Dấu ấn giáo dục Hà Nam

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Sau 10 năm triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan, thể hiện rõ quyết tâm tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo các mục tiêu chung và dần theo kịp với sự phát triển một nền GD&ĐT tiên tiến.

Sự đổi mới từ tư duy

Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng điều dễ nhận thấy là chất lượng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh nhiều năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, đang nỗ lực hướng dần tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu đào tạo con người và nhu cầu phát triển của xã hội. Trong xu thế phát triển hiện nay, để có thể tiếp cận và hội nhập với nền giáo dục tiên tiến, những yêu cầu thay đổi nhanh về nhận thức đối với giáo dục, vai trò quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, về hệ thống quản lý và phương thức giáo dục, thực hiện đổi mới về chương trình giáo dục... càng trở nên có ý nghĩa hơn khi tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Dấu ấn giáo dục Hà Nam
Chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh Hà Nam luôn được giữ vững, thường xuyên đứng trong top đầu các địa phương của cả nước. Trong ảnh: Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Liêm Tiết (thành phố Phủ Lý) hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Ảnh: Trần Hà

Ở tỉnh ta, trước hết phải ghi nhận về sự thay đổi về tư duy tiến hành đổi mới GD&ĐT từ chính những người làm chính sách, qua đó góp phần tăng cường hơn một bước vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về đổi mới GD&ĐT. Với tinh thần đổi mới, tư duy giáo dục nhất quán từ khâu quán triệt chủ trương, đường lối cho tới tổ chức thực hiện, từ nhận thức về mục tiêu phát triển GD&ĐT đến hình thành các giải pháp, điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia thực hiện đổi mới giáo dục của toàn xã hội..., ngay sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW có hiệu lực thi hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 56-KH/TU, ngày 4/12/2013 về việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; ban hành Chương trình hành động số 64-CTr/TU, ngày 20/1/2014 triển khai thực hiện Nghị quyết này; Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 30/6/2016 về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch giai đoạn 2016 - 2025; chỉ đạo thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới GD&ĐT cấp huyện và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 từ cấp tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh chủ động ban hành các đề án, kế hoạch thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đồng thời, dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung, tỉnh ta đã khẩn trương đánh giá thực trạng GD&ĐT phục vụ xây dựng Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong Quy hoạch phát triển GD&ĐT mang tính dài hơi này, tỉnh ta xác định rõ các mục tiêu cơ bản cho đổi mới GD&ĐT như: chủ động thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn cơ chế, chính sách và tập trung nguồn lực đầu tư để đổi mới GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực; đề ra các chủ trương, kế hoạch, giải pháp có tính liên ngành để huy động nguồn lực của toàn xã hội cho thực hiện đổi mới GD&ĐT.

Hằng năm, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển GD&ĐT đều được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở địa phương. Đối với ngành giáo dục, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW được xây dựng phù hợp và gắn với các nhiệm vụ năm học từ những năm học 2013-2014 đến nay. Trên thực tế, với sự tác động từ nhiều phía, nhận thức và tư duy của các cấp, ngành, địa phương và xã hội về mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã có sự chuyển biến tương đối tích cực. Đổi mới GD&ĐT đã không chỉ nhận được sự quan tâm được coi là một trong những bước đột phá mang tính quyết định cho sự phát triển toàn diện của tỉnh và các địa phương.

Những kết quả đáng ghi nhận

10 năm là một khoảng thời gian đủ để các cấp, ngành đánh giá về hiệu quả thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Về cơ bản, việc thực hiện các chủ trương, định hướng đổi mới giáo dục đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tương đối tích cực từ nhiều phía, bản thân đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục cũng bắt nhịp nhanh với yêu cầu đổi mới, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần tạo nên những hiệu ứng tốt trong xã hội. Các chương trình, đề án, kế hoạch triển khai GD&ĐT đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng. Theo đó, tỉnh ta bảo đảm phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục các cấp học cân đối, phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân cũng như yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, gồm: 119 trường mầm non, 116 trường tiểu học, 111 trường THCS, 23 trường THPT, 6 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX)-Hướng nghiệp và GDTX- giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Thông qua nhiều nguồn đầu tư, hỗ trợ, cùng với việc tăng cường, củng cố cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tỉnh ta đã hoàn thành việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với gần 100% trường học các cấp, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục chung.

Chất lượng giáo dục toàn diện sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW cũng được nhận định có những bước khởi sắc, bứt phá, nhất là trên một số lĩnh vực như:  giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, thi THPT quốc gia. Trong giáo dục đại trà, các nhà trường đã xác định rõ mục tiêu đổi mới chương trình môn học đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất người học, giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục. Từ tháng 12/2013, tỉnh ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3. Về giáo dục mũi nhọn, trên cơ sở tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, nâng cao hiệu quả quản lý trường học, coi trọng công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, các trường phổ thông đã nối dài thêm truyền thống hiếu học của quê hương. Hằng năm, đã có hàng nghìn lượt học sinh các cấp tham gia và đoạt các giải cao tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, riêng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh luôn đứng trong top 10 các địa phương có thành tích cao.

Dấu ấn giáo dục Hà Nam
Đội ngũ giáo viên toàn ngành tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THPT chuyên Biên Hòa. Ảnh: Trần Hà

Từ năm 2013 đến năm 2023, các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh đã giành được 524 giải tại các Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; trong đó có 14 giải Nhất, 90 giải Nhì, 176 giải Ba, 244 giải Khuyến khích. Thành tích học sinh giỏi ở các đấu trường khu vực, quốc tế cũng ghi nhận nhiều thành tích vượt trội: năm 2019 có 1 học sinh đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á, 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế; năm 2022 có 1 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế. Kết quả thi THPT quốc gia nhiều năm trở lại đây của tỉnh được duy trì và giữ vững ở mức cao, có những năm phổ điểm thi các môn xếp thứ nhất cả nước.  

Cũng trong 10 năm qua, toàn ngành giáo dục đã đẩy mạnh công tác quản lý, thực hiện từng bước việc phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đồng thời làm tốt công tác đánh giá cán bộ, giáo viên theo quy định. Để Nghị quyết 29-NQ/TW nói riêng và các chủ trương, định hướng về phát triển GD&ĐT nới chung đi vào thực tiễn, yếu tố đội ngũ, con người luôn được ngành ưu tiên đặt lên hàng đầu. Theo đó, công tác phát triển đội ngũ đã theo sát với mục tiêu đề ra, đội ngũ giáo viên các cấp cơ bản được bố trí đủ về số lượng, đúng về cơ cấu vị trí việc làm, được tham gia bồi dưỡng thường xuyên, đã có gần100% giáo viên các cấp đạt chuẩn chuyên môn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, có khả năng tiếp cận và triển khai tốt các yêu cầu về đổi mới giáo dục.

Những vấn đề đặt ra trong thực hiện đổi mới giáo dục

Có thể nói, quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trên địa bàn tỉnh tuy bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song cũng khẳng định, vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng tới hiệu quả, chất lượng công tác đổi mới GD&ĐT. Đó là, một số cấp ủy, chính quyền chưa linh hoạt, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; chất lượng giáo dục đại trà chưa cao; hệ thống phòng học bộ môn còn thiếu, thiết bị dạy học để thực hiện yêu cầu đổi mới chưa đồng bộ; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp ở một số địa phương chưa phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH chung; đội ngũ nhà giáo còn bất cập về số lượng, chất lượng, cơ cấu và còn tình trạng thiếu giáo viên ở một số cấp học; việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập chưa có bước chuyển biến rõ nét, một số đơn vị chưa sẵn sàng để tiến tới tự chủ về tài chính; các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.Trên cơ sở nhận diện đúng các hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và với tinh thần quyết tâm tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, hy vọng giáo dục tỉnh ta sẽ có những khởi sắc trong năm mới 2024- năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT và chuẩn bị hoàn thành lộ trình 5 năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy