Dạy và học môn Lịch sử thế nào cho phù hợp?

Tại sao học sinh hờ hững với môn Lịch sử? Tại sao học sinh tỏ ra rất khó khăn trong nắm vững kiến thức môn Lịch sử cơ bản nhất? Nguyên nhân của tình trạng trên nằm ở học sinh hay ở phương pháp giáo dục? Đó là những câu hỏi mà bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực này cũng đều mong muốn có câu trả lời thỏa đáng.

"Chán, khó hiểu, khó nhớ"

Lời cảm thán ngắn gọn này tôi ghi lại được từ Nguyễn Thị H. (lớp 12A7, Trường THPT B Duy Tiên). Với H., giờ học môn Lịch sử là giờ đọc chép, giáo viên giảng những thứ có sẵn trong sách giáo khoa, nhiệm vụ của học sinh là tóm tắt vào vở. Khi kiểm tra thì chia nhau ra học, "hỗ trợ" nhau để vượt qua đủ thứ dữ liệu "khó nhằn".

Còn theo Trần Thị Ngọc D. (Trường THPT Nam Lý, Lý Nhân): Môn Lịch sử không khó nhưng quá khô khan và lắm số liệu. Nếu không phải học sinh chuyên Sử, hoặc học sinh trong đội tuyển thi tỉnh thì có nhất thiết phải học thuộc nhiều dữ liệu như thế? Ví dụ như tiết học về Chiến dịch Điện Biên Phủ, học sinh đại trà vẫn được yêu cầu phải nhớ quân ta tiêu diệt được bao nhiêu tên địch, phá hủy bao nhiêu máy bay, thời gian cụ thể của cả 3 đợt tấn công... Không riêng em, nhiều bạn khác cũng suy nghĩ như vậy. Chúng em muốn hiểu kiến thức cơ bản nhất, nghe những câu chuyện xoay quanh trận đánh, nghệ thuật tác chiến pháo binh, tinh thần quả cảm, vượt mọi gian khổ của quân dân ta hơn là nghe giáo viên đọc lại những dữ kiện có sẵn trong sách giáo khoa.

Nghe những chia sẻ này, tôi chợt nhớ đến nhóm học sinh Trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội) mà tôi bắt gặp trong lần đến thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò vừa qua. Các em vừa xem hiện vật trưng bày, nghe người hướng dẫn kể chuyện, vừa chụp ảnh và say sưa bàn luận: "Nếu giờ học Lịch sử nào cũng thú vị như thế này thì tớ chẳng ngại". Vậy, môn Lịch sử thật sự "đáng sợ" hay cách dạy sử theo lối truyền thống, giảng theo lý thuyết sách vở chưa khơi gợi được hứng thú cho học sinh?

Lịch sử là câu chuyện

Tiết học môn Lịch sử của cô giáo Lê Thị Bích Diệp, Trường THPT chuyên Biên Hòa. Ảnh: Thế Tuân

Lịch sử bao giờ cũng là một câu chuyện dài và câu chuyện ấy luôn hấp dẫn những cô cậu học trò có trí tò mò, ham hiểu biết. Nếu giáo viên biết lồng ghép câu chuyện lịch sử vào bài giảng, kết hợp phương pháp trực quan, dùng hình ảnh, phim, tư liệu để diễn tả thì sẽ không khó để khơi gợi hứng thú của học sinh.

Theo cô Lê Thị Bích Diệp (giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Biên Hòa), cách dạy truyền thống đã biến môn Lịch sử trở nên gò bó. Khác với lớp chuyên Sử, các lớp chuyên khác tôi không yêu cầu quá cao, chỉ cần học sinh hiểu rõ kiến thức cơ bản. Lịch sử là dữ kiện từ quá khứ nhưng là một câu chuyện chứa nhiều nội dung, biến cố, và mỗi một người có một cách nhìn nhận khác nhau nên các em có thể thảo luận, đưa ra ý kiến cá nhân. Nhiệm vụ của giáo viên là giúp học sinh phân tích, hiểu vấn đề để có thể biến bài học lịch sử thành kinh nghiệm cho chính các em. Thêm vào đó, tùy từng bài học cụ thể, giáo viên có thể sơ đồ hóa nội dung sao cho đơn giản nhất, hoặc lồng ghép thêm yếu tố thực tiễn.

Cũng theo cô Diệp, học Lịch sử là học tư liệu từ quá khứ và những thứ ở hiện tại luôn được kế thừa từ quá khứ. Ví dụ như bài học về “chiến tranh lạnh”, giáo viên có thể "lái" sang mối quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ hiện nay; quan điểm "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước" của Việt Nam trước thách thức hội nhập. Hay như tiết học lịch sử hình thành Cộng đồng châu Âu (EU), giáo viên nên liên hệ đến sự kiện nước Anh rút khỏi EU; mối quan hệ giữa Việt Nam với các thành viên trong khối ASEAN…

Cô Diệp cũng chia sẻ: Tôi rất mong có thêm nhiều chương trình học ngoại khóa bằng những chuyến thực tế tại khu di tích lịch sử, viện bảo tàng để học sinh yêu và hiểu thêm về lịch sử. Để học sinh thấy rằng, lịch sử diễn ra xung quanh chúng ta, chứ không hoàn toàn bó buộc trong sách vở khô khan, số liệu khó nhớ. Những buổi học ngoại khóa, những câu chuyện hấp dẫn trong giờ học môn Lịch sử với phương pháp truyền đạt mềm mại, tăng cường giao lưu, đối thoại giữa học sinh và giáo viên chắc chắn sẽ vừa giúp học sinh nắm bắt kiến thức cơ bản vừa khơi gợi tinh thần tự học của các em với môn Lịch sử.

Sách vở, giáo viên không phải là kênh học Sử duy nhất

Thời đại công nghệ thông tin phát triển, các bạn trẻ nhanh nhạy có thể phát triển vốn kiến thức của mình qua mọi kênh truyền thông, mạng xã hội (Facebook) là một trong số đó. Dạo qua một số trang diễn đàn mạng (fanpage) lớn với hàng trăm nghìn lượt theo dõi, chia sẻ, bình luận như: Diễn đàn Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Lịch sử hiện đại, Chiến tranh và cách mạng…, chúng ta có thể thấy những bài "kể chuyện lịch sử" ở đây đều thể hiện bằng phong cách, ngôn ngữ, hình ảnh mới mẻ nhưng vẫn bảo đảm đúng dữ kiện lịch sử.

Tiêu chí khi thành lập các trang diễn đàn này là nhắc lại những ngày lễ lớn của dân tộc, đồng thời kể những câu chuyện sử không nặng nề số liệu thống kê, chỉ đơn giản là "kể" chính xác về nội dung và mang tính giải trí. Đọc những tranh luận của những người tham gia diễn đàn, tôi thấy giới trẻ Việt Nam không hề "quay lưng" với lịch sử, họ chỉ mong muốn một cách học mới thú vị hơn.

Không chỉ vậy, những trang fanpage này còn là nơi để mọi người chia sẻ ý kiến cá nhân về những nhân vật lịch sử. Không phải là phản hồi tiêu cực, họ chỉ muốn tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ, có cái nhìn đa chiều về nhân vật qua cả chính sử và dã sử, thay vì đọc sách giáo khoa khô khan và thiếu dữ liệu chuyên sâu. Với công cụ phổ biến là mạng xã hội và bằng tinh thần trẻ, quản lý viên của các fanpage kể trên dường như đã góp phần lan tỏa lịch sử đến một bộ phận độc giả nhất định, tạo cảm hứng cho các bạn trẻ yêu và tìm hiểu thêm về lịch sử nước nhà.

Học sử không phải chỉ để nhớ ngày này xảy ra sự kiện gì, ngày kia xảy ra sự kiện gì. Nhận thức đúng và có phương pháp dạy học phù hợp, chúng ta mới có thể kéo học sinh về với môn Lịch sử, biến lịch sử trở thành những bài học bổ ích, lý thú.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy