Thay đổi phương pháp dạy học để thực hiện chương trình giáo dục mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học… Với yêu cầu mới này, ngành giáo dục, các nhà trường và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong tỉnh xác định rõ trách nhiệm tích cực đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó, cơ bản nhất là thay đổi nhanh, có chất lượng về phương pháp dạy học.

Theo đánh giá, chương trình GDPTM đã cụ thể hóa được mục tiêu giáo dục phổ thông, có sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp học cũng như liên thông với các chương trình giáo dục cấp mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

 Hệ thống các môn học của chương trình GDPTM được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Thời lượng thực học các môn học của cả chương trình GDPT tương đương với 37 tuần, gồm: 35 tuần thực học dành cho các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa và môn học tự chọn bắt buộc, 2 tuần thực học dành cho các môn tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.

Việc áp dụng phù hợp các mô hình giáo dục tiên tiến vào thực tế địa phương cũng là một trong những yếu tố đổi mới chương trình giáo dục.

Với sự rõ ràng về cả nội dung và thời gian chương trình như vậy, các nhà trường đã chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng mới như: tự cấu trúc lại chương trình giảng dạy, giảm tải những nội dung quá khó hoặc không cần thiết đối với học sinh, tăng cường các nội dung mang tính thực hành, ứng dụng và các hình thức tổ chức dạy học giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn. Đồng thời, gợi mở, khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức môn học, kiến thức liên môn trong giải quyết các tình huống thực tiễn.

Theo cô giáo Vũ Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, thành phố Phủ Lý, trước hết, bản thân mỗi giáo viên phải có sự chủ động riêng trong việc lập kế hoạch làm việc, đổi mới phương pháp dạy học sao cho từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Về phía nhà trường, bên cạnh việc tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành về xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh cũng có kế hoạch, thực hiện rà soát nội dung chương trình hiện hành, thống nhất chủ đề các môn học, chủ đề tích hợp liên môn để có sự bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp; xây dựng được kế hoạch tổ chức một số hoạt động giáo dục dành cho học sinh như: hoạt động tập thể, hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tham gia các cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn, thi khoa học kỹ thuật…

Đồng quan điểm này, lãnh đạo nhiều nhà trường cũng khẳng định, việc đổi mới tư duy quản lý và phương pháp dạy học là yếu tố quan trọng nhất để "đón đầu" chương trình GDPTM. Ở các trường học, cấp học, vai trò, trách nhiệm thực hiện đổi mới đã được phân định cụ thể. Theo đó, vai trò của các hiệu trưởng được thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương đổi mới, tích cực đôn đốc và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá, triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy mang tính sáng tạo. Các tổ trưởng chuyên môn căn cứ vào đặc điểm môn học, thực tế về số lượng và năng lực giáo viên bộ môn phải làm tốt việc tham mưu, đề xuất các biện pháp giảng dạy tích cực, có trách nhiệm thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để bàn về các biện pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá phù hợp với từng đối tượng học sinh, thống nhất các chủ đề dạy học.

Về phía giáo viên, khi được hỏi hầu hết các giáo viên đều cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục là thực sự cần thiết không chỉ đối với học sinh mà với cả giáo viên. Cô giáo Bùi Thị Minh, giáo viên Trường Tiểu học Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, cho biết: Đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPTM, cá nhân tôi nhận thấy, người giáo viên bên cạnh việc nắm vững phương pháp, kỹ năng dạy học cũng như tổ chức các hoạt động và quản lý học sinh còn cần có ý thức tự trau dồi, nâng cao trình độ thông qua việc chủ động học tập kinh nghiệm, nghiên cứu cách dạy hay, tham gia nghiêm túc và vận dụng triệt để các nội dung được tập huấn về chuyên môn.

Nói về sự đổi mới chương trình GDPTM, một cán bộ trong ngành giáo dục đã nghỉ hưu chia sẻ, không chỉ riêng chương trình GDPTM  mà với tất cả mọi sự đổi mới, nếu yếu tố con người không được đổi mới theo kịp cả về tư duy, nhận thức, thay đổi về phương pháp, cách làm, cách dạy thì sẽ không thể đổi mới được. Trong thực tế, do đã quá quen với lối tư duy, cách làm truyền thống nên việc thay đổi, đổi mới không hề dễ dàng, còn không ít giáo viên ngại đổi mới, không muốn đổi mới vì sẽ vất vả, khó nhọc hơn.

Vì vậy, trong thực hiện chương trình GDPTM tới đây, cũng cần tiến hành khảo sát, đánh giá lại năng lực nghề nghiệp của đội ngũ, có sự đối chiếu với yêu cầu của chương trình để phân loại giáo viên. Song song với đó, vấn đề bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ về năng lực sư phạm, thay đổi phương pháp dạy sang đào tạo cũng cần được xem xét thực hiện theo hướng khắc phục những điểm yếu về năng lực của đội ngũ, trang bị cho giáo viên nhiều hơn nữa kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

Thời gian chuẩn bị cho triển khai thực hiện chương trình GDPTM không còn nhiều, sự chủ động đổi mới về tư duy, nhận thức, đội ngũ và phương pháp chính là điều kiện quan trọng nhất để ngành giáo dục có thể đưa chương trình GDPTM một cách hiệu quả vào thực tiễn.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy