Xây dựng không gian sách tiện ích, lan tỏa văn hóa đọc

Sách và văn hóa đọc từ lâu đã trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nam hiện nay, việc đầu tư phát triển cho nguồn tài nguyên tri thức này vẫn còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là không gian đọc.

Nhiều người cho rằng, đọc sách chỉ cần một nơi không thiếu ánh sáng với những cuốn sách có nội dung phù hợp là đủ. Nhưng thực tế, không gian đọc thoải mái, sáng tạo cũng là một trong những yếu tố cần thiết để duy trì và phát triển văn hóa đọc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang rất thiếu và chưa có sự đa dạng về không gian đọc sách. Ngoài hệ thống thư viện tại các trường học, phòng đọc sách tại Thư viện tỉnh, gần như không có nhà sách, cà phê sách hay không gian đọc bảo đảm tiêu chí hiện đại, sáng tạo, tiện ích cho người dân. Thêm vào đó, những địa điểm này đa phần nằm ở khu vực trung tâm, gây khó khăn cho người dân sống ở khu vực xa hơn có nhu cầu tìm đọc sách, báo.

Thư viện đa dạng về đầu sách nhưng thiếu sự đầu tư về không gian đọc.

Hoạt động "nhộn nhịp" nhất mỗi năm của Thư viện tỉnh có lẽ là trong dịp nghỉ hè, trung bình mỗi ngày phòng đọc thiếu nhi ở đây đón tiếp khoảng trên 100 lượt bạn đọc tới mượn, trả và đọc sách báo, tài liệu tham khảo.

Được biết, trong năm 2017, Thư viện tỉnh đã bổ sung thêm 64 loại báo, tạp chí; luân chuyển trên 10.000 bản sách xuống các điểm văn hóa xã, tặng trên 3.000 cuốn sách và 60 đầu báo cho các thôn xóm thuộc các xã xây dựng nông thôn mới. Việc làm này đã phần nào giải quyết khó khăn về vốn tài liệu của Thư viện tỉnh và các thư viện huyện, tủ sách cơ sở, đưa sách báo về gần với người dân, góp phần thu hẹp dần về khoảng cách mức hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp nhân dân.

Cùng với việc thường xuyên bổ sung đầu sách mới, thư viện còn đổi mới phương thức phục vụ từ "kho kín" sang "kho mở" theo hình thức tự chọn và có hướng dẫn cụ thể, giúp người đọc chủ động hơn khi tra cứu, tìm đọc những cuốn sách hay. Tuy nhiên, khi nhu cầu đọc của người dân ngày một tăng cao, nguồn "cung" này dường như chưa thể thỏa mãn số đông.

Nói về không gian đọc, bạn Bùi Công Trường (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Thương mại, cơ sở Hà Nam) cho biết: Dù thích vừa thưởng thức một tách trà, vừa "nhâm nhi" những cuốn sách hay, nhưng em chưa tìm được ở Phủ Lý không gian đọc đúng nghĩa.

Trường chia sẻ về một lần trải nghiệm Nhà sách Cá Chép (Nguyễn Thái Học, Hà Nội), concept (ý tưởng chủ đạo, từ phong cách trang trí đến cách thức hoạt động) nơi đây hoàn toàn có thể mê hoặc bất cứ ai ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi nhà sách không chỉ có sách, còn là nơi người đọc cảm thấy thư giãn với lối kiến trúc độc đáo, tinh tế. Từ hành lang đến các phòng đọc được trang trí bằng các tác phẩm tranh ảnh, hội họa đương đại, có một góc cà phê nhỏ cho những ai yêu thích sự yên tĩnh hoặc ghế đơn cho những người cần sự riêng tư. Nếu Phủ Lý mở loại hình kinh doanh tương tự như vậy sẽ thu hút được rất đông sự ủng hộ của mọi người.

"Không chỉ riêng em, mà nhiều bạn khác cũng có chung suy nghĩ như vậy. Không gian đọc sách đẹp là điều quan trọng đầu tiên để mọi người đến với sách. Ngày cuối tuần có một quyển sách hay, muốn "hẹn hò" với nó lại không có địa điểm thích hợp thì quá đáng tiếc", Trường chia sẻ.

Có thể thấy, hằng năm, Thư viện tỉnh vẫn luôn bổ sung thêm các đầu sách mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động biên mục xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ nhu cầu tra cứu tư liệu của độc giả. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ tính riêng diện tích, các phòng đọc của thư viện đã không còn đủ để đáp ứng bạn đọc, chưa kể cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Một trong những nguyên nhân là do thư viện vẫn "ở nhờ" Trung tâm văn hóa tỉnh, không có thiết chế riêng và nằm ở vị trí không thuận lợi nên công tác phục vụ bạn đọc, đổi mới trang thiết bị, giúp bạn đọc tiếp cận tài liệu bằng nhiều hình thức, hay mở rộng phòng đọc đa phương tiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa nghe nhìn, các phương tiện truyền thông và mạng internet, người đọc, nhất là các bạn trẻ đang dần giảm hứng thú đọc sách in. Vì vậy, trước mắt, để nâng cao chất lượng hoạt động, thư viện sẽ ưu tiên bố trí lại không gian phòng đọc; đồng thời giản tiện tối đa thủ tục cấp phát thẻ, mở các phòng khác nhau (phòng đọc tổng hợp, phòng mượn, phòng đọc tài liệu, phòng đọc thiếu nhi) cung cấp cho nhiều đối tượng người sử dụng; tăng cường luân chuyển đầu sách xuống các thư viện cơ sở, kêu gọi các nguồn xã hội hóa để có thêm kinh phí cải tạo cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều hơn với sách, báo.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy