Vì sao lao động thất nghiệp ngại học nghề?

Sau gần 10 năm chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đi vào cuộc sống đã hỗ trợ đắc lực cho người lao động (NLĐ) trong hoàn cảnh mất việc. Tuy nhiên, phần lớn NLĐ mới chỉ quan tâm đến khoản trợ cấp thất nghiệp mà không mấy mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề.

Người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL tỉnh.

Để thuận tiện cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp, việc đăng ký hưởng BHTN được thực hiện tại 5 văn phòng đại diện của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh tại 5 huyện. Còn Trung tâm DVVL tỉnh chủ yếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ thuộc thành phố Phủ Lý. Sau khi nghỉ việc tại Công ty nhôm Asian thuộc KCN Châu Sơn (TP. Phủ Lý), chị Nguyễn Thị Mai, xã Liêm Chung (TP. Phủ Lý) đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL tỉnh, chị chia sẻ. Tôi đến đây để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và chờ sự tư vấn của cán bộ để tham gia các khóa đào tạo nghề hay giới thiệu việc làm mới. Nếu việc chuyển đổi nghề nghiệp sau khi học dễ dàng thì tôi sẽ học. Trước làm công nhân thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng nhưng sau khi bị công ty cắt hợp đồng do phải đi viện một tháng, cuộc sống hiện tại của chị khá khó khăn.

Không như chị Mai, chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Quang Trung (TP. Phủ Lý) đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 3 sau khi nghỉ việc tại một công ty sản xuất gấu bông ở Nam Định. Trong thời gian hưởng trợ cấp, chị Huyền đã chủ động nộp hồ sơ xin việc tại một công ty tư nhân ở KCN Đồng Văn. Sau khi phỏng vấn không đạt, chị vẫn tiếp tục nộp hồ sơ tại các công ty khác mà không hề có ý định học nghề. Theo chị Huyền, việc học nghề đương nhiên sẽ rất hữu ích với NLĐ, nhưng hiện giờ tôi chỉ muốn tìm được công việc phù hợp và đi làm ngay…

Thống kê 5 tháng đầu năm 2017 tại Trung tâm DVVL tỉnh cho thấy, có trên 1.280 NLĐ đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như xin được tư vấn giới thiệu việc làm, trong đó có 921 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, số người có quyết định nhận hỗ trợ học nghề chỉ có 64 người. Tỉ lệ lao động thất nghiệp đến trung tâm đăng ký hưởng BHTN giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại có xu hướng tăng so với đầu năm do nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ giải thể, tinh giản lao động…

Theo ông Đinh Đăng Hồng, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông trên địa bàn tỉnh thuộc các ngành nghề may mặc, giày da, điện tử, xây dựng, cơ khí…, đời sống vốn khó khăn nên khi mất việc làm, họ chỉ quan tâm đến trợ cấp thất nghiệp. Cũng bởi nhận thức chưa đầy đủ về quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp nên NLĐ chưa tận dụng hết quyền lợi về đào tạo nghề miễn phí.

Mục đích chính của BHTN là bù đắp một phần thu nhập của NLĐ bị mất việc làm, song quan trọng hơn cả là hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm để quay lại thị trường lao động trong thời gian sớm nhất. Thêm vào đó, tâm lý người thất nghiệp là mong muốn học những nghề mà thị trường lao động đang cần, tuy nhiên, hiện nay các cơ sở dạy chỉ dừng ở mức "có gì đào tạo nấy". Các khóa học diễn ra trong thời gian ngắn, học viên chỉ nắm được kiến thức cơ bản nên khó tìm việc làm đúng với nghề đã học. Đối với một số nghề có khả năng giúp NLĐ được tuyển dụng cao hơn như lái xe, công nghệ ô tô, điện tử, điện lạnh trình độ trung cấp, cao đẳng, học phí khá cao. Bởi vậy, nhiều lao động thất nghiệp không đủ khả năng theo học. Mặt khác, hầu hết doanh nghiệp sản xuất chỉ tuyển lao động phổ thông, ban đầu khi vào làm đều phải trải qua thời gian học việc nên NLĐ không muốn bỏ thời gian học nghề.

Để giúp NLĐ nhận thức đúng quyền lợi khi tham gia BHTN, Trung tâm DVVL tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHTN với nhiều hình thức cho cả người lao động và các chủ doanh nghiệp. Bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại các nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, các buổi giao dịch việc làm cố định, lưu động, trang web điện tử. Kết hợp lồng ghép hoạt động tuyên truyền BHTN với các hoạt động tuyên truyền về chính sách sách pháp luật trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức về chính sách BHTN.

Bên cạnh đó, chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề uy tín như: Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, Trường Trung cấp nghề giao thông và xây dựng Việt Úc, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện… nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của NLĐ và các doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành khóa học, NLĐ sẽ tiếp tục được trung tâm hỗ trợ tư vấn, tìm kiếm việc làm theo nghề đã học. Đẩy mạnh công tác rà soát nắm bắt thông tin thị trường lao động cả "cung" và "cầu" để tổ chức tốt các buổi kết nối doanh nghiệp - NLĐ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tuyển dụng được lao động mong muốn và NLĐ cũng có được việc làm ổn định.

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.