Xung quanh chuyện thưởng Tết cho công nhân

Làm cả năm, người lao động rất mong ngóng có tiền thưởng Tết. Bởi không những đó là khoản tiền ghi nhận sự cống hiến, đóng góp của họ trong năm làm việc, nó còn là sự cần thiết góp phần chi phí trong những ngày Tết đối với người lao động. Chính vì vậy, tiền thưởng Tết cho người lao động được coi là biểu hiện văn hóa doanh nghiệp.

Mức lương tối thiểu vùng tăng, thưởng Tết tăng

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến thời điểm này, gần 600 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch, phương án thưởng Tết Nguyên đán 2018 cho trên 35.000  lao động với mức bình quân tương ứng với một tháng lương, hay còn gọi là tháng lương thứ 13.

Doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao nhất hiện nay là 100 triệu đồng/người đối với lao động gián tiếp, 18 đến 33 triệu đồng/người đối với lao động trực tiếp (Công ty TNHH GENTHERM Việt Nam, KCN Đồng Văn II). Mức thưởng thấp nhất chưa xác định được vì còn một số doanh nghiệp chưa công bố kế hoạch thưởng Tết cụ thể. Tuy nhiên, so với năm 2017, mức thưởng Tết cho người lao động năm nay nhỉnh hơn một chút.

Ông Vũ Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng, mức thưởng bình quân dù nhỉnh hơn là do mức lương vùng tăng. Các doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động chủ yếu tặng tháng lương thứ 13. Nhiều doanh nghiệp cũng quy định rất rõ, lao động hợp đồng dưới 1 năm sẽ có mức thưởng Tết là 700.000 đồng/người, lao động hợp đồng trên 1 năm là 3.200.000 đồng/người.

Theo ông Minh, trong số những doanh nghiệp FDI thưởng tiền Tết cao cho người lao động, có Công ty TNHH Osawa Việt Nam, đóng tại KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa. Hiện tại, công ty có gần 100 công nhân, mức thưởng Tết 2018 được quy định là 18 triệu đồng/người.

Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group là một trong những doanh nghiệp thưởng Tết cao cho người lao động.

Trao đổi với ông Phạm Bá Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, từ năm ngoái đến nay, công ty áp dụng mức thưởng Tết đồng đều cho người lao động, không phân biệt lao động trực tiếp hay lao động gián tiếp. Căn cứ vào kết quả lao động hằng tháng, nếu đủ ngày công thì người lao động được thưởng 800.000 đồng/tháng. Cộng dồn 12 tháng, mức thưởng tương ứng trên 10 triệu đồng/người. Ngoài tiền thưởng, công ty còn có thêm quà Tết trị giá khoảng trên  500 nghìn đồng/suất.

Thực tế, tiền thưởng Tết cho người lao động được trích từ nhiều nguồn, trong đó có quỹ tiền lương. Với người lao động, có tiền thưởng Tết là sự động viên lớn, ghi nhận những cố gắng, đóng góp của họ đối với doanh nghiệp trong một năm làm việc vất vả.

Chị Chu Thị Thanh Thảo, công nhân Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam nói: "Tiền lương công nhân hằng tháng chỉ đủ để trang trải những khoản chi tiêu hằng ngày như gửi con, thuê nhà, điện, nước… không phải ai cũng có để tích lũy. Đến Tết, ai cũng cần chi tiêu nhiều hơn, nếu không có tiền thưởng, công nhân chúng tôi thực sự khó khăn".

Văn hóa ứng xử của doanh nghiệp

Nói về chuyện thưởng Tết cho người lao động dịp cuối năm, ông Phạm Bá Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn chia sẻ: Trong nhiều năm qua, công ty luôn thực hiện chế độ thưởng Tết cho người lao động. Chúng tôi coi đó là văn hóa ứng xử của doanh nghiệp.

Với quan điểm tích cực này, chuyện thưởng Tết đối với doanh nghiệp hiện nay không phải là chuyện kín, đã được công khai và một khía cạnh nào đó còn mang tính cạnh tranh. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp xem nhẹ chuyện thưởng Tết cho người lao động cuối năm, đến đầu năm sau, người lao động tự rời bỏ công ty, tìm đến làm việc ở nơi làm mới có điều kiện và ứng xử tốt hơn. Điều đó, khiến không ít doanh nghiệp lúng túng khi lao động không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Vì thế, tiền thưởng Tết cho người lao động cần được quan tâm như các vấn đề khác trong hoạt động, phát triển doanh nghiệp. Ở Hà Nam đã từng có những ồn ào về chuyện thưởng Tết cho người lao động vào cuối năm 2016. Khi đó, có doanh nghiệp chỉ thưởng Tết cho công nhân một nửa, một nửa giữ lại để trả sau Tết vì sợ người lao động không trở lại làm việc. Công nhân rất bất bình chuyện đó, mong muốn được trả 100% để có tiền chi tiêu Tết. Biết chuyện đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn các KCN xuống tận nơi nắm bắt tình hình, giải thích, vận động doanh nghiệp để doanh nghiệp thực hiện 100% chế độ thưởng Tết cho người lao động trước Tết.

Theo ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Lao động Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để ổn định quan hệ lao động trong dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác giám sát thực hiện pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội… của các doanh nghiệp, nhất là việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng. Theo dõi tình hình quan hệ lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài KCN trên địa bàn tỉnh.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy