Giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên: Quan trọng nhất vẫn là gia đình, nhà trường

Năm 2017, toàn tỉnh có 152 trường hợp vị thành niên (VTN) sinh con, năm 2018 là 134 trường hợp. Những trường hợp VTN, thanh niên (TN) phá thai dù không thống kê được nhưng chắc chắn là khá nhiều. Việc sinh con ở tuổi VTN hay nạo phá thai VTN, TN đều gây nên những hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nảy sinh các vấn đề xã hội.

Ngày Dân số Việt Nam (26/12) và Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12) năm 2018 có chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi” tập trung vào các giải pháp nhằm tạo nên những chuyển biến trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) VTN, TN.

Tập trung tuyên truyền mạnh ở các trường THCS, THPT

Năm 2018 và Tháng hành động quốc gia về dân số, ngành dân số tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho đối tượng VTN,TN. Năm nay là năm đầu tiên ngành tổ chức các hội nghị truyền thông về nội dung này tại nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã tổ chức hội nghị truyền thông về SKSS tại 100 trường THCS, THPT.

Việc chọn các trường học để tổ chức hội nghị truyền thông có nhiều thuận lợi bởi học sinh ở đó đều đang trong độ tuổi VTN,TN và có sự phối hợp của các nhà trường trong công tác tổ chức. Ngoài ra, hầu hết cán bộ, giáo viên của các trường cũng đều tham gia buổi truyền thông, qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết về SKSS để đưa vào giáo dục cho học sinh.

Chương trình truyền thông cho học sinh ngày càng được thiết kế ngắn gọn, thông tin cụ thể về: Những thay đổi ở tuổi dậy thì (về thể chất, tâm sinh lý-xã hội; hậu quả của quan hệ tình dục (QHTD) sớm, QHTD không an toàn; những điều VTN, TN nên và không nên. Qua đó giúp các em biết về những thay đổi của cơ thể để đón nhận một cách tích cực; vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách; phân biệt thế nào là tình bạn và tình bạn khác giới; phân biệt giữa tình yêu và tình dục; hậu quả của QHTD ở tuổi VTN, đồng thời cung cấp kỹ năng sống cho các em.

Giáo viên Trường THCS Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) nói chuyện với học sinh về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cần “vẽ đường” để “hươu chạy đúng”

Ngoài truyền thông trực tiếp, phát tờ rơi, năm nay Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh còn thiết kế in những cuốn cẩm nang loại nhỏ như bàn tay “Những điều cần biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên”, dễ cất giữ và xem thông tin cần. Trong cuốn cẩm nang này ngoài những thông tin ngắn gọn, cụ thể về tuổi dậy thì còn cung cấp những thông tin về dấu hiệu khi có thai, hướng dẫn cụ thể cách sử dụng các biện pháp tránh thai: bằng thuốc, bằng bao cao su; các bệnh lây nhiễm qua QHTD không an toàn như HIV/AIDS, giang mai, lậu…

Bà Tạ Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chia sẻ: Do nhiều yếu tố, VTN bây giờ QHTD sớm hơn trước đây. Đây không phải lỗi ở các cháu. Việc truyền thông nhấn vào giáo dục các cháu không QHTD sớm, nhưng vẫn cung cấp đầy đủ thông tin về QHTD an toàn. Chúng ta thà “vẽ đường cho hươu chạy” đúng còn hơn để cho chúng chạy lung tung. Thực tế không ít VTN QHTD khi chưa kết hôn và nhiều cháu có thai vì không biết cách tránh thai. Khi có thai, cháu thì lén lút đi phá thai ở các cơ sở tư nhân hoặc tự uống viên phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe và vô cùng nguy hiểm. Hoặc nếu để đẻ ảnh hưởng rất nhiều đến cả mẹ lẫn con.

Tại các buổi truyền thông, học sinh đón nhận thông tin một cách hào hứng. Năm 2019, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tổ chức các buổi truyền thông đến tất cả các trường THCS, THPT còn lại. Với những trường đã tổ chức các buổi tuyên truyền rồi sẽ có những hình thức truyền thông khác như tổ chức cuộc thi tìm hiểu về SKSS theo hình thức sân khấu hóa.

Học sinh tìm hiểu về giới tính qua tờ rơi.

Gia đình, nhà trường có vai trò quan trọng số 1

Cũng qua câu chuyện về chăm sóc SKSS VTN, TN, bà Tạ Thị Hoa chia sẻ: Có đi, gặp gỡ, chuyện trò mới thấy học sinh khá nhiều em còn hiểu lơ mơ hoặc không biết về chăm sóc SKSS, giới tính. Và cũng qua chuyện trò, rồi từ câu hỏi của các em mà biết được vẫn còn khá nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS cho con em mình. Có những em hỏi những câu hết sức ngô nghê về giới tính, về QHTD. Có em cho biết cứ sau khi QHTD là uống viên thuốc tránh thai khẩn cấp mà không hề biết thuốc này uống nhiều rất dễ gây vô sinh.

Không ít gia đình bố mẹ chưa quan tâm đến việc giáo dục SKSS cho con hoặc giáo dục chưa đầy đủ, thường né tránh việc nói đến các vấn đề cụ thể vì cho rằng đó là “vẽ đường cho hươu chạy”. Các ông bố, bà mẹ không hề biết là mình không nói thì với môi trường, điều kiện bây giờ con vẫn rất dễ có QHTD. Và vì không được trang bị đầy đủ nên các cháu dễ có thai ngoài ý muốn hoặc nghe nhau, đọc trên mạng tự tránh thai sai cách như việc cứ sau quan hệ là uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Có gia đình bố mẹ chưa sát sao đến con cái, con có thai mà không biết. Hầu hết các cháu VTN sinh con đều trong tình trạng có thai mà gia đình không biết, đến khi thai lớn quá không thể phá nên đành để đẻ. Các cháu bây giờ phát triển sớm nhưng có gia đình chưa ý thức được điều này, con học lớp 4, lớp 5 vẫn cho ngủ chung và nghĩ “nó không biết gì đâu vì còn nhỏ”.

Bà Hoa cũng cho rằng, các nhà trường chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho học sinh, vẫn có tâm lý e dè, ngại nói thẳng. 

Nạo phá thai gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là ở tuổi VTN, TN, là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Sinh con tuổi VTN gây nên rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng cho bà mẹ, em bé cũng như phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành dân số, rất cần các gia đình, nhà trường ý thức một cách nghiêm túc về vấn đề này, từ đó có cách giáo dục cho con em, học sinh của mình một cách đầy đủ, hiệu quả về SKSS.

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.