Giảng dạy tài liệu Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục bảo đảm nguyên tắc tự nguyện

Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) được các chuyên gia giáo dục đánh giá có nhiều yếu tố tích cực và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã hướng dẫn sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và trên nguyên tắc tự nguyện của các nhà trường, phụ huynh học sinh.

Từ năm học 2013-2014, Hà Nam đã triển khai thí điểm tại 36 trường tiểu học trên địa bàn nhưng đến năm học 2018-2019, khi tiếp tục triển khai đến 121/121 trường tiểu học cho 100% học sinh lớp 1, tài liệu này lại vấp phải rất nhiều phản ứng trái chiều của dư luận xã hội. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở GD&ĐT xung quanh vấn đề này.

P.V: Được biết, cách đây 5 năm, tỉnh Hà Nam đã triển khai đưa sách TV1-CNGD vào giảng dạy. Đồng chí có thể cho biết một số kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được trong việc triển khai tài liệu này vào thực tế?

Đồng chí Đinh Thị Lụa: Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn TV1-CNGD tại trường thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, từ năm học 2008-2009, Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và bảo đảm các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học TV1-CNGD trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Ngay từ những năm học đầu tiên triển khai, qua đánh giá của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, việc đưa tài liệu TV1- CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên.

Ở Hà Nam, căn cứ những kết quả khảo sát, đánh giá này, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị trên nguyên tắc tự nguyện của các nhà trường. Theo đó, từ năm học 2013-2014, Sở chỉ đạo triển khai thí điểm dạy học TV1-CNGD tại 36 trường tiểu học trên địa bàn huyện Lý Nhân, Duy Tiên, Thanh Liêm. Đến năm học 2014-2015, trên cơ sở kết quả đánh giá học sinh, rà soát cơ sở vật chất cũng như các điều kiện cần thiết phục vụ dạy học và nhất là được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, sự tự nguyện tham gia của các trường, Sở GD&ĐT chỉ đạo triển khai dạy học TV1-CNGD ở tất cả 6 huyện, thành phố với 104 trường tiểu học. Từ năm học 2015-2016  đến nay, ngành triển khai dạy TV1-CNGD đến 121/121 trường tiểu học cho 100% học sinh lớp 1.

Theo các giáo viên trực tiếp giảng dạy, tài liệu TV1-CNGD giúp học sinh đọc thông, viết thạo, phát âm chuẩn, học sinh rất thích thú học tập và làm quen với tài liệu này.

P.V: Sau rất nhiều năm, học sinh lớp 1 được học sách Tiếng Việt truyền thống đã tạo nên một thói quen về cách nghĩ, cách học của học sinh, cách dạy của giáo viên. Vậy trước đây, khi đưa sách TV1-CNGD vào giảng dạy, ngành giáo dục đã phải chuẩn bị những gì để việc triển khai được thuận lợi, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Thị Lụa: Về vấn đề này, trước khi triển khai đưa tài liệu TV1-CNGD vào giảng dạy, Sở GD&ĐT yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các nhà trường quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy trước chương trình lớp 1. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, thường xuyên phối hợp với các bậc cha mẹ học sinh nhằm tạo sự quan tâm, đồng thuận để có được điều kiện tốt nhất về tâm lý, đồ dùng, sách vở giúp học sinh có đủ điều kiện học tập.

Trên thực tế, Hà Nam là tỉnh thứ 35 trong cả nước triển khai thí điểm dạy học TV1-CNGD nên có cơ hội học tập và rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo dạy học, tập huấn chuyên môn từ các tỉnh đã thực hiện. Bên cạnh việc chủ động xây dựng kế hoạch dạy thí điểm chương trình TV1-CNGD tại các trường thực hiện thí điểm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT còn chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, các trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh cho việc tổ chức dạy và học chương trình này.

Đối với các trường tiểu học, cùng với sự phân công các giáo viên tâm huyết, dày dặn kinh nghiệm dạy lớp 1 của các nhà trường, ngành còn thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên học tập, nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, tích cực tham gia sinh hoạt chuyên môn theo kế hoạch nên việc tổ chức dạy và học theo đúng nội dung, phân phối chương trình. Tất cả giáo viên dạy thí điểm Chương trình TV1-CNGD năm học 2013-2014 đều được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn.

Qua đánh giá, đội ngũ giáo viên được giao nhiệm vụ giảng dạy theo tài liệu TV1-CNGD có trách nhiệm cao trong công tác, luôn học hỏi nâng cao nghiệp vụ, tích cực thăm lớp dự giờ học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Hằng tháng, các nhà trường làm tốt việc tổ chức giao ban định kỳ, dự giờ trao đổi rút kinh nghiệm giữa các đơn vị trường về dạy chương trình TV1-CNGD. Do làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai dạy học, sâu sát trong công tác chỉ đạo và được sự đồng thuận của đội ngũ nhà giáo trong những năm qua nên việc triển khai dạy học thí điểm tài liệu TV1-CNGD trên địa bàn tỉnh được triển khai thuận lợi.

P.V: Trước khi bước vào năm học mới, dư luận xã hội nhiều nơi có nhiều phản ứng gay gắt khi tài liệu TV1-CNGD của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Mặc dù vậy, năm học này, đã có gần 50 tỉnh, thành phố đưa tài liệu  này vào giảng dạy, trong đó có Hà Nam. Vậy, đâu là cơ sở để Hà Nam quyết định tiếp tục đưa tài liệu TV1- CNGD vào giảng dạy?

Đồng chí Đinh Thị Lụa: Tỉnh Hà Nam tiếp tục triển khai đưa tài liệu TV1-CNGD trong năm học 2018-2019 được dựa trên một số điều kiện sau: Một là, qua rà soát thực trạng các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm tốt về đội ngũ giáo viên, đủ phòng học và bảo đảm tỉ lệ học sinh/ lớp theo Điều lệ trường tiểu học. Thứ hai, căn cứ vào kết quả thí điểm của các tỉnh thực hiện trước và kết quả thí điểm ở một số trường trong tỉnh, thấy rõ tài liệu TV1-CNGD cơ bản đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông tiểu học. Thứ ba, do làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về tính tích cực của tài liệu TV1-CNGD, việc đưa tài liệu này vào giảng dạy đã được cha mẹ học sinh và giáo viên đồng thuận, các nhà trường tự nguyện thực hiện. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh không nảy sinh những vấn đề phức tạp như ở nhiều địa phương khác.

P.V: Qua phân tích của các chuyên gia giáo dục, tài liệu TV1-CNGD chứa đựng khá nhiều yếu tố tích cực, đồng chí có thể chia sẻ điều gì về những nhận định này?

Đồng chí Đinh Thị Lụa: Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng, tài liệu TV1-CNGD là sự chắt lọc thành tựu từ 3 lĩnh vực khoa học là triết học, ngữ âm học và tâm lý học. Thực chất, CNGD đã xuất phát từ âm (âm thanh, âm vị) để đi đến chữ (ký mã), rồi từ chữ quay về âm (giải mã) và đã chắt lọc những vấn đề cơ bản nhất nhằm mang đến cho học sinh lớp 1 không chỉ là các kiến thức và kĩ năng cần thiết mà còn giúp trẻ lần đầu tiên đến trường được làm việc một cách khoa học, phát triển khả năng tối ưu của mỗi cá thể, phát triển năng lực làm việc trí óc, năng lực sử dụng tiếng Việt hiện đại một cách có văn hóa thông qua các hoạt động kích thích khả năng tư duy và khái quát hóa.

Đối tượng của môn TV1-CNGD được chiếm lĩnh theo con đường từ trừu tượng đến cụ thể, từ đơn giản đến phức tạp. Lần đầu tiên học sinh biết tiếng là một khối âm thanh toàn vẹn như một "khối liền" được tách ra từ lời nói. Thông qua phát âm, học sinh biết tiếng giống nhau và tiếng khác nhau hoàn toàn, biết phân biệt các tiếng khác nhau một phần. Khi tiếng được phân tích thành các bộ phận cấu thành: phần đầu, phần vần, thanh, học sinh sẽ biết đánh vần một tiếng theo cơ chế hai bước.

Mặt khác, tài liệu TV1- CNGD được xây dựng từ 3 nguyên tắc cơ bản: phát triển, chuẩn mực và tối thiểu. Ba nguyên tắc này xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống bài học TV1-CNGD. Về phương pháp và kỹ thuật dạy học, CNGD thiết kế việc dạy học theo một quy trình logic chặt chẽ, bằng hệ thống các kỹ thuật dạy học với các hình thức tổ chức dạy học hợp lý. Đối với phương pháp dạy học, quy trình CNGD bao gồm hai công đoạn là công đoạn lập mẫu và dùng mẫu. Trong đó, lập mẫu là quá trình tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh khái niệm trên một vật liệu xác định và dùng mẫu là luyện tập với vật liệu khác trên cùng một chất liệu với công đoạn lập mẫu.

Bên cạnh phương pháp mẫu còn phải kể đến một phương pháp đặc trưng xuyên suốt quá trình dạy học theo quy trình công nghệ-phương pháp việc làm. Đây là phương pháp dạy học hoàn toàn mới, xây dựng trên cơ sở sự hợp tác mới giữa giáo viên và học sinh. Trong đó, giáo viên không giảng, chỉ giao việc, hướng dẫn, theo dõi, điều chỉnh thông qua những việc làm cụ thể và những thao tác chuẩn xác do học sinh tự làm lấy. Có thể khẳng định, học tài liệu TV1-CNGD, học sinh được tiếp thu kiến thức một cách vững vàng, nắm chắc cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm chuẩn và tránh được việc tái mù chữ...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Hà (Thực hiện)

Thanh Hà, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.