Những lá thư trước ngày giải phóng

Bánh xe thời gian đẩy cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc lùi vào quá khứ, những người sinh ra trong hòa bình có thể không hiểu hết nội tâm cuộc chiến, nhưng nếu đọc những lá thư thời chiến, những lá thư viết trước ngày giải phóng mới thấu cảm được cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước, của mỗi con người.

Cựu pháo thủ Phù Vân Trần Thị Thông gợi lại ký ức những năm đánh Mỹ bằng nhiều kỷ niệm. Chiến tranh chia cắt tình yêu, chia cắt đất nước này nhưng không thể ngăn cách những nỗi nhớ, niềm thương của bà và người yêu ngày ấy. Nắng tháng Tư nhẹ nhàng, bà ngồi ngoài hiên, mang những bức ảnh của gia đình để lâu ngày trong ngăn tủ và lục tìm cái gì đó có vẻ quan trọng. "Không còn nhìn thấy gì nữa! Tất cả nhòe nhoẹt thế này…" - bà nói một mình.

Những lá thư trước ngày giải phóng luôn làm bà Nguyễn Thị Út, cựu TNXP Hà Nam xúc động.

Ấy là những bức thư để lâu ngày của bà và người yêu (giờ là chồng bà) gửi cho nhau. "Cái đận làm nhà, chuyển nhà, những thứ này ít ai để ý đến thành thử mốc mác, ẩm ướt làm hỏng mất rồi" - bà Thông tần ngần trước những mảnh giấy hoen ố. Màu thời gian nhuộm úa những lá thư nhưng không thể nào xóa hết những cảm tình trong đó. Dòng chữ không còn rõ nét nhưng sao bà vẫn nhớ được hết nội dung.

Bà Thông kể: "Ông ấy vào chiến trường khi chiến tranh diễn ra ác liệt. Tôi ở hậu phương lao động và chiến đấu. Chúng tôi biên thư cho nhau, chỉ vắn tắt chứ không dài dòng, cốt sao thông tin được tình hình trong ấy, ngoài này. Dăm lần, bảy lượt, tôi làm đơn tình nguyện xung phong lên đường chiến đấu, nhưng ông bố chồng tương lai lại lên xã ngăn lại, nói với cán bộ xã không cho đi vì lý do này, lý do khác. Thế là đành ở nhà, lao động, tham gia chiến đấu với bộ đội địa phương…".

Ngày ngóng đêm trông, nỗi mong mỏi duy nhất của người con gái ở hậu phương bấy giờ là mong chiến tranh kết thúc sớm. Chiến tranh không ai nói trước được điều gì. Chỉ những lá thư đi - về mới trả lời rõ điều đó còn hay mất. Cuối năm 1974, đầu  năm 1975, bà Thông ít nhận được thư của người yêu hơn. Lá thư cuối cùng bà nhận được trước ngày giải phóng là cuối tháng 2 năm 1975. Ông viết cho bà vài dòng ngắn ngủi, nhưng bộc lộ rõ không khí của cuộc chiến: "…Ngày chiến thắng không còn xa, nhất định em phải đợi anh về".

Chín năm sau ngày nhập ngũ, người yêu của bà Thông bấy giờ đã là Trung úy Nguyễn Thiện Tỉnh, Chính trị viên Phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 cùng đồng đội, phối hợp với Đại đội tăng thiết giáp của Lữ đoàn 203 do Trung úy Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng Đại đội 3) chỉ huy húc đổ cổng Dinh Độc Lập để tiến vào trưa ngày 30/4/1975. Chiến thắng thực sự ở trước mắt, nhưng không bất ngờ.

Bà nói: "Sau này, khi trở về quê hương, nói lại với nhau chuyện ngày hôm ấy, ông ấy chỉ nói, trong giờ phút lịch sử ấy không ai nghĩ đến chiến công mà chỉ nghĩ đến chuyện mình đã sống. Ông ấy cũng chẳng biên thư cho tôi nữa. Nói thật, ngay tại thời điểm ấy, những lá thư từ mặt trận gửi về mang nặng nỗi niềm cuộc chiến. Có những người nói sẽ đánh trận cuối cùng thế là cả nhà lo lắng, cứ nghĩ chuyện gở. Có người nói lời vĩnh biệt trước để biết đâu khi vào trận chiến, ai biết có còn cầm bút được hay không…".

Ở hậu phương thì như thế, còn ở mặt trận thì sao? Một lá thư từ hậu phương gửi ra cho người ở chiến trường trở thành "tài sản chung" của những người lính. Bất biết đó là của bố mẹ hay người thương, thư đến cả đơn vị đọc, chia sẻ với nhau niềm vui và nỗi buồn. Những lá thư giải tỏa cơn khát tình cảm gia đình, quê hương.

Ông Dương Hữu Bảo, xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân kể lại: "Tôi chiến đấu ở Quảng Trị, nhận được thư nhà thì vui lắm. Nhưng nói thật, chuyện đó hiếm hoi vô cùng, bởi chiến tranh loạn lạc, thư từ hậu phương ra mặt trận chẳng dễ dàng nhận được, đơn vị thì di chuyển liên tục. Nhiều người, cha mẹ anh em không viết được thư nên có khi chẳng bao giờ nhận được thư từ gia đình. Những lá thư của đồng đội cho đọc chung cũng đủ làm ấm lòng họ".

Những lá thư được viết trước ngày giải phóng.

Ông Bảo coi những lá thư ấy là điểm tựa tinh thần của cán bộ, chiến sỹ. Gian khổ, khó khăn, đối mặt với cái chết mà ai cũng vui vẻ, hăng say. Nó là cầu nối tâm tình giữa hậu phương và tiền tuyến.

Tất cả chỉ gói gọn trong một, hai trang giấy viết vội, nhưng chứa đựng khát vọng hòa bình, niềm tin vào chiến thắng của mỗi người dân Việt Nam. Nếu ai đó đã đọc "Bê trọc" của nhà báo Phạm Việt Long, nguyên là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, người đã từng lăn lộn ở chiến trường miền Nam, có nhiều tác phẩm phản ánh cuộc sống, chiến đấu của đồng bào và chiến sỹ khu Năm ngoan cường, mới hiểu những lá thư trước ngày giải phóng khác với những năm trước ấy ra sao.

Ngay từ cuối năm 1973, dự cảm về chiến thắng đã được nhiều người nhắc đến. Trong thư viết gửi cho gia đình, nhà báo Phạm Việt Long viết: "Bố mẹ kính yêu! Hiện nay, cùng với đồng bào miền Nam, chúng con đang ra sức xây dựng lực lượng, củng cố hòa bình. Trước sức lớn vùn vụt của căn cứ, con thấy sung sướng vô cùng… Con đường ô tô xẻ dọc Trường Sơn đã chạy suốt từ hậu phương lớn, dọc sau lưng chúng con, vào sâu hơn nữa và vươn dài những cánh tay xuống đồng bằng"…

Đến giữa tháng 4 năm 1975, chiến thắng không còn là dự cảm nữa, tất cả đang hiển hiện rõ trên từng nẻo đường của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Phạm Việt Long cũng viết thêm một vài thư gửi về gia đình với lời lẽ vui tươi, phấn chấn: "Ngày 18/4/1975. Bố mẹ và các em yêu quý!... Tình hình chung trong này phấn khởi và yên ổn… Có lẽ chuyến này miền Bắc phải dốc sức cho miền Nam nhiều hơn nữa!".

Lá thư viết vội, Phạm Việt Long chỉ kịp ghi chục dòng ngắn ngủi gửi ra Hà Nội  cho gia đình. Ông gieo vào lòng mỗi người niềm vui ngày đoàn tụ, ông chia sẻ không khí của miền Nam trước giờ chiến thắng. Trong hàng trăm lá thư ông viết gửi gia đình, người yêu, đồng chí, đây là lá thư cô đọng nhất.

Bánh xe thời gian đẩy cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc lùi vào quá khứ, những người sinh ra trong hòa bình có thể không hiểu hết nội tâm cuộc chiến, nhưng nếu đọc những lá thư thời chiến, những lá thư viết trước ngày giải phóng mới thấu cảm được cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước, của mỗi con người.

Tại sao sau gần nửa thế kỷ, có những lá thư đã hoen ố không còn nét chữ, người ta vẫn đọc được nó trong miền hoài cảm sâu xa. Tại sao, những bức thư viết vội lại ám ảnh tâm can con người đến vậy. Bởi nó là sự thật, sự thật của tình cảm, của tư duy, của lý tưởng sống và hoài bão cống hiến của mỗi con người Việt Nam khi đất nước gian lao.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy