Công khai, minh bạch khi triển khai chương trình sữa học đường

Nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ mầm non, tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hằng ngày, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Chương trình sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020”. Mặc dù chương trình đã triển khai tại một số trường mầm non, tiểu học trong toàn tỉnh song vẫn còn đó những băn khoăn, nghi ngại từ không ít các bậc phụ huynh.

Mục tiêu đặt ra trong chương trình đã được xác định rõ: đến năm 2020, 100% trường mầm non công lập, 76% trường tiểu học, trẻ được uống sữa theo chương trình sữa học đường; 100% phụ huynh học sinh các trường tham gia đề án theo lộ trình được tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức chăm sóc dinh dưỡng và những vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe trẻ em tại gia đình.

Thực hiện theo lộ trình năm 2018 toàn tỉnh có 92 trường tham gia đề án (60 trường mầm non, 32 trường tiểu học); đến 2020 có 208 trường tham gia đề án. Qua bước đầu triển khai đã góp phần hình thành thói quen tích cực, ý thức về rèn luyện sức khỏe cho trẻ em của phụ huynh, giáo viên. Tuy vậy, cũng còn không ít băn khoăn, lo ngại từ các bậc cha mẹ khi triển khai chương trình này.

Cho trẻ uống sữa tại Trường Mầm non xã Đức Lý (Lý Nhân).

Chị Lại Thị Hiền (TP. Phủ Lý) chia sẻ: Được cô giáo chủ nhiệm “vận động”, vừa qua tôi đăng ký cho cháu học mẫu giáo 3 tuổi tham gia uống sữa học đường. Thôi thì cũng vì cô bảo cả lớp uống mà một số con không được uống thì con tủi thân, sữa tốt cho sức khỏe. Tuy vậy, trong lòng mình cũng còn chút ít băn khoăn: Không biết con mình ở lớp có được uống sữa đầy đủ theo thông báo không? Chất lượng sữa ra sao bởi đầu tháng 3/2018 vừa qua tại Đồng Nai đã có hơn 70 cháu phải nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa thuộc đề án sữa học đường. Mặt khác, theo chương trình, các cháu được cùng uống một loại sữa giống nhau nhưng khẩu vị, sở thích mỗi cháu mỗi khác. Như cháu nhà mình thích uống sữa có vị socola hoặc vị dâu…

Với anh Lê Tiến Dũng (Kim Bảng) việc băn khoăn chưa cho con uống sữa học đường là bởi nguyên do cháu bé nhà anh rất kén sữa. Cháu uống sữa không hợp khẩu vị là có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Anh Dũng cũng cho biết, một số bạn anh có đăng ký cho con uống sữa ở trường nhưng khi về nhà hỏi cháu ở lớp có được uống sữa không? Hôm con bảo có, hôm lại bảo không. Không biết do các cháu nhỏ tuổi, mải chơi không nhớ hay do hôm có uống, hôm không. Với các cháu nghỉ học do ốm, tai nạn, không được uống sữa nhưng cũng chưa thấy cô giáo miễn trừ tiền sữa hoặc phát sữa bù lại những ngày nghỉ.

Sữa học đường là một chủ trương đúng đắn góp phần cải thiện sức khỏe, thể hình cho trẻ. Tham gia chương trình sữa học đường học sinh thuộc diện hộ nghèo, con thương binh, liệt sỹ được hỗ trợ 100% kinh phí, học sinh cận nghèo được hỗ trợ 60%, các đối tượng khác được hỗ trợ 40%/một sản phẩm sữa. Tuy nhiên, nếu không được triển khai chặt chẽ, minh bạch rất dễ dẫn tới sự nghi hoặc, thậm chí phản tác dụng, tạo ra những dư luận không tốt cho ngành giáo dục.

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy