Những hạn chế trong dạy và học nghề phổ thông

Mục tiêu của việc dạy và học nghề phổ thông là nhằm cung cấp cho học sinh những thông tin sơ đẳng về một số nghề hoặc nhóm nghề, gắn học nghề với hướng nghiệp. Mặc dù vậy, việc tổ chức dạy và học nghề phổ thông tại các nhà trường hiện nay bộc lộ không ít hạn chế khiến cho nghề phổ thông chưa có được "chỗ đứng" vững chắc trong phát triển giáo dục.

Công tác dạy nghề phổ thông hiện nay mặc dù mục tiêu đưa ra là tương đối tích cực nhưng quá trình triển khai trong thực tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đối với cấp trung học, giáo dục nghề được coi là một nội dung dạy học tự chọn và học sinh có thể lựa chọn một trong số các nghề theo quy định để học và thi lấy chứng chỉ.

Tuy vậy, học sinh cơ bản đều không được lựa chọn học nghề nào theo nhu cầu và sở thích của mình mà phải tham gia học các nghề do các nhà trường chọn và định sẵn. Các nghề được đưa vào chương trình dạy nghề phổ thông trong các nhà trường vì thế thường khá đơn điệu, không tạo được sự hào hứng của học sinh.

Cùng với đó, do không được tự mình chọn lựa nghề để học, học sinh không có cơ hội được lấy ý kiến hay tìm hiểu nhu cầu, sở thích về nghề mong muốn được học. Các em hầu như chỉ nắm được một số thông tin như: thời gian tổ chức học nghề, chuẩn bị các điều kiện cho học nghề do nhà trường tổ chức và thời điểm tham gia thi nghề. Tâm lý học chống đối, học cho có đủ điều kiện được cấp chứng chỉ nghề xuất hiện và tồn tại trong học sinh là điều khó tránh khỏi.

Theo quy định, thời gian học nghề của học sinh THCS là 70 tiết/năm. Với học sinh cấp THPT, việc học nghề diễn ra trong khoảng thời gian 7 tháng, tương đương với khoảng 105 tiết học/năm và có tới 11 nghề để lựa chọn. Nhưng qua tìm hiểu được biết, hầu như không trường nào thực hiện đủ thời gian, nội dung học theo quy định này khiến học sinh được học nghề như kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" và tâm lý thế nào thi cũng đỗ cứ được truyền từ khóa trước tới khóa sau, việc học nghề cũng trở nên hình thức, thiếu thực chất.

Từ năm học 2018-2019, các học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ không được lấy điểm thi nghề phổ thông làm điểm cộng khuyến khích.

Căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), điểm bài thi thực hành được tính hệ số 3, bài thi lý thuyết hệ số 1. Điểm trung bình cả hai bài thi đạt từ 5 điểm trở lên và không có bài thi nào có điểm dưới 3 thì đều được cấp chứng nhận nghề phổ thông. Cũng theo quy định trước đây, học sinh phổ thông học nghề, sau thi nếu chứng chỉ nghề đạt loại giỏi sẽ được cộng 1,5 điểm, loại khá được cộng 1 điểm và 0,5 điểm đối với loại trung bình vào điểm thi tuyển sinh lớp 10 THPT. 

Tâm lý học nghề để vớt vát thêm một cơ số điểm làm điểm khuyến khích trong kỳ thi quan trọng này vì thế cũng tương đối nặng nề, bởi có những trường, học sinh chỉ cần hơn kém nhau 0,25 điểm cũng sẽ có hoặc không có cơ hội đỗ vào lớp 10.

Vậy, trước thực tế đổi mới giáo dục ngày càng diễn ra mạnh mẽ, cách thi và tính điểm xét tốt nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay cũng có nhiều thay đổi, liệu học nghề phổ thông có còn cần thiết nữa không?

Với quan điểm học đi đôi với hành, có một số ý kiến cho rằng vẫn nên tổ chức việc dạy và học nghề phổ thông để giúp học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã có được những kiến thức cần thiết về nghề được học, được áp dụng các kiến thức sách vở vào học nghề, hiểu được mục đích, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc học nghề trong việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Vậy nhưng, do việc tổ chức dạy nghề phổ thông chưa đáp ứng được các yêu cầu của thực tế nên không ít người phủ nhận tính hiệu quả của dạy và học nghề phổ thông. Việc dạy và học nghề phổ thông hiện nay đang rất hình thức, gò bó, tạo thêm áp lực học tập và thi cử cho học sinh.

Trên cơ sở đánh giá thực tế, mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 15/4/2018) đã quyết định bỏ hoàn toàn chế độ cộng điểm khuyến khích đối với tuyển sinh vào lớp 10 nhưng cho phép các địa phương tùy điều kiện có thể áp dụng ngay hoặc lùi tới năm 2019.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2018 sẽ là kỳ tuyển sinh cuối cùng các học sinh dự thi của tỉnh sẽ được tiếp tục thực hiện cộng điểm khuyến khích, trong đó có điểm thi nghề phổ thông.

Như vậy, nếu tiếp tục tổ chức dạy nghề, học nghề và thi nghề phổ thông trong những năm học tiếp theo, ngành giáo dục cần có sự điều chỉnh lại nội dung chương trình học, thời lượng học và làm rõ hơn mục đích học nghề cho học sinh. Đồng thời với việc cho học sinh quyền được lựa chọn nghề để học theo đúng nhu cầu, sở thích còn cần có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để việc dạy nghề phổ thông trong các nhà trường được phát triển đúng hướng.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.