Nguy cơ mất và không tìm được việc làm sau 35 tuổi

Hà Nam hiện có 6/8 khu công nghiệp (KCN) tập trung đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm ổn định cho trên 49.000 lao động. Vấn đề việc làm tưởng chừng dễ dàng hơn với lao động địa phương, nhưng người lao động thực tế lại đang đứng trước nhiều lo toan về công việc của mình khi nguy cơ mất việc làm, không tìm được việc làm sau tuổi 35.

Một góc dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Sinfonia Microter Việt Nam, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên). Ảnh: Điện Biên

Kinh nghiệm không đi kèm với lợi ích

Đi vào các doanh nghiệp đang hoạt động ở các KCN của tỉnh hiện nay có thể nhận thấy lao động chủ yếu là nữ, tuổi đời rất trẻ, chăm chỉ và hăng say. Đây là yếu tố vàng cho các doanh nghiệp khi nguồn lao động dồi dào, sung sức, đáp ứng yêu cầu sản xuất của đơn vị.

Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Đồng Văn, Duy Tiên) năm nay mới 26 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, không xin được việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo, phải đi làm công nhân ở đây. Với sức khỏe và điều kiện thời gian, Lan có thể làm thêm và có mức thu nhập từ 8 - 8,5 triệu đồng một tháng.

Khác với Lan, Trần Thị Thảo năm nay ngoài 30, làm việc tại công ty khá lâu. Thảo nói: "Em làm tổ trưởng, lương cao hơn các bạn một chút. Nếu làm thêm ca, thu nhập cũng ổn lắm. Bây giờ phải tranh thủ làm để có tiền, chỉ vài năm nữa thôi, chưa chắc em đã được làm, vì công ty không giữ người lớn tuổi". Giải thích cho chuyện này, Thảo nói: Không phải riêng Sumi, những doanh nghiệp FDI trong KCN chủ yếu sản xuất gia công hàng xuất khẩu, lao động làm việc ở đó hầu hết là lao động phổ thông, người ta không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng, không có ý định sử dụng lao động lâu dài, chỉ cần người lao động có sức khỏe, nhanh tay sáng mắt thôi. Khi đã ở tuổi gần 40, hầu hết đều không có cơ hội ở lại công ty đâu.

Ông Nguyễn Văn Khuyến, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Duy Tiên, cho biết: Duy Tiên được coi là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, nguy cơ lao động từ 35 tuổi trở lên mất việc làm hoặc không tìm được việc làm ở KCN đang đặt ra nhiều vấn đề đối với địa phương. Theo thống kê, tỷ lệ lao động độ tuổi ngoài 35 ở Duy Tiên chiếm trên 30%.

Trong quá trình xây dựng KCN, nhiều xã của huyện Duy Tiên bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân phải chuyển đổi ngành nghề từ làm nông nghiệp sang làm công nhân, kinh doanh dịch vụ. Con em nông dân sau khi học xong cũng vào làm việc ở các nhà máy, doanh nghiệp trong KCN khá đông. "Sa thải công nhân ở tuổi ngoài 35 của các doanh nghiệp thể hiện sự phân biệt đối xử về tuổi tác với người lao động, cần có giải pháp để thay đổi vấn đề này" - đồng chí Nguyễn Văn Tời, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên nói.

Bởi, mất việc làm, không tìm được việc làm đối với lao động ở tuổi ngoài 35 sẽ làm cho lao động địa phương phải đối mặt với những khó khăn không lường trước. Không có thu nhập, không lo được đời sống, hoặc phải rời bỏ quê hương tìm đến nơi khác làm việc, thậm chí nhiều vấn đề xã hội, bị tác động. Trong nhiều lần họp tiếp xúc cử tri ở địa phương, người dân đã đề cập đến vấn đề này, coi đó là vấn đề xã hội mà nhà nước phải đặc biệt quan tâm.

Cần có chính sách cho người lao động

Các chuyên gia nghiên cứu về quan hệ lao động hiện nay đánh giá thực trạng thị trường lao động của chúng ta đang có những bất cập. Hầu hết các chủ sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp FDI đánh giá lao động qua thâm niên chứ không trên cơ sở năng lực, trình độ tay nghề, tạo ra những bất bình đẳng trong quan hệ giữa người lao động với nhau. Rất nhiều lao động có trình độ tay nghề, có kinh nghiệm không được trọng dụng, không được ưu đãi.

Hiện nay, tỷ lệ lao động thay thế ở một số doanh nghiệp may, mỹ ký, điện tử, da giày… là dưới 10%/năm (trước đây là trên 40%) cho thấy việc tuyển lao động không hề khó. Thế nhưng, chỉ vài năm nữa, chúng ta sẽ phải đối mặt với những hệ lụy của vấn đề sa thải công nhân ngoài 35 tuổi và người lao động ngoài 35 tuổi khó tìm việc làm. Đất nông nghiệp không còn nhiều, lao động bị sa thải đã từng bị vắt kiệt sức lực, không còn việc làm, không có thu nhập đúng vào thời điểm con người cần nhất thu nhập để xây dựng gia đình, ổn định kinh tế, nuôi dạy con cái. Những xáo trộn trong xã hội sẽ nảy sinh, khó lường trước hậu quả.

Ở nhiều địa phương có ruộng đất làm nông nghiệp, người lao động cũng không muốn về quê làm ruộng, vì thu nhập từ nông nghiệp không cao, lao động vất vả. Người lao động sẽ phải bỏ quê tìm đến những thành phố lớn để kiếm việc làm thời vụ. Có không ít doanh nghiệp chỉ tuyển lao động nữ, nên sau thời gian làm việc tại doanh nghiệp, nhiều người đã không kịp xây dựng gia đình. Tuổi xuân trôi đi, khi bị sa thải ở tuổi quá lứa lỡ thì, họ rất khó khăn tìm được hạnh phúc cho mình.

Chị Lã Thị Tuyến, xã Tràng An, huyện Bình Lục chia sẻ: Nhiều chị em vừa mới ra trường, chưa xây dựng gia đình vào làm việc ở công ty ban ngày thì đi làm, tối về tranh thủ ngủ do quá mệt hoặc làm thêm ca, không có thời gian để yêu đương nữa. Hơn thế, môi trường làm việc toàn phụ nữ, việc tìm kiếm bạn trai không dễ tý nào!

Đa số công nhân mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ảnh: Chu Uyên

Trước thực trạng này, ngành lao động, thương binh và xã hội, cần có giải pháp tích cực hơn để giải quyết vấn đề lao động ngoài tuổi 35 bị sa thải, khó tìm việc làm. Theo ông Phạm Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, khi tiếp nhận các doanh nghiệp FDI vào đầu tư hoạt động tại địa phương, chúng ta cần rõ ràng các chính sách đối với người lao động, từ chế độ lương, thưởng, đến bảo hiểm, tạo môi trường làm việc lành mạnh để người lao động duy trì được sức khỏe của mình. Các doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn đến vấn đề chăm sóc kỹ năng cho người lao động.

So sánh thời gian đào tạo lao động ở doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp FDI trong ngành may mặc, điện tử, giày da…, thấy thời gian đào tạo trung bình 1 năm của doanh nghiệp FDI chỉ đầu tư 3 ngày cho một công nhân, trong khi đó, doanh nghiệp cổ phần hóa của ta đầu tư thời gian đào tạo lao động trung bình trong 1 năm là một tháng. Trong khi thời gian đào tạo ở các doanh nghiệp FDI như vậy, người lao động đã đi vào làm việc như một cỗ máy, nhưng năng suất tối đa chỉ duy trì từ 3 đến 5 năm, sau đó giảm dần theo thời gian và sức chịu đựng, dẫn đến nguy cơ bị sa thải.

Vấn đề đào tạo nghề cũng cần được quan tâm, làm sao để người lao động được đào tạo những nghề có khả năng làm việc ổn định lâu dài. Cần thay đổi cách đánh giá lao động trên cơ sở năng lực thực sự chứ không phải dựa vào thâm niên. Bởi vì, khi đánh giá năng lực thực sự, người lao động được xác định vị trí của mình trong doanh nghiệp, được hưởng những ưu đãi đúng mức và được giữ làm việc lâu dài hơn. Ở huyện Duy Tiên, có nhiều doanh nghiệp ngoài KCN đã và đang làm được chuyện này khi họ thực hiện liên kết đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo nghề để tuyển dụng lao động, không căn cứ vào tuổi tác. Nếu chúng ta làm được việc này sẽ hạn chế nhiều những lo toan đối với người lao động tuổi ngoài 35 nói riêng, toàn xã hội nói chung.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy