Cơ hội và thách thức đối với lao động đi Hàn Quốc

Trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn tiếp tục là giải pháp để người lao động nông thôn có cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống, trong đó Hàn Quốc là thị trường nhiều tiềm năng, hấp dẫn. Tuy nhiên, để có thể vượt qua các khâu thi tuyển nhằm làm việc tốt tại đây, lao động Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Huế, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Cái khó lớn nhất đối với lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc hiện nay là việc học tiếng. Quy định rõ ràng muốn đi xuất khẩu lao động phải thi tiếng Hàn EPS do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Lao động Việc làm Hàn Quốc tổ chức, nhiều lao động không vượt qua quy định này. 

Chương trình EPS được triển khai từ năm 2004 đến nay đã đem lại những kết quả tích cực. Hiện có gần 50 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 38 ngàn người làm việc theo Chương trình EPS với mức lương bình quân từ 1.000 - 1.500 USD/tháng.

Nhiều người lao động ở Hà Nam đăng ký dự thi tiếng Hàn theo chương trình EPS năm 2018 tại Sở LĐ-TB&XH.

Anh Nguyễn Văn Trọng, đội 7, xã Yên Nam, huyện Duy Tiên cho biết, anh lựa chọn đăng ký làm hồ sơ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS. Nếu vượt qua được kỳ thi này, anh được cấp chứng chỉ tiếng Hàn, sau đó hồ sơ sẽ được chuyển sang Hàn Quốc để các công ty xét chọn. Mỗi năm chỉ có một kỳ thi tuyển tiếng Hàn theo chương trình EPS, tỷ lệ chọi rất cao, 1/10 nên anh Trọng cảm thấy rất khó khăn.

Anh Trọng cho biết, đây là lần thứ 2 anh làm hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn theo chương trình EPS. Năm ngoái anh không đỗ, năm nay tiếp tục học tiếng tại Hà Nội với quyết tâm sẽ thi bằng được. Lao động Hà Nam có nhiều lợi thế vì không nằm trong vùng bị cấm đi XKLĐ tại Hàn Quốc nên anh sẽ cố gắng.

Với Trịnh Thị Hà, xóm 8 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa (Bình Lục), mong muốn được làm việc tại Hàn Quốc giúp chị cải thiện đời sống kinh tế của gia đình. Chị Hà cho biết: Chi phí đi XKLĐ Hàn Quốc không lớn, nếu vượt qua kỳ thi tiếng, được doanh nghiệp tuyển chọn, người lao động chỉ phải đóng tổng chi phí trước khi đi là 630 USD, bao gồm tiền tập huấn, hướng dẫn, hồ sơ, tiền Visa và tiền vé máy bay.

Bên cạnh đó, người lao động khi xuất cảnh qua Hàn Quốc mang theo 450 USD để hoàn thiện thủ tục bảo hiểm. Khoản tiền bảo hiểm thân thể, rủi ro này sẽ được hoàn trả lại sau khi người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn, không vi phạm bất kỳ điều luật trong hợp đồng.

Hiện tại, chị Hà đang theo học lớp tiếng Hàn tại Hà Nội. Cái khó đối với lao động học tiếng là thời gian, điều kiện gia đình ở xa, con nhỏ nên xem ra chuyện thi tuyển tiếng năm nay cũng gặp nhiều trở ngại.

Còn chị Trương Thị Thanh Tươi, thôn Thá, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý lại cho rằng, thời gian học tiếng 3 tháng không thể giúp chị vượt qua kỳ thi. Chị Tươi sinh năm 1979, có gia đình và hai con nhỏ, tuổi "chạm" ngưỡng tối đa quy định về độ tuổi. Chị Tươi chia sẻ, ở tuổi của chị, học tiếng nước ngoài thực sự khó khăn. Các bạn trẻ hơn học nhanh hơn, nhiều bạn chỉ hai tháng là viết, đọc được. Hơn nữa, chị Tươi vừa đi học, vừa làm ở siêu thị Minh Khôi, thời gian gò bó, chị chỉ biết học theo khả năng của mình.

Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2018, toàn tỉnh có 157 người đăng ký dự thi tiếng Hàn theo chương trình EPS. Hầu hết các lao động đều nắm được thông tin và quy định về công tác XKLĐ tại Hàn Quốc. So với năm 2017, số người đăng ký thi tiếng Hàn theo chương trình EPS giảm gần 50 người.

Tuy nhiên, số người dự thi được cấp chứng chỉ  năm 2017 chỉ đạt hơn 30 người. Bà Phạm Thị Huế cho biết thêm: Việc tổ chức các kỳ thi tuyển lao động theo Chương trình EPS trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp tiếp tục được thực hiện đã mở ra cơ hội lớn đối với lao động Hà Nam có nhu cầu được làm việc tại Hàn Quốc.

Năm ngoái, trong tổng số 1.124 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài, có 93 lao động làm việc tại Hàn Quốc. So với thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, thị trường lao động Hàn Quốc vẫn đứng thứ 3. Khó khăn với lao động của ta khi thi tuyển để làm việc là ngành ngư nghiệp không đáp ứng yêu cầu, người lao động thi tiếng không đạt.

Trong 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh mới chỉ XKLĐ sang Hàn Quốc được 19 người. So với nhu cầu, con số này còn hạn chế.

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy