Nhiều lao động không nỗ lực tìm việc làm khi thất nghiệp

Hầu hết những lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đăng ký xét hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là nữ, có độ tuổi trên dưới 35 hoặc trong độ tuổi sinh đẻ. Số người đến đây đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng theo từng năm do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng người lao động (NLĐ) không nỗ lực tìm kiếm việc làm.

Khó tìm việc ở tuổi ngoài 35

Nhiều lao động ngoài 35 tuổi đến Trung tâm DVVL tỉnh tìm việc cho biết, họ đã từng làm việc ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhưng sau thời gian sinh nở, nghỉ chăm con theo chế độ, nhiều người đã không thể trở lại doanh nghiệp vì vị trí làm việc cũ không còn.

Chị Nguyễn Thị Thanh, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm cho biết: "Em đến nghe tư vấn về trợ cấp thất nghiệp rồi làm hồ sơ xin xét hưởng theo đúng quy định. Lúc em đi làm công nhân, tiền lương được hơn 5 triệu đồng/tháng, giờ số tiền trợ cấp chỉ bằng 60% cũng giúp cho em một khoản chi tiêu tạm thời".

Chị Thanh trong lúc hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng đã cố gắng đi tìm việc làm mới nhưng gặp nhiều khó khăn. Chị Thanh chia sẻ: "Em đã đến mấy công ty, nơi nhận làm việc thì mức thu nhập thấp hơn trước đây. Còn nơi có thu nhập cao lại chọn người trẻ hơn hoặc cần tuyển nam. Ở nhà không gửi con cho ai được, vì cháu bé quá".

Thực tế nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp thì nhiều, người lao động đến tìm việc tại phiên giao dịch lại ít hơn.

Tình trạng lao động thất nghiệp sau thời gian sinh nở, di chuyển nơi làm việc ngày càng nhiều. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm DVVL tỉnh đã tiếp nhận trên 1.000 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2017, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 3.500 hồ sơ, số người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 3.104 người, trong đó xấp xỉ 2.000 lao động là nữ.

Theo ông Đào Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, tình trạng NLĐ nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng hơn các năm trước do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, ở Hà Nam hiện không có tình trạng để NLĐ trục lợi bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). NLĐ chỉ chưa thực sự hiểu sâu về chính sách dẫn đến việc họ vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa đi làm. Chuyện này đã xảy ra và ngay lập tức, trung tâm phối hợp với bảo hiểm xã hội (BHXH) thu hồi số tiền hưởng không đúng quy định.

Cũng theo ông Hòa, hầu hết các đối tượng đến trung tâm làm thủ tục đề nghị xét hưởng trợ cấp thất nghiệp là nữ, độ tuổi từ 35 đến 45 rất khó khăn trong tìm việc làm mới. Việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với họ theo quy định của Luật Việc làm rất có ý nghĩa, nhưng xét cho cùng, các đối tượng đã không tích cực trong tìm kiếm việc làm sau khi thất nghiệp.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động

Chế độ trợ cấp BHTN được thực hiện đến nay đã gần 10 năm, số lao động trong các khu vực doanh nghiệp của Hà Nam lên tới trên 122.000 lao động. Việc làm đối với NLĐ không khó khăn, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh nhiều lao động không thể có việc làm như ý.

Bà Nguyễn Thị Yến, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Vào dịp cuối năm, NLĐ thường tính toán nghỉ việc ở những doanh nghiệp có mức lương và chế độ đãi ngộ thấp, tìm chỗ khác để làm việc, trong quá trình tìm kiếm việc làm họ đăng ký để hưởng trợ cấp.

Hà Nam đã từng nhận được nhiều hồ sơ của NLĐ đã từng  làm việc ở phía Nam, có đủ thời gian đóng BHTN trở về quê hương. Trong thời gian chờ việc làm mới, họ đã làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vấn đề ở chỗ, có những lao động đang hưởng trợ cấp, vẫn quay trở lại công ty cũ làm việc mà không khai báo. Để thu hồi số tiền, ngành chức năng phải mất thời gian đi tìm NLĐ. Việc thu hồi số tiền của NLĐ hưởng sai cũng không đơn giản.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, từ đầu năm đến nay, số tiền thu hồi từ việc hưởng sai quy định về trợ cấp thất nghiệp của NLĐ trên 100 triệu đồng. NLĐ vi phạm các quy định chủ yếu do chưa hiểu đúng, hiểu sâu về chính sách. NLĐ cần được tuyên truyền sâu rộng hơn về chính sách BHXH.

Dự báo của Trung tâm DVVL tỉnh, số đối tượng đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng do NLĐ hầu hết đủ thời gian đóng BHTN, lại đến tuổi sinh đẻ hoặc quá tuổi lao động các doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng. Thêm nữa, mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp phá sản, thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh kéo theo hàng nghìn lao động mất việc làm.

Dù vấn đề trục lợi BHTN không phổ biến, hoặc rất ít, được phát hiện và giải quyết kịp thời, nhưng nếu tình trạng NLĐ thất nghiệp tăng do không nỗ lực tìm kiếm việc làm sẽ làm hạn chế tính tích cực của chính sách bảo hiểm hiện nay.

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.