Phát triển văn hóa đọc trong trường học

Phát triển phong trào đọc sách hiện nay được xác định hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các sở GD&ĐT xây dựng và phát triển phong trào đọc sách nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện trường học, hình thành thói quen đọc sách, thúc đẩy văn hóa đọc trong trường học và cộng đồng…

Cô giáo Ngô Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Đồn Xá, huyện Bình Lục cho biết: Trong quá trình xây dựng trường chuẩn, thư viện là một trong những nội dung được quan tâm đầu tư.

Về cơ sở vật chất, thư viện có phòng riêng, có kệ sách, tủ sách, có bàn ghế phục vụ người đọc… Còn với sách báo, nhà trường cũng đầu tư ban đầu một số lượng đáng kể, sau đó trao đổi với thư viện huyện.

Thư viện xanh của Trường Tiểu học Thi Sơn (Kim Bảng) được xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập và giải trí của học sinh.

Được biết, oàn tỉnh hiện có 116 trường tiểu học, 117 trường THCS, 23 trường THPT, 6 trung tâm giáo dục thường xuyên và  hướng nghiệp dạy nghề, 1 trường trung cấp, 3 trường cao đẳng có thư  viện.

Theo bà Dương Thị Thu Hồng, Giám đốc Thư viện tỉnh, phát triển mạng lưới thư viện cơ sở từ lâu là giải pháp với Thư viện tỉnh nhằm phát huy hiệu quả của sách trong đời sống xã hội và khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất.

Thư viện đã tăng cường liên kết, trao đổi sách với các tủ sách thôn, xóm, các trường học, để đưa sách đến tận tay người đọc. Mỗi năm có hàng vạn cuốn sách được  đưa về cơ sở phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, phong trào đọc có thực sự được khơi dậy mạnh mẽ, được nhân dân chú ý và coi đó là một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của mình, việc đọc sách cần tăng cường hơn ở các trường học. Bởi lẽ, học sinh, sinh viên là đối tượng cần đến sách vở, cần được thu hút nhiều hơn tới việc đọc sách. Nhất là các cháu nhỏ, cha mẹ, thầy cô làm sao hướng các cháu tìm đến với sách, yêu thích sách như yêu trường lớp thì lúc đó các cháu sẽ bỏ được thói quen chơi điện tử, nghiện smartphone…

Bằng nhiều cách, ngành văn hóa đã cố gắng phát triển phong trào đọc, xây dựng văn hóa đọc trong nhân dân suốt thời gian qua, khi việc đọc sách ít được chú ý bởi sự phát triển đời sống xã hội đồng hành với cuộc cách mạng công nghệ như vũ bão.

Thống kê mới đây của Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho thấy, bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chỉ được đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, 44% số người thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách, 30% số người thường xuyên đọc. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số.

Có nhiều giải pháp đưa ra nhằm phát triển phong trào đọc nhưng khó khăn chồng lên khó khăn, hoạt động thư viện nói chung gặp quá nhiều trở ngại. Người đọc vẫn thờ ơ với sách báo. Những nơi có nhu cầu thực sự thì sách báo không có đủ để phục vụ. Nơi nhiều sách báo được cung cấp, trao đổi thì người đọc hoặc công tác quản lý, khai thác tủ sách còn hạn chế.

Ngay thư viện trường học cũng vậy, hầu hết các trường đều có thư viện độc lập, nhưng lượng học sinh tìm đến đọc sách, mượn sách không đáng kể. Làm sao để các em coi thư viện là nơi đáng đến nhất trong hành trình đi tìm tri thức của mình?

Thầy giáo Trần Văn Đô, Trường THCS Nhân Hậu, huyện Lý Nhân cho rằng: "Giáo viên yêu sách thì mới hướng được học sinh yêu sách. Với những giáo viên chẳng thích đọc sách, chẳng bao giờ cầm cuốn sách nào trên tay trước mặt học trò thì làm sao truyền cho các em cảm hứng với sách báo được. Tôi cho đấy là nguyên nhân chúng ta chưa làm cho học sinh yêu sách, mến sách, coi trọng sách".

Trong nhiều cuộc trò chuyện với giáo viên các trường học về đọc sách, không ít ý kiến đồng quan điểm với thầy giáo Đô. Một số giáo viên có tuổi còn cho rằng, thầy cô là tấm gương để học trò noi theo. Nếu học trò lúc nào cũng nhìn thấy thầy cô lăm lăm chiếc điện thoại trên tay, trống nghỉ một cái là vào mạng làm việc riêng, lên Facebook thì làm sao các em không thích điện thoại hơn là thích sách.

Tuy nhiên, ở nhiều trường mầm non hiện nay, việc đọc sách đang được chú trọng bằng các hình thức kể chuyện bé nghe, xây dựng tủ sách thiếu nhi…

Cô Dương Thị Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non  thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm cho biết: "Các trường mầm non chú ý đến việc này để hình thành trong trẻ con đường tiếp cận sách báo sớm nhất. Như ở trường tôi, giáo viên sắp xếp các cuốn sách, truyện tranh trên kệ, trong mỗi giờ đọc truyện, kể chuyện, cô giáo lại lấy cuốn sách để lên tay.

Mặc dù không cần sách cũng có thể kể được, nhưng làm như thế để các con thấy câu chuyện đều  từ cuốn sách này, chúng sẽ tự tìm đến sách để khám phá. Hôm sau, cô giáo nói với các con, hãy ra lấy cuốn sách này, cuốn sách kia để cô kể… vậy là các con nhặt đúng cuốn đó, dù chưa hề biết chữ. Tôi thấy, học sinh thích sách hay không là do cách mà người lớn hướng các em đến với sách như thế nào thôi".

Khơi dậy tình yêu với sách, ham muốn đọc sách trong học sinh, sinh viên hiện nay đang được quan tâm. Mặc dù trong công tác thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã và đang gặp phải những khó khăn, nhưng đọc sách là văn hóa, là phương cách con người tự bồi đắp, tự học tập, tự nâng cao tri thức, nhân cách của mình nên đọc sách phải được chú trọng ngay từ trong trường học.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.