Việc làm cho người lao động sau khi hồi hương

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã trở thành hướng đi của nhiều lao động, góp phần giảm nghèo, đổi mới bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, đối với nhiều lao động sau khi về nước, họ gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm việc làm phù hợp tại quê nhà.

Công nhân Công ty TNHH Hiệp Hòa, xã Hòa Hậu (Lý Nhân) được lãnh đạo đơn vị hướng dẫn sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại. Ảnh: Thế Tuân

Anh Nguyễn Anh Sơn, xã Bạch Thượng (Duy Tiên) từng có gần 6 năm làm việc trong một công ty sản xuất thiết bị điện tử tại Đài Loan  (Trung Quốc) chia sẻ: Mức lương cơ bản tôi được nhận khi làm việc tại Đài Loan từ 20 đến 21 nghìn Đài tệ (khoảng 15 triệu VNĐ), có vẻ cao, nhưng thực tế sau khi trừ phí bảo hiểm lao động (360 Đài tệ/tháng), bảo hiểm y tế (295 Đài tệ/tháng) và các khoản phát sinh khác như phí ăn ở, thuế thu nhập, phí quản lý cho công ty môi giới…, chúng tôi còn lại không nhiều, nếu không tiết kiệm và làm thêm giờ, rất khó để gửi về nhà 6 - 8 triệu đồng/tháng.

2 năm đầu tiên, toàn bộ tiền tôi gửi về chỉ dùng để trả nợ, những năm sau mới tích cóp được một chút. Hiện về nước không tìm được việc làm thích hợp, sau khi nâng cấp căn nhà cấp bốn thành nhà mái bằng, với số vốn ít ỏi còn lại, tôi mở cửa hàng tạp hóa coi như ổn định cuộc sống. Vốn ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc trước đó đành bỏ không...

Chị Phạm Thị Tú (thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân) trở về nước sau 3 năm làm việc tại Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn khi xin việc tại quê nhà. Chị cho biết: Không như nhiều lao động khác gặp khó khăn về ngôn ngữ, trong thời gian học cao đẳng, tôi đã học thêm tiếng Nhật và đạt trình độ N4, đủ khả năng giao tiếp. Sau khi tốt nghiệp không xin được việc làm ổn định, tôi quyết định học nghề may và được một công ty dệt may tại tỉnh Aichi (Nhật Bản) tuyển dụng với mức lương thực lĩnh 120.000 Yên (khoảng 25 triệu VNĐ). Quãng thời gian làm việc này giúp tôi tích lũy được một số vốn nhỏ và kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi trở về địa phương và nộp hồ sơ xin việc tại tỉnh nhà, tôi luôn bị từ chối vì họ đưa ra lý do chỉ tuyển lao động phổ thông với độ tuổi từ 18 đến 30, tuổi 29 của tôi bị coi là "già" đối với họ.

Thực trạng trên cho thấy, trình độ và nguyện vọng việc làm của người lao động sau khi hồi hương không tương xứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng trong nước, gây lãng phí nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề đã qua đào tạo.

Không tìm được công việc phù hợp với khả năng và mức lương thỏa đáng, hầu hết lao động chấp nhận làm tạm tại các doanh nghiệp nhỏ hoặc tự kinh doanh buôn bán. Thậm chí một số lao động còn tìm cách trốn ở lại sau khi hết hạn hợp đồng, không muốn về nước. Do đó, giải quyết việc làm cho lao động xuất khẩu sau hồi hương là vấn đề cần được quan tâm.

Theo ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trước khi XKLĐ, lao động của chúng ta chỉ được đào tạo trong thời gian ngắn, ở một khâu nhất định trong cả hệ thống công nghiệp hiện đại. Ví dụ như ngành dệt may, một chiếc áo có nhiều bộ phận, khâu này làm thân áo, khâu khác lại làm tay áo, lao động như một cỗ máy chỉ biết làm duy nhất một việc.

Hậu quả là sau khi về nước, họ rất khó tìm được công việc phù hợp dù có kỷ luật và vốn ngoại ngữ tốt, thậm chí một số lao động không muốn về nước, bất chấp hết thời hạn vẫn tìm cách ở lại, làm việc bất hợp pháp, gây trở ngại lớn trong quản lý, sử dụng lao động và chính sách XKLĐ giữa Việt Nam với các nước.

Bên cạnh đó, lâu nay chúng ta chỉ đặt chỉ tiêu đưa người đi XKLĐ, thiếu sự quan tâm đúng mức đến vấn đề tạo việc làm cho người XKLĐ sau hồi hương, chưa có những hướng dẫn cụ thể để họ có khả năng tự đầu tư sản xuất, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài tiếp tục mở rộng phiên giao dịch giới thiệu việc làm mỗi tháng, giám sát chặt chẽ tình hình tư vấn, tuyển lao động của các doanh nghiệp XKLĐ,

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổng hợp số lượng lao động hồi hương, cập nhật thường xuyên để các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm chủ động kết nối thị trường lao động, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động. Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp cho lao động đã làm việc tại thị trường nước ngoài để phù hợp hơn với thị trường trong nước.

Để làm được điều này rất cần sự quan tâm và phối hợp của các ngành chức năng, tránh gây lãng phí nguồn lao động có trình độ, tay nghề, kỷ luật cao vì đã trải qua quá trình làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, đồng thời giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài, mở rộng cơ hội việc làm, góp phần ổn định cuộc sống cho lao động xuất khẩu sau khi về nước.

Thanh Vân

Thanh Vân, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy