Chuyển dịch cơ cấu lao động ở Kim Bảng

Trung bình mỗi năm, huyện Kim Bảng giải quyết việc làm mới cho gần 3.000 lao động. Đa số lao động có việc làm thu nhập ổn định ở các lĩnh vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn đã phản ánh rõ nét quá trình chuyển dịch ngành nghề, điều kiện để huyện phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.

Chuyển dịch ngành nghề là mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa được thị trấn Ba Sao đặt ra khi có  trên 1.000 ha đất thu hồi để tỉnh thực hiện xây dựng và phát triển các dự án về du lịch. 

Theo ông Nguyễn Trung Văn, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao, số lao động hiện đang làm trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn 25%. Quá trình thực hiện thu hồi đất, nhiều lao động nông thôn đã phải chuyển đổi việc làm. Hơn 1/3 số lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, còn lại chuyển sang làm công nhân và lao động tự do. 

Mặc dù sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trên địa bàn còn chậm nhưng cơ cấu lao động nông thôn đã có những chuyển dịch rõ nét. Kết quả của sự chuyển dịch này làm cho đời sống kinh tế của các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất đã có bước chuyển tích cực. Thu nhập bình quân đầu người ở Ba Sao hiện nay xấp xỉ 40 triệu đồng/năm. Mỗi năm, Ba Sao có từ 150 - 200 lao động có việc làm mới, trong đó có trên 10 lao động đi xuất khẩu lao động.

Một buổi tập huấn kiến thức kinh doanh cho hội viên phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Kim Bảng. Ảnh: T.L

Cùng với Ba Sao, các xã khác như Khả Phong, Lê Hồ, Tân Sơn, Nguyễn Úy, Hoàng Tây…, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động đang diễn ra khá mạnh mẽ.

Ông Trần Hồng Chuẩn, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kim Bảng cho biết: Nhu cầu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đang giảm. Nhiều nơi, người nông dân không tha thiết với đồng ruộng, sẵn sàng bỏ ruộng cấy để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Năm 2017, huyện đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 6 nghề mới, trong đó có nghề vận tải thủy, nấu ăn được người lao động quan tâm.

Học viên học các lớp học nghề vận tải thủy, nấu ăn là những lao động thuộc các xã, thị trấn bị thu hồi đất phục vụ phát triển các dự án về du lịch như Ba Sao, Khả Phong. Trước mắt, những lao động được đào tạo vận tải thủy trong quá trình chờ khu du lịch đi vào hoạt động, họ đã có việc làm tại khu du lịch chùa Hương.

Cũng theo ông Chuẩn, việc chuyển dịch cơ cấu lao động hiện nay đang trở nên mạnh mẽ hơn do có sự tác động từ các chính sách của Nhà nước như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động, đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, phát triển nguồn nhân lực…

Ngoài ra, công nghiệp, dịch vụ của tỉnh phát triển đã tạo điều kiện để người lao động tiếp cận với ngành nghề mới. Hàng nghìn lao động của Kim Bảng hiện nay đang làm việc trong các KCN và các cụm công nghiệp đóng trên địa bàn huyện Duy Tiên, huyện Kim Bảng, thu nhập bình quân mỗi công nhân 5 - 5,5 triệu đồng/tháng.

So với các huyện, thành phố, Kim Bảng là một trong hai địa phương chuyển dịch cơ cấu lao động nhanh nhất. Sự chuyển dịch này làm tăng năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua. Số lao động qua đào tạo đạt trên 50%. Thu nhập và mức sống của người dân tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu của việc chuyển dịch có thể đáp ứng yêu cầu lao động, nhưng về lâu dài, đội ngũ lao động trong lĩnh vực công nghiệp quá tuổi lao động sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp lớn. Đây là một bài toán về cân đối lực lượng lao động trong tương lai.

Các địa phương chuyển dịch cơ cấu lao động nhanh cần tính toán đến sự bền vững về việc làm, thu nhập của người lao động, nếu không sẽ có những tác động tiêu cực đến an sinh xã hội. Chuyển dịch cơ cấu lao động cũng sẽ làm cho một lượng lớn lao động di chuyển tự do gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, an ninh trật tự.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy