Có một "nghề" mang tên hái sung

Không phương tiện bảo hộ, chỉ với đôi tay trần, hằng ngày họ đi khắp nơi, trèo lên những thân cây sung cao vút mong kiếm được chút ít tiền công, mặc những hiểm nguy luôn rình rập...

Ban ngày đi hái sung, buổi đêm lại ngồi bán hàng ở chợ đêm, chị Nguyễn Thị Chung, phường Quang Trung (thành phố Phủ Lý) chỉ tranh thủ chợp mắt 3-4 giờ đồng hồ mỗi ngày. Gặp chị Chung ngồi bán sung tại chợ Phủ Lý vào một đêm mưa rét, nghe chị kể về chặng đường hơn chục năm làm nghề hái sung mới thấy được phần nào những vất vả, nhọc nhằn mà chị đã trải qua.
Ngày nào cũng vậy, tầm hơn 6 giờ sáng, sau khi kết thúc buổi chợ đêm, chị Chung lại chạy xe máy đi khắp các nơi tìm mua sung. Tối về, chị ngồi cắt tỉa quả, đóng sẵn sung vào các túi ni lông theo các mức cân từ 5 -10 kg mỗi túi. Trước đây, chị Chung thường đạp xe tìm mua sung ở khắp các xã trong tỉnh. Giờ có xe máy, chị đi mua ở cả các tỉnh ngoài như: Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa...

Khách chọn mua sung ở chợ Phủ Lý. Ảnh: Thế Trang

Thường, chị Chung mua sung với giá từ 20-100.000 đồng/cây (tùy vào thời điểm, loại sung và độ sai quả) rồi tự mình trèo hái. Chị Chung chia sẻ: Nghề này đòi hỏi phải cẩn thận, có sức khỏe tốt, không sợ độ cao. Ngày ít tôi hái được vài chục cân, ngày nhiều được vài tạ quả. Sung là loại quả ăn tốt cho sức khỏe, được nhiều người mua, vì thế, sung hái về đến đâu, bán hết đến đó. Trước đây, tôi chủ yếu bán sung cho các nhà hàng, các quán bún, phở, với giá từ 2.000-4.000 đồng/kg. Giờ, hầu hết những người bán rau củ tại các chợ quê đều mua sung về bán kèm, thậm chí cả những người dân đi tập thể dục buổi sớm cũng tranh thủ vào chợ mua túi sung về muối để ăn. Sung bán lẻ được giá hơn, từ 5.000-7.000 đồng/kg. Hiện, lượng sung bán lẻ ngày càng tăng vì thế thu nhập cũng khá hơn trước...

Cũng có thâm niên hơn chục năm hái sung, nhưng bà Trịnh Thị Tiên, xã Liêm Chung (thành phố Phủ Lý) không ngồi bán sung ở chợ mà chỉ bán cho các nhà hàng, quán ăn theo đơn đặt hàng. Đã nhiều năm làm nghề nên khách hàng của bà Tiên chủ yếu là khách quen. Bình thường, bà Tiên chỉ mua sung ở quanh các xã trong tỉnh. Hôm nào các quán ăn đặt hàng nhiều bà Tiên mới phải đi tỉnh xa tìm mua sung. Phương tiện làm nghề của bà Tiên rất đơn giản, vài ba chiếc bao tải, túi ni lông và một chiếc dây thừng.

Bà Tiên tâm sự: Tôi đã xấp xỉ 60 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng mọi sinh hoạt của gia đình vẫn chỉ dựa vào nghề hái sung. Vì thế, mùa đông cũng như mùa hè, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nào tôi cũng phải đi hái sung. Khách hàng của tôi phần lớn là các quán ăn, họ đặt sung hàng ngày, nếu mình không bảo đảm đúng được lượng hàng thì mất khách ngay. Hai năm về trước chưa có xe máy, nhiều hôm tôi phải đạp xe hàng trăm cây số đi mua sung, lúc về lại còng lưng chở hàng tạ quả...

Để có thêm nguồn thu, ngoài công việc hái sung, bà Tiên còn nhận bán thêm một số rau gia vị đi ăn kèm như lá sung, rau mơ, lá lốt, hành và các loại rau thơm khác. Để mua được rau tươi ngon và rẻ, hằng ngày, bà Tiên phải dậy từ 4 giờ sáng đi chợ đêm Phủ Lý để lấy hàng. Mỗi ngày, bà Tiên cũng kiếm được 120.000-150.000 đồng từ nghề hái sung và bán rau thơm cho các nhà hàng.

Ngoài việc cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn, hay ngồi bán chợ như chị Chung, bà Tiên, hiện nay nhiều người còn hái sung đi bán rong kèm theo một số mặt hàng khác như muối ăn, khoai lang, rau củ, hoa quả... dọc trên các tuyến phố. Trò chuyện với những người hái sung, mới hiểu được phần nào nỗi nhọc nhằn của họ.

Dù khó nhọc nhưng những người làm nghề hái sung vẫn gắn bó với công việc bởi thu nhập từ nghề bảo đảm được chi tiêu hàng ngày cho sinh hoạt gia đình.

NGUYỄN OANH

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy