Thầy giáo Vũ Xuân Quang: Văn mẫu không có tội…

Hiện nay, môn Văn đang bị làm mờ đi giá trị đích thực của nó, không chỉ học sinh, ngay cả giáo viên cũng "chán môn Văn", xem nhẹ môn học này dẫn đến tình trạng học sinh coi văn mẫu là tài liệu để làm bài kiểm tra, thi cử.

Nhiều người đổ lỗi cho nhà xuất bản tung hoành các loại sách văn mẫu, làm cho học sinh và giáo viên lười tư duy, lười sáng tạo. Có người đổ lỗi cho năng lực trình độ của giáo viên hay do cách thức thi cử hiện nay. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trò chuyện với thầy giáo Vũ Xuân Quang, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa, người có thâm niên hơn 30 năm giảng dạy Ngữ văn xung quanh chuyện học và dạy văn mẫu.

Tham khảo văn mẫu là cách để học văn tốt hơn.

P.V: Thưa thầy, trước khi nghỉ chế độ, thầy có gửi lại cho học sinh chuyên văn của mình những lời khuyên về môn học này, vì sao thầy lại có ý tưởng ấy?

Thầy giáo Vũ Xuân Quang: Thực ra, những năm gần đây, tôi đã thấy rất rõ một thực trạng học sinh không thích học môn Văn, ngại học Văn, bỏ học Văn. Ngay cả với học sinh thi vào lớp chuyên Văn của trường, có nhiều em không xác định học Văn chuyên thực sự mà chỉ là một trong những cách để có thể có một vị trí ở trường chuyên. Môn Văn có một giá trị đích thực không chỉ đối với giáo dục mà còn đối với đời sống. Văn học là nhân học. Vậy mà học sinh lại chưa hiểu hết giá trị ấy là điều khiếm khuyết của giáo dục, giáo dục sẽ không toàn diện, không có văn sẽ không hoàn thành mục tiêu giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách học sinh. Bản thân tôi rất băn khoăn về điều này, nhưng thời gian gần gũi học trò không còn nên đành viết vài dòng gửi lại các em, những học sinh chuyên văn để các em tham khảo, đọc và suy ngẫm xem có đúng với thực tiễn hay không.

P.V: Học sinh chán học Văn, ngại học Văn vì có văn mẫu để các em dựa vào đó làm bài mỗi khi kiểm tra, thi cử. Thầy có nghĩ văn mẫu đã tác động, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn Văn thời gian qua không?

Thầy giáo Vũ Xuân Quang: Thứ nhất, bản thân văn mẫu không có tội đâu em ạ! Bởi vì, dạy học sinh viết văn cũng giống như người ta dạy thợ làm ra một sản phẩm gì đó, phải có mẫu để xác định chuẩn giúp người thợ làm theo hoặc sáng tạo theo. Học sinh cũng thế, bắt đầu học văn, cần thiết có mẫu để các em hiểu thể này yêu cầu thế này, thể khác yêu cầu khác. Nhưng có tội ở chỗ, sau khi cái mẫu đó được hoàn thành, người giáo viên cứ coi đó như một thước đo bất di bất dịch, buộc học sinh phải áp theo mẫu đó. Thứ hai, giáo viên bây giờ cứ thích văn mẫu, bắt học sinh học theo mẫu vì nó dễ chấm. Thí dụ, trong văn tả người, học sinh phải đạt các ý sau đây: Một là… Hai là… Ba là… Trong khi học sinh không làm như thế, giáo viên cho đấy là sai, phê bình học sinh. Từ đó, các em sợ không dám sáng tạo nữa, nhất nhất theo ý của người khác thôi.

P.V: Chuyện này có liên quan gì đến năng lực, trình độ của người thầy hay không? Vì sao chúng ta không thể chấm dứt tình trạng đó thưa thầy?

Thầy giáo Vũ Xuân Quang: Đương nhiên là có. Bản thân giáo viên không đủ trình độ để thẩm định, thưởng thức những cái nằm ngoài mẫu. Giáo viên còn ngại chấm những thứ gọi là sáng tạo. Rồi, lúc thi cử, giáo viên cũng lại ra đề đúng với cái mẫu như thế thành ra văn mẫu có đất để sống, có chỗ để đứng, có những ảnh hưởng để tác động…

P.V: Thế còn đối với học sinh thì sao, văn mẫu tác động, ảnh hưởng như thế nào đến việc học và phát huy năng khiếu của các em thưa thầy?

Thầy giáo Vũ Xuân Quang: Tác động nhiều chứ, nhất là với những học sinh có khiếu một chút, hoặc với những em có con mắt nhìn cuộc sống không theo khuôn mẫu như những bạn khác. Các em bị ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng cả đến nhân cách của chúng sau này nữa. Bởi vì sao? Bởi vì nó mà làm khác đi thì bị cô giáo phê, không được. Ngay từ bé đã bị ép như thế rồi thì lớn lên, chúng sẽ trở thành những người sống rất công thức.

P.V: Gần đây có ý kiến cho rằng, giáo dục môn Văn trong nhà trường không nhất thiết bắt các em phải hiểu sâu về một tác phẩm, phân tích và nhớ các tình tiết, chi tiết của tác phẩm. Dạy Văn cốt sao phải giúp học sinh có khả năng hiểu, tiếp cận tác phẩm văn học, biết cách trình bày văn bản… Quan điểm của thầy như thế nào về chuyện này?

Thầy giáo Vũ Xuân Quang: Tôi có thể nói với bạn thế này, bây giờ, số học sinh phổ thông học Văn, ngay cả lớp chuyên Văn ở trường chuyên, đi theo chuyên ngành văn, xã hội rất ít. Chính vì thế mà người ta đề nghị chuyện đó, không nên dạy Văn theo kiểu đào tạo ra những nhà nghiên cứu văn học… mà cần đào tạo sao cho các em sau này có khả năng ứng xử tốt trước những văn bản thực tế của cuộc sống. Thí dụ, sau này em trở thành công nhân, kỹ sư, lãnh đạo hay nhà quản lý… trước một bài văn, bài thơ, một văn bản nào đó, các em có khả năng cảm thụ được cái hay, cái đẹp của nó, chứ không thể học Văn rồi đến những lúc này lại bảo tôi có học chuyên văn đâu mà biết hay ở chỗ nào! Thứ nữa, khi vào cuộc sống, công việc, cần phải soạn thảo một văn bản nào thì cũng biết cách làm chứ không thể nói là không  được. Chúng ta đã nhìn thấy một thực tế, có nhiều cán bộ, viên chức, cử nhân trong quá trình làm việc đứng trước một văn bản cụ thể, một tình huống liên quan đến Văn thì anh không ứng xử được.

P.V: Theo thầy, việc chúng ta đang ứng xử với môn Văn hiện nay vừa quá lạnh nhạt, vừa quá cứng nhắc, có cái gì đó thiếu khoa học… nguyên nhân do đâu?

Thầy giáo Vũ Xuân Quang: Tôi cho là do thi cử. Tôi có thể dạy học sinh rất sáng tạo, không cần văn mẫu. Tôi nói với các em là các em đừng có tả mẹ cứ phải tóc dài, da trắng… thế nhưng khổ nỗi là cái ba rem chấm của cái người ra đề thi học kỳ, thi hết cấp, thi học sinh giỏi… cứ phải đáp ứng ý này, ý kia nên giáo viên người ta buộc phải dạy như thế. Đây chính là nguyên nhân sâu xa đấy em ạ!

P.V: Vậy muốn làm cho học sinh yêu thích môn Văn thì giáo viên phải làm thế nào thưa thầy?

Thầy giáo Vũ Xuân Quang: Người giáo viên dạy Văn phải vừa như một nhà khoa học, vừa như một nghệ sỹ. Nghề này có một sự thật khó khắc phục, người nào viết tốt chưa chắc đã nói tốt. Người nói tốt chưa chắc đã viết tốt. Thế mà giáo viên Văn cần cả hai yếu tố này. Đây là một đòi hỏi khó cho người dạy Văn.

P.V: Xin cảm ơn thầy!

Giang Nam (Thực hiện)

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy