Bảo vệ sức khỏe người lao động: Vì lợi ích doanh nghiệp

Hà Nam hiện có khoảng 60 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh. Đây là lực lượng quan trọng góp phần vào sự phát triển của mỗi doanh nghiệp cũng như của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế việc quan tâm đến an toàn, sức khỏe người lao động (NLĐ) chưa được các doanh nghiệp chú trọng khiến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BNN) vẫn tồn tại.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có đến 90% cơ sở có các yếu tố dẫn đến nguy cơ NLĐ bị BNN. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 40% cơ sở được hướng dẫn lập hồ sơ vệ sinh lao động, đo kiểm tra môi trường lao động; 25% NLĐ làm việc tại các cơ sở này được khám phát hiện BNN.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh chỉ có 216 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 82.481 lượt NLĐ. Còn về BNN, 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh chỉ có trên 300 NLĐ thuộc 3 doanh nghiệp được khám chữa BNN tại Khoa BNN thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh; còn cả năm 2017 chỉ có trên 450 lao động thuộc 5 doanh nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH MTV Hoa Sen Hà Nam (Thanh Liêm) trong giờ làm việc.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Trưởng khoa BNN, Trung tâm KSBT tỉnh, BNN là bệnh phát sinh do điều kiện làm việc cũng như yếu tố có hại phát sinh trong quá trình lao động sản xuất, gây tác động xấu đến sức khỏe của NLĐ. Trong đó, yếu tố môi trường có tác động rất lớn đến sức khỏe của NLĐ.

Nếu như nhân viên văn phòng do ngồi lâu, làm việc với máy tính nhiều, ít vận động thì có nguy cơ mắc bệnh về cơ xương khớp, thị lực, béo phì. Còn công nhân làm trong các xưởng, nhà máy tiếp xúc với tiếng ồn, khói bụi, nếu môi trường làm việc không được bảo đảm cũng như việc phòng hộ không tốt thì lâu dài sẽ có nguy cơ mắc bệnh về thính lực, hô hấp, tim mạch…

Trung tâm KSBT tỉnh không thể thống kê số NLĐ mắc BNN vì số lượng doanh nghiệp đăng ký khám, điều trị BNN cho NLĐ mỗi năm chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Điểm đáng chú ý là công tác chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị BNN cho NLĐ thường được quan tâm hơn ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với quy mô sản xuất nhỏ và vừa, đầu tư về công nghệ, thiết bị có nhiều hạn chế và khó khăn hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác nên việc chăm lo sức khỏe NLĐ cũng không được chú trọng.

Theo Bộ luật Lao động năm 2012, doanh nghiệp sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, kể cả người học nghề, tập nghề ít nhất 1 lần/năm; đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng/lần; lao động nữ phải được khám phụ khoa; người có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ có thể gây BNN phải được khám BNN; người lao động bị tai nạn lao động, BNN phải được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động…

Không chỉ là quy định, việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ còn thể hiện văn hóa doanh nghiệp, tính nhân văn và được xem là biện pháp hiệu quả để bảo đảm "nguồn vốn sức khỏe" của doanh nghiệp. Công tác này được doanh nghiệp quan tâm đúng mức sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với NLĐ, được khám sức khỏe sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường trước khi có biểu hiện ra bên ngoài hoặc chuyển thành bệnh lý.

Đối với người sử dụng lao động, nếu NLĐ được phát hiện sớm mầm bệnh, điều trị kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí y tế, chi phí bồi thường cho NLĐ mắc bệnh phải đi điều trị dài ngày.

Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Bùi Trung Hiếu cho rằng, những hạn chế trong khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ tại các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu do nhiều chủ sử dụng lao động chưa ý thức được tầm quan trọng của việc chăm lo sức khỏe cho NLĐ. Có những doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phù hợp với điều kiện, môi trường làm việc tại doanh nghiệp hoặc không tổ chức khám sức khỏe để tiết kiệm khoản chi lớn cho hoạt động khác…

Nhiều lao động làm việc trong môi trường có nhiều bụi như: các cơ sở may, xưởng sản xuất đồ mộc nhưng không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động. Công tác tuyên truyền chế độ, chính sách cho NLĐ còn hạn chế, chưa thường xuyên.

Ngoài ra, một số cán bộ công đoàn cơ sở chưa thực sự quan tâm triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại doanh nghiệp, chưa chủ động đề xuất người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ. Các chế tài xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghiêm túc việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ chưa đủ sức răn đe.

Chăm lo sức khỏe cho NLĐ chính là cách để lãnh đạo đơn vị thể hiện sự quan tâm đến "tài sản" lớn nhất của NLĐ cũng là của doanh nghiệp. Bởi vậy, để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi NLĐ, các cơ quan chức năng cần mở rộng quy mô giám sát môi trường lao động, bảo đảm kiểm soát có hiệu quả các yếu tố, nguy cơ gây BNN, khảo sát đánh giá hiện trạng điều kiện lao động trong một số cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây tai nạn lao động, BNN.

Vì lợi ích của NLĐ và của chính doanh nghiệp, các đơn vị có đông NLĐ có nguy cơ cao mắc BNN hằng năm cần tổ chức tập huấn về ATVSLĐ, cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động phòng BNN cho NLĐ, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường lao động, áp dụng các giải pháp an toàn nhằm cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, BNN.

Chủ động phối hợp với cơ sở y tế để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện BNN để có chế độ điều trị kịp thời cho NLĐ. Các cấp công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về ATVSLĐ tới người sử dụng lao động, NLĐ về cải thiện điều kiện làm việc, duy trì và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, lấy đó làm cơ sở tổ chức đánh giá, sắp xếp, bố trí vị trí công việc phù hợp với sức khỏe của NLĐ. Bản thân NLĐ cần nâng cao ý thức chấp hành an toàn lao động, thực hiện nghiêm các quy định về bảo hộ lao động để bảo vệ sức khỏe của chính mình.                                      

Hoàng Hải

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.