Những năm gần đây, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh nói chung, cho học sinh lớp 9 THCS nói riêng đã và đang được ngành giáo dục, các nhà trường coi trọng, nỗ lực thực hiện nhằm góp phần tích cực và hiệu quả vào việc phân công, sử dụng hợp lý học sinh sau khi tốt nghiệp.
Trên thực tế, làm tốt công tác hướng nghiệp có thể tạo ra được nhiều lợi ích cho học sinh lớp 9; trong đó, quan trọng nhất là giúp học sinh nhận rõ được bản thân, xác định được điểm mạnh, yếu về năng lực cá nhân, điều kiện gia đình cũng như nhu cầu học tập, làm việc… để có sự lựa chọn phù hợp cho bản thân sau khi tốt nghiệp THCS. Qua tìm hiểu được biết, hoạt động giáo dục hướng nghiệp lớp 9 hiện nay được các nhà trường linh hoạt tổ chức, có nền nếp, với nhiều hình thức hướng nghiệp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS An Đổ (Bình Lục) cho biết: Tham gia vào các hoạt động này, học sinh được cung cấp khá nhiều thông tin, kinh nghiệm về việc chọn trường, chọn ngành học, hay chọn công việc phù hợp với nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Ngoài ra, thông qua những chia sẻ đó, học sinh lớp 9 có thể khám phá và tìm ra các kỹ năng, sở trường của bản thân. Các chủ đề hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 được ưu tiên thực hiện tập trung vào các hoạt động về xu thế phát triển kinh tế - xã hội và ngành nghề; tìm hiểu về nhu cầu lao động; cách định hướng nghề nghiệp… bảo đảm việc định hướng chọn nghề có cơ sở khoa học. Học sinh lớp 9 sau khi tham gia các buổi định hướng nghề nghiệp, được nghe thầy cô giáo tư vấn về các ngành nghề và cũng như chỉ ra những mặt mạnh, mặt hạn chế sẽ tự nhận thấy mình phù hợp với loại ngành nghề nào, từ đó chủ động thu nạp thêm kiến thức cho các môn học, khối thi, ngành học yêu thích.
Theo khẳng định của các cán bộ quản lý, giáo viên, việc thực hiện hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 trong nhà trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn vì tốt nghiệp lớp 9 chính là bước chuyển cấp quan trọng quyết định phân ban kiến thức, tạo nền móng cho những quyết định lựa chọn nghề nghiệp và trường đại học sau khi học xong THPT sau này. Lớp 9 là giai đoạn khá nhạy cảm của học sinh; là khoảng thời gian các em đang trăn trở trước những nguyện vọng của mình với rất nhiều mong muốn khác nhau, như: thi vào trường chuyên, trường công lập, chọn học trung cấp nghề, hay học hệ giáo dục thường xuyên… Vì vậy, đây là khoảng “thời gian vàng” để định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9, từ đó học sinh sẽ chú tâm đặc biệt vào các môn quan trọng, hạn chế được việc học không chủ đích.
Em Trần Tố Uyên, học sinh lớp 9B, Trường THCS Mộc Nam (Duy Tiên) tâm sự: Chúng em đã được học các buổi giáo dục hướng nghiệp theo thời khóa biểu; được tham gia nhiều buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Với nhận thức và suy nghĩ của độ tuổi chúng em và với sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, chúng em đã biết bản thân thích gì, nhìn nhận được ưu nhược điểm, có thể tự hiểu lựa chọn nào sẽ đem đến nhiều lợi ích cho mình.
Với những mục tiêu, giá trị của công tác giáo dục hướng nghiệp, các trường THCS đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề hướng nghiệp cho học sinh lớp 9; chủ động phối hợp với các tổ chức hướng nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề để tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Để linh hoạt hơn trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 cũng như giúp học sinh tiếp cận sâu hơn về vấn đề này, các nhà trường đã và đang tổ chức các buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp ngay tại các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Tại đây các học sinh sẽ được nghe thầy cô giáo nói về những nghề nghiệp đang "hot". Học sinh cũng được lên kế hoạch đóng các tiểu phẩm liên quan đến giáo dục hướng nghiệp. Từ những buổi như thế, các em sẽ tiếp thu những thông tin cần thiết tốt hơn.
Việc tổ chức các buổi hướng nghiệp không chỉ giúp học sinh lớp 9, mà cả học sinh các khối lớp trong trường THCS sớm được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức về ngành nghề khác nhau; được trực tiếp tìm hiểu về những ngành mà bản thân quan tâm. Từ đó, học sinh sẽ có cái nhìn rộng hơn về những ngành nghề thực tế. Hiện nay, với yêu cầu giáo dục mới và các mục tiêu của công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp, các trường THCS trên địa bàn tỉnh cũng từng bước thay đổi cách tổ chức, hình thức giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Theo đó, các nhà trường đều xác định không hướng 100% học sinh vào lớp 10 THPT, mà dành nhiều tâm huyết, thời gian để tư vấn cho một số học sinh đi thẳng vào trường nghề.
Trên cơ sở đánh giá đúng thực tế và triển khai tốt các yêu cầu về giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, hằng năm, ngoài hoạt động tư vấn chung cho học sinh chọn trường thi vào lớp 10, các nhà trường còn xây dựng kế hoạch tư vấn kỹ cho từng học sinh và tổ chức họp, tư vấn cho từng phụ huynh có con học lớp 9. Qua đó, đã tư vấn thành công cho một số học sinh chọn thẳng trường nghề; một số học sinh có làm hồ sơ thi lớp 10 THPT nhưng chỉ là để thử sức mình và sẵn sàng đi học ở một trường nghề mà các em cảm thấy phù hợp với sở thích của mình.
Từ năm học 2021 - 2022, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở cấp THCS và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được đưa vào chương trình với tư cách là một hoạt động giáo dục bắt buộc, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong nhà trường. Qua đó, nhằm góp phần chuẩn bị cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lựa chọn ngành nghề, định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương, của cả nước.
Bên cạnh việc giảng dạy hướng nghiệp lớp 9 theo chương trình chính khóa, giáo viên có trách nhiệm tích hợp hoạt động hướng nghiệp vào các môn học, mỗi giáo viên phải là một cán bộ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, thực hiện việc giới thiệu các thông tin về nghề nghiệp; tìm hiểu nguyện vọng hứng thú nghề nghiệp của học sinh; theo dõi, quan sát học sinh trong quá trình học tập văn hoá, học nghề phổ thông và có sự tư vấn, lời khuyên phù hợp về việc chọn nghề của học sinh.
Thanh Hà