Khi mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có một trường tiểu học

Khi mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có một trường tiểu học

Thực hiện Quyết định 1102/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, từ năm 2013, với mục tiêu: mỗi xã, phường, thị trấn có một trường tiểu học, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã tiến hành sáp nhập theo đúng chủ trương này.

Sau gần 5 năm thực hiện, các địa phương có 2 trường tiểu học đã thực hiện sáp nhập thành 1 trường. Trên thực tế, việc sáp nhập trường lớp cơ bản phát huy hiệu quả, nhưng vẫn còn một số khó khăn cần quan tâm giải quyết…

Giờ học theo mô hình trường học mới của lớp 3 Trường Tiểu học Tràng An (Bình Lục).

Chủ trương sáp nhập trường lớp là cơ sở xây dựng các mục tiêu GD&ĐT dài hạn theo đúng định hướng, phù hợp xu hướng phát triển. Căn cứ tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương về mật độ dân cư, số lượng học sinh từng năm, từng thời kỳ, tỉnh có chủ trương tách, nhập các điểm trường lẻ và các cấp học để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực hiện chủ trương sáp nhập các trường tiểu học, ngành GD&ĐT  đã cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Sau một thời gian tích cực thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành sáp nhập được 19 trường tiểu học thuộc đối tượng phải tiến hành sáp nhập, cơ bản các địa phương có 2 trường tiểu học đã được sáp nhập thành một, đưa tổng số trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh giảm từ 140 trường xuống còn 121 trường.

Qua đánh giá, hầu hết các trường học sau khi được sáp nhập đều làm tốt công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc bố trí chuyên môn, tăng cường các hoạt động trao đổi, dự giờ, thăm lớp… Học sinh và đội ngũ giáo viên có môi trường thuận lợi hơn để thi đua dạy tốt, học tốt. Bên cạnh đó, việc sáp nhập trường lớp cũng tiết kiệm được chi phí đầu tư, tạo cơ hội bàn giao mặt bằng, bàn giao cơ sở vật chất cho những nơi còn khó khăn. Do thực hiện theo đúng lộ trình, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên việc thực hiện sáp nhập các trường tiểu học diễn ra thuận lợi, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu tư, trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập các trường tiểu học, chất lượng giáo dục của nhiều địa phương đã được nâng lên. Hiện có tới 99% số học sinh tiểu học trở lên được xếp loại học tập hoàn thành và hoàn thành tốt theo chương trình, có 99,6% học sinh tiểu học đạt mức tốt và đạt về năng lực phẩm chất… Trước đây, trên địa bàn xã Liêm Sơn (Thanh Liêm) có hai trường tiểu học A và B, thuộc diện phải thực hiện sáp nhập. Cả hai trường khi  đó có khoảng 500 học sinh với 20 lớp.

Đến năm 2014, hai trường được sáp nhập thành một, lấy tên là Trường Tiểu học Liêm Sơn. Mặc dù được sáp nhập nhưng trường vẫn có hai khu, học sinh ở khu nào vẫn được học tại điểm trường khu đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên không có nhiều thay đổi. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêm Sơn cho biết: Khi mới sáp nhập, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về công tác tổ chức, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của ngành, của địa phương và sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể nhà trường nên mọi hoạt động sau sáp nhập nhanh chóng đi vào nền nếp, chất lượng giáo dục, chất lượng chuyên môn được nâng cao…

Bên cạnh những thuận lợi trong việc thực hiện sáp nhập trường tiểu học, hiện nay vẫn còn một số trường có những khó khăn nhất định, ảnh hưởng tới hiệu quả, chất lượng sau sáp nhập cũng như tâm lý của cán bộ, giáo viên và nhân dân. Nhiều trường sau sáp nhập nhưng vẫn phải chia thành 2 khu, các khu cách xa nhau, không thuận tiện cho công tác quản lý và tổ chức các hoạt động. Theo ý kiến một số cán bộ quản lý trường học sau sáp nhập, dù đã thực hiện được việc tinh giản đội ngũ lãnh đạo nhưng số lượng tinh giản chưa nhiều, bộ máy lãnh đạo còn nặng, công tác quản lý chưa thực sự sát sao. Đồng thời, cũng do trường lớp không tập trung nên việc tập hợp cán bộ, giáo viên thực hiện các buổi sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ không thuận tiện.

Ở Trường Tiểu học Tràng An (xã Tràng An, huyện Bình Lục), quá trình sáp nhập hai Trường Tiểu học A Tràng An và Tiểu học B Tràng An cũng diễn ra tương đối nhanh, song sau gần 5 năm sáp nhập vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như: năm 2013 khi trường mới sáp nhập mới chỉ có 26 lớp với 746 học sinh nhưng đến nay số lượng lớp của nhà trường đã tăng lên 28 lớp với gần 800 học sinh. Hiện tại, có những lớp, số lượng học sinh đã lên tới hơn 35 em, vượt quá quy định về số học sinh/lớp của một trường đạt chuẩn. Đây cũng là khó khăn khi nhà trường đang tích cực thực hiện việc giảng dạy theo mô hình trường học mới. Số liệu điều tra phổ cập giáo dục trên địa bàn cho thấy, dự tính khoảng 2 năm nữa, số lớp học và số học sinh của trường sẽ tiếp tục tăng. Vậy đến lúc đó, việc sáp nhập trường tiểu học ở Tràng An có còn phù hợp?

Cho dù quan điểm của UBND tỉnh đối với việc thực hiện quy hoạch phát triển GD&ĐT có sự căn cứ theo yêu cầu phân bố dân cư, sự phát triển KT-XH của từng địa phương và phát triển hệ thống mạng lưới các cơ sở GD&ĐT,… nhưng trước những tồn tại, khó khăn đang đặt ra ở một số đơn vị trường học sau sáp nhập, cần có sự quan tâm giải quyết kịp thời, giúp ổn định quy mô trường lớp, ổn định tâm lý của cán bộ, giáo viên, người dân địa phương và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục…

Trần Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.