Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Nhiều năm qua, ngành giáo dục tổ chức thực hiện trên diện rộng một số chuyên đề giáo dục mang tính chuyên sâu đối với cấp học mầm non. Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" chính là một trong những điểm nhấn tích cực. Năm học 2017-2018 là năm học thứ hai ngành giáo dục triển khai thực hiện chuyên đề này.

Năm học 2017-2018, Trường Mầm non xã Thi Sơn (Kim Bảng) huy động được hơn 700 trẻ ở các độ tuổi mầm non và nhà trẻ ra lớp. Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện, năm học này nhà trường đã triển khai chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" ở tất cả các nhóm lớp.

Cô giáo Lê Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nên đơn vị được chọn triển khai điểm chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" cấp tỉnh. Mặc dù trước đó, mục tiêu xây dựng trường mầm non bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục, hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm đã được nhà trường quan tâm thực hiện, song khi đưa chuyên đề vào áp dụng thực tiễn cán bộ, giáo viên toàn trường mới có thêm điều kiện thực hiện việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm với nhiều nội dung, phương pháp mới, góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi đáng kể môi trường giáo dục, tạo sự chủ động hơn cho đơn vị trong xây dựng kế hoạch giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ…

Quá trình thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" tại Trường Mầm non Thi Sơn đã xây dựng được môi trường giáo dục tích cực cả trong và ngoài lớp học, trẻ được học mà chơi, chơi mà học. Ở đây, vai trò tổ chức thực hiện của người giáo viên được đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo nhà trường thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức lớp học trên cơ sở biết phát huy khả năng của trẻ đối với giáo viên.

Đồng thời, tích cực cử giáo viên theo học các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về cả kiến thức, phương pháp cũng như vận dụng thực tế các quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Qua đó, nhiều giáo viên đã thể hiện tốt năng lực và sự sáng tạo trong việc tự thiết kế nội dung bài giảng, xây dựng kế hoạch công tác. Tại các lớp học đã xây dựng một môi trường thân thiện với nhiều màu sắc sinh động, trẻ được tham gia và tự khám phá khi hoạt động ở các góc hoạt động như: góc phân vai, góc xây dựng, góc sách truyện, góc thiên nhiên…

Trong mọi hoạt động, trẻ các nhóm, lớp tại Trường Mầm non Thanh Thủy (Thanh Liêm) luôn được quan tâm phát huy năng khiếu cá nhân. Ảnh: Hà Trần

Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) cũng là một trong những đơn vị được chọn làm điểm triển khai chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm". Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả chuyên đề này trong thực tế. Giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm có ý nghĩa rất lớn khi tạo ra cho trẻ một môi trường học tập tích cực, trẻ được tham gia cùng giáo viên trong mọi hoạt động giáo dục dựa trên nhu cầu, sự hứng thú cũng như khả năng của trẻ.

Do có sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, Ban giám hiệu nhà trường đã làm tốt công tác định hướng để mọi giáo viên chủ động, tích cực tham gia. Không chỉ làm tốt công tác chỉ đạo thực hiện tại từng khối, lớp, mới đây, Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê đã tổ chức được một hội thi có quy mô về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.

Theo cô giáo Dương Thị Thúy Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, hội thi được tổ chức với mục đích giúp cán bộ quản lý và giáo viên trong toàn trường nhận thức tốt về nhiệm vụ xây dựng được môi trường vật chất, môi trường xã hội trong và ngoài lớp học lấy trẻ làm trung tâm, đồng thời là dịp để các giáo viên được thực hành việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các yếu tố liên quan đến môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm…

Theo đó, trong quá trình diễn ra hội thi, các giáo viên tham gia đã tự xây dựng chương trình, có sự chuẩn bị khá công phu các nội dung về môi trường vật chất trong lớp học như: tạo lập các góc hoạt động mang tính mở, khuyến khích trẻ lựa chọn, trải nghiệm và hoạt động theo nhiều cách khác nhau, trang trí lớp học thân thiện, linh hoạt, có đa dạng các loại đồ dùng, đồ chơi, các nguyên vật liệu thân thiện cho trẻ chơi và hoạt động sáng tạo…

Bên cạnh đó, khi tham gia vào mô hình trường học lấy trẻ làm trung tâm, các yếu tố liên quan tới môi trường xã hội cũng được đề cập như: tạo không khí giao tiếp tích cực giữa cô giáo với trẻ và ngược lại, có sự đối xử công bằng trong giáo dục, tại lớp học không có tai nạn, thương tích đối với trẻ, có sự trao đổi thường xuyên giữa giáo viên với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm.

Được tham gia hội thi, các giáo viên có thêm cơ hội để tìm hiểu, học hỏi và trao đổi với đồng nghiệp về cách thức, phương pháp tổ chức phù hợp, hiệu quả với từng lớp học, từng độ tuổi của trẻ, hướng tới yêu cầu xây dựng được môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ngay từ trong các nhóm, lớp.

Qua thực tế thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" môi trường giáo dục tại các trường mầm non có nhiều thay đổi đáng kể. Trong các trường học, trẻ không chỉ được dạy dỗ, chăm sóc theo đúng quy định mà còn được khuyến khích, hỗ trợ sáng tạo, các trẻ có những thiếu hụt về thể chất hay có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Về phía giáo viên, phương pháp dạy học cũng thay đổi, chuyển nhanh sang tư duy tổ chức các hoạt động, điều khiển và hỗ trợ trẻ đúng lúc, không làm thay trẻ, tăng cường sự tương tác với trẻ và giữa trẻ với nhau, giúp trẻ chủ động tham gia vào mọi hoạt động, bảo đảm tính phù hợp về nhu cầu, năng khiếu cá nhân.

Hoạt động nghệ thuật tạo hình thuộc lĩnh vực phát triển thẩm mỹ cho các cháu lớp 5 tuổi Trường Mầm non thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên). Ảnh: Thế Tuân

Từ một số đơn vị trường làm điểm, tới năm học này, chuyên đề  "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" đã nhân rộng ra 100% các trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả chuyên đề, nhiều trường đã có sự đầu tư xây dựng các khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời. Phần lớn các trường đã bố trí được sân tập thể dục, khu vui chơi thể thao, khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời, khu vực cho trẻ giao lưu với thiên nhiên… giúp trẻ có cơ hội được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.

T.T.Hà

Thanh Hà, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.