Đưa trò chơi dân gian vào trường mầm non

Đưa trò chơi dân gian vào trường mầm non hiện nay đã trở thành một trong những nội dung giáo dục được quan tâm, giúp các bé phát triển toàn diện về trí, thể, mỹ. Trò chơi dân gian đối với trẻ em giống như hát ru, giúp các em trở về với tâm thức truyền thống đậm bản sắc, giàu tính cộng đồng, rèn luyện kỷ luật và hòa nhập thiên nhiên.

Để các bé được tự do vui chơi

Cô và trò Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) múa sạp trong ngày khai giảng năm học mới.

Kể từ khi chuyển đổi từ trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập, Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê đã xác định làm tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Vì thế, việc đưa trò chơi dân gian vào nội dung giáo dục trẻ nhằm giúp các bé phát triển toàn diện về trí, thể, mỹ được nhà trường quan tâm. Nhà trường đã xây dựng một không gian đậm bản sắc dân tộc ngay trong khuôn viên trường học với những ô nhà lá, khu chợ, đồng thời sắm sửa nhiều thiết bị, dụng cụ, trang phục, đạo cụ dân tộc… phục vụ nội dung này.

Cô giáo Dương Thị Thúy Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ trong điều kiện trường học đã được xây dựng mới khang trang, rộng rãi, giúp các bé được tham gia hòa nhập thiên nhiên, tự do vui chơi và kích thích sự tò mò sáng tạo của trẻ. Chúng tôi muốn qua mỗi trò chơi, các cháu cảm thấy thích thú, tưởng tượng về tự nhiên phong phú hơn, giàu cảm xúc hơn. Cũng từ các trò chơi này, các cháu được vận động nhiều hơn, có ý thức kỷ luật tốt, đoàn kết với bạn bè…".

Tất cả những mô hình, dụng cụ phục vụ các trò chơi dân gian tại Trường Mầm non Kiện Khê được sắp xếp hợp lý, đẹp mắt. Trong khuôn viên, phần sân trường, vườn hoa là nơi được thiết kế linh hoạt những mô hình giúp cho trẻ luôn có cảm giác bị cuốn hút. Các mô hình này tạo cho không gian trường lớp giống như khung cảnh một làng quê trữ tình, các bé khi hòa nhập vào không gian ấy cũng giống như đang đến thăm một làng quê nào đó, tận mắt nhìn thấy ngôi nhà tranh, khu vườn nhỏ, những vật dụng bằng tre, nứa đơn xơ…

Điều đáng nói nhất trong cách tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ ở mái trường này là phụ huynh học sinh có thể được tham gia cùng con và các cô giáo. Ngày Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, ngày khai giảng năm học mới, các bé còn được các cô tổ chức rước đèn ông sao, gói bánh chưng, múa sạp… 100% giáo viên của trường tự mình làm đồ chơi cho học sinh bằng những nguyên liệu vốn có.

"Chúng tôi đã tham dự một số lần nhà trường tổ chức trò chơi dân gian cho học sinh và thấy thực sự ý nghĩa. Bản thân mình khi hòa nhập vào các trò chơi ấy cũng đã có cảm giác như đang được trở lại những năm tháng tuổi thơ. Nhìn các cháu vui vẻ, tự nhiên và hết mình cùng cô giáo, các bạn chơi mà lòng vui sướng. Chúng tôi thấy hạnh phúc khi con mình được học trong những ngôi trường như thế này!". Một phụ huynh nói.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Được chơi các trò chơi dân gian, trẻ trở nên linh hoạt hơn, hiếu động hơn, nguy cơ béo phì sẽ giảm. Đây là nhận xét của cô giáo Trần Thị  Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, thành phố Phủ Lý. Chúng ta chưa bàn luận nhiều đến việc khơi gợi trong trẻ ý thức về đời sống văn hóa nông thôn, nhưng rõ ràng ngay sau mỗi giờ chơi ở trường, các cháu thoải mái hơn, yêu trường lớp, cô giáo mình hơn. Những trò chơi dân gian dành cho trẻ trong trường mầm non đã được chọn lọc phù hợp với môi trường, thể chất và mang tính an toàn. Có trò chơi kết hợp với hát, diễn xướng dân gian rất vui nhộn như "Rồng rắn lên mây", "Bịt mắt bắt dê"… làm cho trẻ thuộc nhiều bài đồng dao hơn. Mỗi bài đồng dao đề cập đến một khía cạnh nhỏ đời sống xã hội, giúp cho trẻ tìm tòi, nhận thức tự nhiên.

Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) thường xuyên tổ chức trò chơi dân gian cho học sinh, có sự tham gia của phụ huynh.

Cô giáo Dương Thị Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê chia sẻ: "Bản thân mình nghe những bài đồng dao ấy cảm thấy thích thú rồi nên cũng muốn dạy các con hát, kết hợp với chơi để mỗi giờ chơi đều là những giờ học nhẹ nhàng, bổ ích. Tôi cho rằng, giáo dục văn hóa cho trẻ bắt đầu từ đây. Ví dụ, chơi chuyền, các bé đếm "chuyền một, chuyền hai… đến 10. Tự nhiên các cháu biết con số, cháu nào thông minh còn biết cộng trừ từ trò chơi này. Hay ở trò chơi ô ăn quan, các cháu sẽ phải tính nhẩm quân bằng việc đếm… và kích thích sự động não suy nghĩ, tính toán, khơi dậy trong mỗi bé tham gia trò chơi tính chiến thắng".

Không chỉ dừng lại ở chuyện học, chuyện chơi, trò chơi dân gian tạo cho các bé có một thể chất tốt. Trò chơi dân gian đối với trẻ mầm non thực sự như những bài hát ru, giáo dục ý thức trẻ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên về tình đoàn kết, tình cảm với tự nhiên, sức mạnh cộng đồng… Các bé được tham gia các trò chơi dân gian thường xuyên trong trường học sẽ cảm thấy gắn bó với trường lớp, bạn bè và cô giáo hơn.

Giang Nam

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy