Người ở làng hoa

Dòng sông Đáy như một dải lụa mềm ôm lấy vùng quê ngoại thành Phủ Lý này, mang đến sự màu mỡ cho những cánh đồng. Nhưng để tạo nên làng hoa Phù Vân, không chỉ có thế. Những con người nơi đây, với sự cần cù và kiên trì, năng động và luôn biết cách vượt qua khó khăn mới là chủ thể tạo nên làng hoa nổi tiếng này.

Anh Nguyễn Bá Quyết sinh năm 1972 và đã có thâm niên với nghề trồng hoa được hơn 10 năm. Tôi gặp anh khi anh vừa ở ruộng cúc dưới cánh bãi ven sông lên. Anh Quyết có dáng người tầm thước, rắn rỏi, ánh nhìn hồn hậu.

Khi biết tôi hỏi về nghề trồng hoa, anh chỉ con đê dưới chân nói: Đây, đợt lụt tháng 10 nước lên mấp mé mặt đê, toàn bộ hoa ngập sâu trong nước. Nhà tôi vừa thu hoa xong nên chỉ mất 2 sào cúc, nhưng nhiều nhà trong làng mất lớn. Như nhà anh Hường (anh chỉ người đàn ông cao, gầy đang gánh phân chuồng ra ruộng hoa) mất tới 20 vạn cúc, bao nhiêu vốn liếng bỏ ra trôi theo dòng nước.

Anh Quyết nói thêm: Chuyện mất mát do thiên tai là chuyện thường ở làng hoa. Nắng quá, rét quá hoa đều không lên được. Đã chuẩn bị để ngày mai thu hoa bán mà đêm trời làm cho cơn giông thì coi như… đi tong. Đấy là chưa kể bão bùng dập vùi, kinh khủng hơn nhiều. Nhưng kiểu gì cũng phải bắt đầu lại thôi, dù có phải đi vay mượn. Cuộc sống bây giờ không thể thiếu hoa, ngày càng cần nhiều hoa. Và đó chính là con đường sống của chúng tôi nên dù khó đến thế nào chúng tôi vẫn phải kiên trì với hoa" - anh Quyết nói đầy quả quyết.

Anh Vũ Ngọc Đồng chăm sóc hoa hồng cổ.

Nói về nghề trồng hoa, anh Quyết cho biết không vất vả như làm thợ xây, đội bê tông, nhưng cần tỉ mỉ, kiên trì, tốn nhiều công và phải không ngừng tìm tòi học hỏi. Cúc cứ khoảng 4 tháng thu một lứa. Từ khi đặt cây giống xuống cho đến lúc thu hoa phải phun ít nhất 30 lần thuốc, thời tiết không thuận phải phun nhiều hơn. Khi mới trồng phải thắp điện ban đêm để tăng thời gian chiếu sáng cây mới cao, cành mập. Khi cây ra nụ phải tỉ mẩn tỉa bỏ bớt chỉ để mỗi cây một nụ thì hoa mới to, đẹp.

Nói về việc nâng cao kỹ thuật, sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu  thị trường, anh Quyết khẳng định: Thời bây giờ nếu không có kỹ thuật tốt, không có đầu óc nhanh nhạy thì không thể cạnh tranh được với các làng hoa khác của các tỉnh bạn lân cận. Kỹ thuật tốt, khi thời tiết bất thường, khi nơi khác không có hoa ta vẫn có hoa để bán. Có kỹ thuật tốt, khi hoa rộ, nơi nơi đều thừa mứa hoa nhưng khách hàng vẫn chọn hoa của ta vì đẹp hơn.

Vườn hồng cổ của anh Vũ Ngọc Đồng thu hút mọi ánh nhìn khi đi vào làng hoa Phù Vân. Sinh năm 1977, anh Đồng cũng có thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề trồng hoa. Tuổi thơ nghèo khó vất vả, có thời gian phải tha hương xứ người kiếm sống, nhưng rồi nghề trồng hoa của quê hương vẫn là bến đỗ cuối cùng của anh.

Anh Đồng kể cách đây khoảng gần chục năm, khi đang trồng các loại hoa truyền thống, anh thấy dân tình rộ lên mốt chơi hồng cổ. Những cây hồng này trước đây thường được các gia đình trong làng trồng làm cảnh, rất thân thuộc với anh. Vậy là anh mạnh dạn đầu tư theo hướng này. Đến bây giờ thì vườn hồng cổ của anh đã là một gia tài lớn với hơn 1.000 gốc hoa, chủ yếu giống hồng cổ Sapa và một ít bạch cổ, vân khôi.

Những ngày giáp Tết, những cây hồng cổ dáng chi xòe bung rực rỡ những bông hoa. Biết bao người xuýt xoa trầm trồ bởi chúng quá đẹp. Cây to nhất chiếm một góc vườn đã có khách mua 30 triệu đồng, những cây còn lại có giá từ vài triệu đến hơn chục triệu.

Nói về công sức chăm sóc vườn hồng, anh cho biết không thể kể được. Không chỉ tốn công, tỉ mẩn, mà phải có kỹ thuật, có kiến thức. Gây dựng được một cây hồng đẹp phải 5-7 năm. Suốt quãng thời gian đằng đẵng ấy anh phải theo sát từng gốc cây, cắt cành, tỉa lá, tạo dáng, bón phân, phun thuốc, che chắn khi nắng, mưa, rét mướt. Rồi các loại sâu bệnh, lơ là một chút là đi tong cả cây hồng bao nhiêu tháng ngày chăm sóc nâng niu... Sự nhanh nhạy nắm bắt xu thế, dám nghĩ dám làm, sự bền bỉ tháng ngày với biết bao công sức của anh đã được đền đáp xứng đáng. Anh bây giờ đã là một ông chủ nổi tiếng ở làng hoa.

"Dân làng hoa vào nhà không gặp đâu, phải ra ruộng, hoặc bên chợ" - Chủ tịch UBND xã Phù Vân Phạm Phú Thắng nói như thế khi tôi đến làng hoa. Quả đúng như vậy. Ở làng hoa, ban ngày chỉ có người già, trẻ em, thấp thoáng vài người lớn tất tả đi về mang phân, giống, thuốc ra ruộng hoặc mang hoa sang chợ bán. Những cậu bé, cô bé mới học tiểu học đã bắt đầu quen với công việc của nghề trồng hoa.

Trên cánh đồng thôn 5, tôi gặp một cậu học sinh lớp 7. Cậu đang trong những ngày thi hết học kỳ I, thi vào buổi sáng nên buổi chiều cậu ra đồng giúp bố mẹ. Thuần thục như một nông dân làng hoa chính hiệu, cậu bẻ cúc, bó cúc rồi vác lên xếp ở đầu bờ để chờ mối buôn sang lấy. Tôi cũng gặp cậu sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam-con chị Chu Thị Hằng đang cùng mẹ xới những luống đất để trồng lứa hoa mới.

Phía bên đường, con dâu và con trai chị Hằng đang chăm sóc những cây quất còn sót lại sau đợt lụt. Họ làm việc một cách say sưa, cần mẫn trên những ruộng hoa. 

Chuyện trò với người làng hoa tôi hiểu rằng, họ dốc hết sức mình ra với hoa để có được những bông hoa, cây cảnh đẹp nhất. Hoa có đẹp mọi người mới không tiếc tiền bỏ ra mua, và công sức của người làng hoa mới được đền đáp. Giá trị từ những ruộng hoa giúp người làng hoa nuôi dạy, tạo dựng sự nghiệp cho con cái, xây dựng nhà cửa, hiếu nghĩa với cha mẹ, tổ tiên, thảo thơm với xóm làng.

Cần cù, chịu khổ và vượt khó, không ngừng tìm kiếm, nắm bắt hướng đi mới cho nghề trồng hoa, họ đã làm cho cuộc sống nở hoa từ chính đôi tay lam lũ của mình. Những thế hệ từ làng hoa cứ thế lớn lên, tiếp nối công việc của bố mẹ, hoặc làm công việc khác. Nhưng từ trong máu, họ đã thấm nhuần truyền thống của gia đình, đó là bằng sự cần cù, vượt khó, yêu lao động để không ngừng nỗ lực vươn đến một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn... Những người nông dân lam lũ một nắng hai sương, bởi bao nhiêu sức lực họ đã dồn cho những ruộng hoa.

Họ mới là những bông hoa thực sự của làng hoa.

Yên Chính

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.