Chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo xu hướng phát triển giáo dục hiện đại đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2019-2020 với lộ trình cụ thể cho từng cấp học.

Đây là một chương trình với sự thay đổi tích cực về cơ cấu và thời lượng các môn học, giảm tải mạnh các tiết học cho học sinh. Đồng thời, cho học sinh có thêm những lựa chọn về môn học theo hướng phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân…

Bên cạnh yếu tố chất lượng, đội ngũ giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa đã được định biên theo đúng quy định, tạo nhiều thuận lợi cho việc triển khai chương trình GDPT mới.

Bên cạnh những thay đổi về nội dung, sự thay đổi về số tiết học trong chương trình GDPT mới cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm. Chỉ riêng ở cấp THCS, nếu tính cả số tiết học bắt buộc và tự chọn thì số tiết học của các khối lớp sẽ giảm tới 58 tiết/năm (đối với khối lớp 6, lớp 7) và 78 tiết/năm (đối với khối lớp 8, lớp 9) so với chương trình giáo dục hiện hành.

Việc giảm số lượng các tiết học thực sự cần thiết, giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh nhưng nếu chỉ giảm về số tiết cơ học mà không có sự điều chỉnh đồng thời cả chương trình học, giảm kiến thức các môn học thì áp lực dạy và học lại dồn vào từng tiết học cụ thể.

Mặt khác, trong tổng thể các môn học, sẽ có môn tăng tiết nhưng có môn giảm tiết. Đó là còn chưa kể tới việc trong chương trình sẽ có sự xuất hiện của các môn tích hợp…Từ đó, không tránh khỏi vấn đề dôi dư cục bộ giáo viên trong từng năm học và bản thân các nhà trường sẽ rất lúng túng trong việc điều tiết nhân lực, phân công công việc cho giáo viên.

Ngay trong năm học 2018-2019, để từng bước khắc phục những bất cập về đội ngũ và chuẩn bị tốt nhân lực đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT đã yêu cầu lãnh đạo các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về yêu cầu đổi mới chương trình, cử giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, xây dựng tiêu chí và tổ chức thực hiện đánh giá giờ dạy của giáo viên theo hướng phát triển năng lực học sinh, chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ. Đồng thời, yêu cầu giáo viên tiếp cận và nghiên cứu các nội dung đổi mới đối với từng môn học và tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Cô giáo Nguyễn Thị Lương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT C Kim Bảng cho biết: Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, đến nay đội ngũ giáo viên toàn trường đã cơ bản lĩnh hội được những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo đó, giáo viên đã tích cực, chủ động và thực sự linh hoạt trong việc lựa chọn các nội dung của chương trình hiện hành để xây dựng các chủ đề giáo dục tích hợp, liên môn, đa dạng các chủ đề sinh hoạt chuyên môn trên "Trường học kết nối", tự rà soát các bài học trong sách giáo khoa và tinh giản nội dung gần giống nhau, dành nhiều thời gian hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu và tổ chức các giờ học. Theo lộ trình, mặc dù đến năm học 2021-2022 chương trình GDPT mới mới được triển khai với cấp THPT nhưng nhà trường đã có sự chuẩn bị tương đối tốt về đội ngũ, tự tin triển khai tốt chương trình.

Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT giai đoạn 2017-2020, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ở tất cả các cấp học ngày càng được nâng cao với 100% đạt chuẩn, trong đó có tới 69% trên chuẩn.

Về tình hình trường lớp, đến năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 381 trường học các cấp với 5.931 phòng học, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt trên 98%. Phòng học tại các cơ sở giáo dục đã cơ bản đáp ứng đủ cho việc dạy và học, toàn tỉnh không có đơn vị nào phải học 3 ca. Với sự đầu tư, hỗ trợ từ nhiều phía, các nhà trường đã từng bước khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất. Đến nay, hầu hết các nhà trường đều có đủ bàn ghế đúng quy cách cho học sinh học tập, bảo đảm có đủ trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác dạy và học, góp phần  không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong buổi làm việc với ngành giáo dục Hà Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đánh giá cao sự tích cực, chủ động của ngành, các cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo tỉnh Hà Nam trong việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới nói riêng và phát triển GD&ĐT nói chung. Đồng thời, chỉ đạo: Chương trình GDPT mới có nhiều nội dung mang tính đột phá về giáo dục, tạo sự chuyển biến toàn diện cho GDPT, chuyển giáo dục từ phát triển quy mô sang chú trọng chất lượng thực chất. Để đáp ứng các yêu cầu này, các nhà trường và bản thân giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy ít, học nhiều, tiếp cận năng lực học sinh, giao việc cho học sinh tự nghiên cứu và phải tiến hành đổi mới giáo dục ngay từ khi thực hiện chương trình giáo dục hiện hành.                                 

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy