HIV, vợ/chồng người nhiễm HIV, bệnh nhân điều trị ARV...

Với những hoạt động tích cực, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2024, tỷ lệ thanh niên 15-24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 76%; tỷ lệ người dân 15- 49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 76%; tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 69%, đều vượt chỉ tiêu giao. Năm 2025, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến phát triển kinh tế - xã hội.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy