Bao giờ TP. Phủ Lý hoàn thành việc xây dựng trường chuẩn quốc gia?

Theo kết quả khảo sát, trong khi ở hầu hết các huyện đã gần cán đích về xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) thì thành phố Phủ Lý vẫn là địa phương đang phải đối diện với nhiều khó khăn nhất.

Hiện tại, toàn thành phố mới có 74% số trường học được công nhân đạt CQG. Mục tiêu đến năm 2020, thành phố có khoảng 97% trường học đạt chuẩn là không dễ thực hiện…Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý - Trịnh Xuân Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, hiện Phủ Lý có 13 trường mầm non, 22 trường tiểu học và 11 trường THCS đã đạt CQG. Các trường còn lại đều có những khó khăn nhất định khiến cho con đường đến đích trường chuẩn còn khá gian truân…

Giờ thể dục của các em học sinh Trường THCS Lương Khánh Thiện (TP. Phủ Lý). Ảnh: Thế Trang

Được đánh giá có chất lượng giáo dục chỉ đứng sau Trường THCS Trần Phú, những tưởng đó chính là điều kiện để Trường THCS Trần Quốc Toản có ưu thế để sớm xây dựng thành công trường CQG. Song, do nhà trường phải tiếp nhận học sinh thuộc hai địa bàn phường Hai Bà Trưng và phường Trần Hưng Đạo (do trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo chưa có trường THCS) nên tiêu chí về cơ sở vật chất của nhà trường không bảo đảm điều kiện đạt chuẩn.

Cô giáo Vũ Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, cho biết: Năm học nào cũng vậy, nhà trường luôn phải đối diện với thực trạng quá tải học sinh. Trong khi quy mô diện tích trường nhỏ nhưng số lượng học sinh luôn vượt ngưỡng 1.000 em, tổng số lớp học lên đến 24 lớp. Nếu chiếu theo quy định của trường đạt CQG khu vực thành thị, nhà trường sẽ phải có tối đa 6m2/học sinh, nhân theo số học sinh trường cần có hơn 6.000m2. Tuy nhiên, diện tích của trường mới chỉ vỏn vẹn 2.875m2, nghĩa là còn thiếu tới hơn 2 lần diện tích hiện tại mới đáp ứng yêu cầu trường chuẩn…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bên cạnh việc thiếu diện tích, đã nhiều năm qua, Trường THCS Trần Quốc Toản chưa có được sự đầu tư thích đáng cho việc xây dựng cơ sở trường lớp. Có cố gắng lắm nhà trường cũng chỉ bảo đảm đủ phòng học cho các khối lớp chứ chưa có hệ thống các phòng học chức năng, học sinh vẫn phải "học chay" với các môn như: ngoại ngữ, tin học, âm nhạc… Quá trình xây dựng trường lớp cơ bản chắp vá, thiếu đồng bộ nên không ít năm học nhà trường phải tổ chức cho học sinh học hai ca.

Đó là còn chưa kể đến do thiếu diện tích, không có sân chơi, bãi tập, việc tổ chức các hoạt động tập thể hay các tiết học thể dục cho học sinh không mấy thuận lợi. Năm học 2017-2018, nhà trường cũng mạnh dạn đăng ký được công nhận đạt chuẩn, nhưng theo hiệu trưởng nhà trường chắc vẫn phải "nợ chuẩn". Với "bài toán" khó này, việc mở rộng diện tích với một đơn vị trường nội thành sẽ không khả thi nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu Trường THCS Trần Hưng Đạo sớm được thi công và đưa vào sử dụng, giúp Trường THCS Trần Quốc Toản bớt đi áp lực quá tải học sinh.

Ở một số trường khu vực ngoại thành như: THCS Lê Hồng Phong, THCS Thanh Tuyền, THCS Liêm Tuyền… tuy không quá khó về diện tích nhưng hầu như đều chưa có được các công trình phụ trợ, thậm chí là các phòng học chức năng. Theo tính toán, trung bình các trường để được công nhận đạt chuẩn cần được đầu tư tối thiểu từ 6-10 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng và mua sắm các trang thiết bị dạy học. Một con số không hề nhỏ với ngân sách các địa phương, nhất là với các địa phương khu vực nông thôn đã và đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới còn chịu nhiều áp lực về nợ xây dựng cơ bản.

Trên thực tế, các trường chưa được công nhận đạt chuẩn cơ bản đã nằm trong quy hoạch phát triển, xây dựng, có quỹ đất và mặt bằng, chỉ đợi dự án hoặc ngân sách đầu tư. Duy chỉ có Trường THCS Tiên Hải chưa có cả quy hoạch và dự án nào cho xây dựng trường theo chuẩn. Hay như ở Phù Vân, nhiều năm qua, con trẻ vẫn phải học tại nhà văn hóa của các xóm. Cách đây hai năm, Trường Mầm non Phù Vân được hưởng lợi từ một dự án cho xây dựng trường chuẩn với tổng kinh phí đầu tư lên tới 46 tỷ đồng. Song, vì một số lý do, dự án đầu tư bị chậm nên đến nay trường vẫn chưa được xây dựng.

Mặc dù ngành giáo dục thành phố đã có nhiều nỗ lực, được các cấp, các ngành quan tâm, công tác xã hội hóa giáo dục được tăng cường… nhưng với những khó khăn đang đặt ra, việc hoàn thành xây dựng các trường học đạt CQG trên địa bàn thành phố Phủ Lý chắc chắn sẽ không thể một sớm, một chiều.

Thanh Hà

Thanh Hà, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy