Triển khai Đề án Chương trình Sữa học đường tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020

Sáng 17/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị Triển khai Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020.

Dự hội nghị có đồng chí Bùi Quang Cẩm, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, một số sở, ngành của tỉnh; hiệu trưởng các trường tham gia Chương trình Sữa học đường năm 2018.

Sau 1 năm thực hiện thí điểm Chương trình Sữa học đường tại 30 trường mầm non trên địa bàn tỉnh cho thấy: 100% trường đã tiếp nhận sữa và cho trẻ uống sữa tại trường vào giờ nhất định. Toàn tỉnh có 16.268/15.865 học sinh tại các trường tham gia uống sữa đạt 102,54% so với số học sinh theo kế hoạch thí điểm. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ vẫn cao, tỷ lệ SDD cân nặng/tuổi: 12,9%; SDD chiều cao/tuổi: 23%.

Đồng chí Bùi Quang Cẩm, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Chương trình Sữa học đường tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ mầm non, tiểu học qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày, nhằm giảm tỷ lệ SDD, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em về chỉ số cân nặng và chiều cao, khống chế tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ em trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 208 trường triển khai Đề án, trong đó 116 trường mầm non và 92 trường tiểu học với tổng kinh phí trên 187,3 tỷ đồng.

Năm 2018, Đề án được triển khai tại 60 trường mầm non và 32 trường tiểu học thuộc 6 huyện, thành phố. Thời gian thực hiện từ tháng 9 - 12/2018. Đề án chương trình Sữa học đường hỗ trợ 100% chi phí sản phẩm đối với học sinh thuộc các hộ gia đình nghèo, chính sách; 60% đối với học sinh hộ cận nghèo; 40% học sinh thuộc các đối tượng khác.


Vì tầm vóc Việt, trẻ em cần được uống sữa hàng ngày. Ảnh: Chu Uyên

Để triển khai tốt Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Quang Cẩm yêu cầu Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố, các nhà trường và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác tham mưu, phối hợp thực hiện đề án.

Việc thực hiện Đề án cần xem xét điều chỉnh đến hết tháng 6/2021 bảo đảm học sinh tại các trường tham gia Đề án được uống sữa đến hết năm học, thay vì chỉ được uống 4 tháng theo năm tài chính. Sở Tài chính cần xem xét bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án theo điều chỉnh đến hết tháng 6/2021.

Các nhà trường cần bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam để việc vận chuyển, bảo quản sữa đúng quy trình, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ khi sử dụng; đồng thời, tổ chức giám sát, đánh giá việc triển khai cho trẻ uống sữa tại lớp hàng ngày.

Hoạt động truyền thông cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, cơ quan đoàn thể, phụ huynh về tầm quan trọng của việc bổ sung sữa như thức uống thiết yếu giúp cải thiện tầm vóc, sức khỏe của trẻ. Trong quá trình triển khai Đề án, nếu có bất cứ vấn đề nào phát sinh, các đơn vị cần nghiêm túc nhìn nhận và kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hoàng Hải

Hải Yến, Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy