Bồi dưỡng học sinh giỏi và những vấn đề đặt ra

Bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo dạy giỏi, học giỏi, phát hiện người học có năng khiếu về môn học không chỉ để thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học mà còn góp phần không nhỏ cho việc tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài…

Ở tỉnh ta, những năm qua, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu các môn văn hóa tham dự các kỳ thi HSG đạt nhiều kết quả phấn khởi, từng bước khẳng định được vị thế của giáo dục tỉnh nhà trong sự phát triển chung. Mặt khác, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng HSG hiện nay cũng đặt ra cho những người làm giáo dục không ít băn khoăn, trăn trở…

Thông qua các tiết học vận dụng đổi mới giáo dục, giáo viên có cơ hội phát hiện học sinh có năng khiếu, bồi dưỡng thành những học sinh giỏi.

Thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng HSG, bên cạnh việc đầu tư, chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục và các địa phương dành sự quan tâm đặc biệt tới việc tăng cường cơ sở vật chất và các nguồn lực cho hình thành ít nhất 1 trường tiểu học và 1 trường THCS chất lượng cao tại mỗi huyện, thành phố nhằm phát hiện, bồi dưỡng HSG, học sinh có năng khiếu cho cấp THPT.

Lên cấp THPT, số học sinh khá, giỏi được tuyển chọn vào Trường THPT chuyên Biên Hòa tiếp tục được sàng lọc qua kỳ thi tuyển chọn nghiêm túc vào các lớp chuyên theo đúng sở trường. Những học sinh có năng khiếu nhưng không có điều kiện theo học tại trường chuyên sẽ được bố trí vào các lớp chất lượng cao, trở thành nòng cốt HSG cho các trường THPT không chuyên…

Với những yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, công tác bồi dưỡng HSG cũng có thêm nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn về chất lượng. Trên cơ sở tự đổi mới, các nhà trường chủ động thay đổi phương thức và nội dung đào tạo HSG từ học cái gì sang học như thế nào và học để làm gì, triển khai các hoạt động dạy học tích cực, rèn luyện cho học sinh tính năng động, sáng tạo, thay đổi hình thức bồi dưỡng từ truyền đạt sang tổ chức cho học sinh làm chuyên đề, luyện đề… Ông Hoàng Văn Sử, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT) cho biết, chất lượng công tác bồi dưỡng HSG có sự cải thiện đáng kể, số lượng giải cũng được tăng đều qua từng năm. 

Theo thống kê, các đội tuyển HSG của tỉnh ta đã gặt hái được 879 giải trong các kỳ thi chọn HSG quốc gia. Năm học 2010-2011 là năm có nhiều giải HSG quốc gia nhất, với 60 giải ở tất cả 10 môn thi, các năm còn lại đều có số giải và chất lượng giải tương đương, bình quân mỗi năm tỉnh ta có gần 44 giải HSG quốc gia. Chỉ riêng trong năm học 2016-2017 đã có 279/480 học sinh đoạt các giải cá nhân trong kỳ thi chọn HSG các môn văn hóa cấp tỉnh ở cấp THCS và 42/74 học sinh đoạt giải cá nhân trong kỳ thi chọn HSG quốc gia, trong đó, lần đầu tiên sau 20 năm tái lập tỉnh có 1 giải Nhất môn Toán cấp quốc gia…

Mặc dù đã có sự đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG và chất lượng HSG của tỉnh đã được nâng cao, có thành tích ổn định, song ông Bùi Đình Thanh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên cho rằng, chất lượng và số lượng giải HSG chưa thực sự phản ánh đúng tiềm năng, thế mạnh của vùng đất học. Vẫn còn đó không ít những tồn tại, hạn chế trong bồi dưỡng HSG như: đề thi của một số môn có phần thi thực hành trong kỳ thi chọn HSG các môn văn hóa cấp tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, chưa đánh giá đúng năng lực và phẩm chất học sinh; sự liên thông trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HSG giữa các cấp còn hạn chế; chưa có kế hoạch dài hơi cho phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu; phần lớn giáo viên lãnh đội đều dạy học theo kinh nghiệm và năng lực cá nhân là chính chứ ít được giao lưu, học tập kinh nghiệm; chất lượng HSG không đồng đều giữa các môn…

Bên cạnh đó, mặc dù có trải qua kỳ thi tuyển đầu vào trường chuyên tương đối gay gắt nhưng đây mới chỉ là những học sinh thuộc top 2, top 3. Nhiều học sinh giỏi, có năng khiếu thực sự và có khả năng đạt thành tích cao lựa chọn đăng ký học tại các trường chuyên danh tiếng của các tỉnh lân cận hay khối chuyên các trường đại học. Ngành giáo dục đã tổ chức kỳ thi chuyên hằng năm trùng với lịch thi vào các trường chuyên của các tỉnh và khối chuyên các trường đại học để tăng tỉ lệ học sinh giỏi theo học tại Trường THPT chuyên Biên Hòa nhưng bằng cách này, hay cách khác, số học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu theo học tại các trường chuyên, khối chuyên vẫn không giảm là bao…

Qua quá trình giảng dạy, nhiều giáo viên cũng khẳng định, có rất nhiều học sinh đạt được mục đích đỗ vào trường chuyên, trường chất lượng cao nhưng "học gạo", thiếu thực chất và không sáng tạo. Trong khi đó, yêu cầu quan trọng, căn bản nhất cho việc lựa chọn học sinh đội tuyển chính là năng lực và sức sáng tạo, tư duy tốt.

Chính vì vậy, theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh, giáo viên lãnh đội HSG môn Sinh học, Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân), việc lựa chọn học sinh vào các đội tuyển dự thi chọn HSG vì thế cũng giảm hơn về chất lượng. Mặt khác, khi tham gia đội tuyển thi HSG, một số học sinh và cha mẹ học sinh còn bộc lộ suy nghĩ: thi HSG được gì và mất gì, nên hay không nên thi HSG vì nếu không may đi thi mà không được giải thì áp lực về tâm lý sẽ có thể khiến học sinh đó "tuột dốc" về cả tinh thần lẫn sức học, hậu quả rất khó lường nên chưa thực sự thiết tha, mặn mà với việc tham gia học trong các đội tuyển và tham dự các kỳ thi chọn HSG các cấp…

Đây là những vấn đề đặt ra không chỉ riêng ngành giáo dục mà còn với cả các địa phương, toàn xã hội, mong muốn có sự quan tâm hơn nữa tới công tác phát hiện, bồi dưỡng HSG nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng HSG nói chung và chất lượng thi chọn HSG nói riêng.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy