Khó khăn ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên

Với mục tiêu tăng cường năng lực đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trong tỉnh đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị trước đó là trung tâm GDTX và trung tâm dạy nghề. Sau một thời gian đi vào hoạt động, hiện các trung tâm này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Một giờ lên lớp của các em học sinh bậc THPT tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Lục. Ảnh: T.Trang

Khó khăn lớn nhất hiện nay ở hầu hết các đơn vị là công tác tuyển sinh. Theo lãnh đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Lục, khó khăn trong tuyển sinh có nhiều nguyên nhân. Đó là, nhận thức của người học luôn coi nhẹ chuyện học nghề, làm thợ, chỉ muốn thi vào các trường THPT công lập, sau đó học đại học, cao đẳng dù biết rằng đầu ra sau này không hề đơn giản. Công tác phân luồng sau THCS đã được tích cực thực hiện song vẫn chưa đáp ứng đúng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học, cao đẳng đang "nở rộ" đào tạo ngành nghề, có nhiều chính sách thu hút người học. Trong "cuộc đua" tuyển sinh này, cơ bản các trung tâm GDNN-GDTX đều yếu thế…

Bởi vậy, đã qua vài năm học, trung tâm chỉ tuyển sinh được một lớp 10, trong khi chỉ tiêu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao 2 lớp với 100 học viên. Công tác tuyển sinh không chỉ khó với hệ GDTX cấp THPT mà ngay cả các lớp dạy nghề cũng không mấy sáng sủa. Hiện tại, việc tổ chức lớp dạy nghề chủ yếu là đào tạo tập trung theo hình thức liên kết tại trung tâm nhưng ít học viên theo học, mỗi năm chỉ có một lớp. Các lớp học nghề ngắn hạn cũng rất thưa vắng người đến đăng ký.

Thực trạng này đang diễn ra khá phổ biến ở các trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh. Trên thực tế, đối tượng cần tuyển vào trung tâm không có nhiều tin tưởng vào chất lượng đào tạo ở đây. Nhiều học sinh được hỏi đều khẳng định, dù lực học không khá nhưng vẫn nộp hồ sơ thi vào các trường THPT với mong muốn, "biết đâu gặp may", được học hết THPT, sau đó vào đại học, cao đẳng bằng bạn bè. Thậm chí, không thi đỗ vào THPT cũng sẽ không học ở trung tâm GDNN-GDTX vì trường lớp ở nhiều trung tâm quá xập xệ, chẳng biết chất lượng đào tạo ra sao, học xong sẽ làm gì với tấm bằng ấy?

Cũng cần nói thêm, do việc tuyển sinh không tốt nên đã xảy ra tình trạng lãng phí về cơ sở vật chất. Ở một số trung tâm thừa phòng học, các phòng thực hành và hệ thống thiết bị phục vụ việc học nghề: may, điện dân dụng, nông nghiệp… rất ít được khai thác, sử dụng. Một số trung tâm thiếu giáo viên, có nơi một giáo viên phải cùng lúc đảm nhận 2-3 môn, rất khó khăn trong quá trình giảng dạy, phân bố công việc, không có điều kiện để giáo viên trao đổi, học tập kinh nghiệm. Được giao thêm chức năng đào tạo nghề nhưng một số đơn vị không có giáo viên dạy nghề. Khi tổ chức lớp học nghề, trung tâm phải tự giải "bài toán" nhân lực bằng cách thuê giáo viên bên ngoài.

Cùng với đó, những bất cập trong cơ chế hoạt động hiện nay càng làm khó khăn của các trung tâm GDNN-GDTX thêm chồng chất. Các trung tâm chịu sự quản lý về chuyên môn ngành dọc của cả Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở GD&ĐT nên trong chỉ đạo chưa có sự tập trung thống nhất. Cán bộ quản lý, giáo viên mảng GDTX được nghỉ 3 tháng hè, hưởng 35% phụ cấp đứng lớp theo quy định của ngành GD&ĐT. Trong khi giáo viên dạy nghề chỉ nghỉ 1 tháng và không được hưởng chế độ đứng lớp. Mặc dù đã sáp nhập nhưng do điều kiện thực tế tại địa phương nên các trung tâm GDNN-GDTX vẫn hoạt động tại hai cơ sở riêng biệt khiến cho việc chỉ đạo, giám sát công việc của giáo viên không thuận lợi.

Vẫn biết, hai loại hình trung tâm trước đây hoạt động song song, có sự giao thoa nhất định về chức năng, nhiệm vụ nhưng việc đầu tư cơ sở vật chất dàn trải, không tận dụng hết công năng, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Vì thế, chủ trương sáp nhập hai trung tâm này thành trung tâm GDNN-GDTX nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng để đạt mục tiêu đề ra cần có những điều chỉnh nhằm thống nhất về cơ chế hoạt động, bảo đảm huy động  nguồn kinh phí đào tạo, dạy nghề, cần sớm giao việc quản lý các trung tâm theo hướng quy về một mối thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội hoặc ngành GD&ĐT để có định hướng cụ thể, rõ ràng cho quá trình hoạt động, đáp ứng yêu cầu học văn hóa, học nghề trong học sinh sau tốt nghiệp THCS.

T.T.Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy