Nguyễn Đình Bảng và ca khúc “Thời hoa đỏ”

Tôi tìm đến Khu tập thể Văn công Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) vào một ngày nắng mới đầu hè để gặp nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng - tác giả của một trong những tình khúc hay nhất giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới - "Thời hoa đỏ". Qua câu chuyện thân tình với ông, ngoài những thông tin về âm nhạc, tôi còn có được những câu chuyện thú vị về quê hương, sự nghiệp cùng những ước mong tha thiết từ người nhạc sỹ.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng trò chuyện với phóng viên Báo Hà Nam.

Quê ông - vùng đồng trũng thôn Thọ Chương (xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân) từ xưa được biết đến bởi nghề đan cót, đan gầu nổi tiếng lâu đời. Nhắc đến quê, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng rưng rưng nhớ lại: Thời Pháp thuộc, mỗi mùa nước nổi, ra đầu làng Thọ Chương nhìn về bốn phía chỉ thấy mênh mông nước trắng. Đồng ruộng, đường sá, chợ búa ngập hết nên phương tiện đi lại chỉ là những chiếc đò nan, bè nứa nhỏ bé, lênh đênh. Bởi thế, cứ qua Tết người làng Thọ Chương lại tỏa đi tứ phương kiếm sống. Đàn ông theo dòng đại hà ngược lên thượng nguồn buôn bè nứa về xuôi. Đàn bà mang  nghề đan cót, đan gầu đến những vùng bến chợ, bến sông, đông dân cư, nhiều lúa gạo để kiếm sống. Tám tuổi Nguyễn Đình Bảng đã theo cha mẹ lênh đênh trên bè nứa đi tha hương cầu thực. Chiếc bè nứa vừa là phương tiện di chuyển, vừa là nguồn nguyên liệu làm nghề kiếm cơm của gia đình. Kháng chiến bùng nổ, người thanh niên vùng đồng trũng Thọ Chương lớn lên, đi học nhạc rồi gắn bó với âm nhạc như một mối nhân duyên tiền định(*).    

Ca khúc "Thời hoa đỏ" được Nguyễn Đình Bảng sáng tác năm 1989 qua phổ nhạc bài thơ cùng tên của nhà thơ Thanh Tùng. Câu chuyện phổ nhạc ca khúc trữ tình này rất tình cờ và đầy những bất ngờ thú vị. Năm 1989, Nguyễn Đình Bảng cùng một số nhạc sĩ được đi dự Trại sáng tác về nhạc giao hưởng tại nước bạn Liên Xô. Không quen với khí hậu lạnh giá ông bị ốm nằm viện cả tháng trời trên xứ sở Bạch Dương. Nằm viện rảnh rỗi, lục mớ hành lý mang theo thấy có tập "99 bài thơ tình hay" (Nhà xuất bản Văn hóa) mang ra đọc cho khuây, Nguyễn Đình Bảng bất chợt lật giở đến bài "Thời hoa đỏ" đúng vào câu "Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi" khiến ông xao lòng. Rồi từ phút xao lòng tình cờ ấy, tứ nhạc, nét nhạc cứ hiện lên, tiếp nối dâng trào khiến ông đặt bút khởi thảo và hoàn thành rất nhanh ca khúc mà lúc đó ông không hề biết rằng sau này trở thành một tình khúc để đời. Thời gian sau đó, khi được các nhạc sĩ dàn dựng thành công theo đúng ý đồ sáng tác, nhất là qua chất giọng phù hợp của ca sĩ Lệ Thu (thành phố Hồ Chí Minh), tình khúc "Thời hoa đỏ" ngay lập tức tạo được tiếng vang và trở thành bài hát không thể thiếu trong sổ tay công chúng yêu âm nhạc, nhất là học sinh, sinh viên thời đó.

Tâm sự đôi chút về khía cạnh nhạc lý, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng mở lòng: Ở đoạn một, ông chủ tâm để tiết tấu "Thời hoa đỏ" thong thả, chậm rãi, như niềm tự sự, như bước đi chầm chậm của hai người đang bên nhau trên "con đường kỷ niệm" sau bao năm xa cách với những nhớ thương da diết, cháy bỏng: "Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/Bước lặng trên con đường vắng năm nao/Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào/Mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào", "Anh mải mê về một màu mây xa/Cánh buồm trôi về một thời đã qua/Em thầm hát một câu thơ cũ/Về một thời thiếu nữ say mê/Về một thời hoa đỏ diệu kỳ"… Để rồi, sang đoạn hai kế tiếp, sự hòa thanh bỗng dâng trào cuồn cuộn như những dòng ký ức, những khát khao thương nhớ cháy bỏng, dồn dập ùa về "Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi", "Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi như nuối tiếc một thời trai trẻ"…   Chính bởi điểm khác biệt này nên tiết tấu của "Thời hoa đỏ" dường như không thể xếp vào một khuôn mẫu nhịp phách nào mà tự nó lan tỏa miên man theo dòng xúc cảm, sự ngẫu hứng của nhạc sĩ, theo sự đồng điệu giữa thơ và nhạc. Và khi ở vào đỉnh điểm cao trào, Nguyễn Đình Bảng đã rất tinh khéo, "rất nghề" khi sử dụng tới ba bè hòa âm cho điệp khúc "Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi…" để diễn tả đến tận cùng chiều sâu dòng xúc cảm pha trộn giữa ký ức ngọt ngào với sự tiếc nuối ngẩn ngơ trong nỗi lòng những ai đã từng một lần đi qua "thời trai trẻ", "thời thiếu nữ say mê"…

Ảnh minh họa.

Về ca từ, "Thời hoa đỏ" bản phổ nhạc của Nguyễn Đình Bảng có một chút thay đổi so với nguyên tác văn học của nhà thơ Thanh Tùng. Chính điều này đã làm cho tác phẩm được nâng thêm tầm cao rộng, sâu sắc về triết lý nhân sinh. Nói về sự thay đổi đó, Nguyễn Đình Bảng tâm sự rằng, ông đã trăn trở mãi rồi mới đi đến quyết định dùng "Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi" thay cho nguyên bản thơ: "Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi" vốn đã rất hay, rất đằm và mang nặng nỗi niềm của nhà thơ.

Chưa hết, ông cũng đã mạnh dạn "làm nhẹ bớt cấp độ bi lụy" và có phần riêng tư trong ý thơ Thanh Tùng bằng cách thay hai chữ "máu ứa" thành"nuối tiếc" để ca từ phù hợp với tứ nhạc, với âm hưởng chủ đạo của nhạc phẩm: "Như nuối tiếc một thời trai trẻ". Sự thay đổi này không ngoài mục đích để "Thời hoa đỏ"  là tâm sự chung, hoài niệm chung đẹp đẽ, thánh thiện của nhiều thế hệ những người đã từng đi qua "thời thiếu nữ", "thời trai trẻ"… chứ không chỉ giản đơn, khuôn tròn trong một mối tình của riêng ai đó.

Và thật may là từ tứ thơ ban đầu vốn đã rất hay, qua nét nhạc đầy ngẫu hứng sáng tạo của Nguyễn Đình Bảng "Thời hoa đỏ" đã được chắp cánh thăng hoa tới một cấp độ thành công mới. Sự thay đổi dẫn tới thành công này rất được nhà thơ Thanh Tùng đồng tình, tâm đắc. Một chi tiết nữa là nhiều năm sau khi ca khúc "Thời hoa đỏ" trở thành bài hát nằm lòng của số đông khán, thính giả yêu âm nhạc, nhất là học sinh, sinh viên thì tác giả âm nhạc và tác giả văn học của tác phẩm cùng tên mới có dịp gặp nhau tại Hà Nội.

Trong lần gặp ấy, nhà thơ Thanh Tùng đã tâm sự rất thật lòng rằng: dù là người viết ra những vần thơ da diết nhưng khi nghe những tứ thơ, lời thơ "gan ruột" hằng ấp ủ bỗng chốc thăng hoa, tỏa rạng bởi nét hòa thanh tài tình, đầy ngẫu hứng của Nguyễn Đình Bảng ông cứ thấy "nổi da gà", nhất là với điệp khúc nhiều tầng hòa âm và liên tục dâng cao: "Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi/Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi…".    

Trở lại câu chuyện thực tại, khi được hỏi về nguyện vọng của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng hào hứng tỏ bày: ông rất tha thiết và mong muốn có được cơ hội về Hà Nam, đắm mình vào không khí sôi động của cuộc sống mới, để cảm nhận và viết nên những tác phẩm âm nhạc tâm đắc, tiếp thêm nguồn lực chung tay xây dựng quê hương.

Thế Vĩnh

(*) Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) năm 1978 và công tác ở Nhà xuất bản Âm nhạc cho đến lúc nghỉ hưu năm 2002; ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt II/2007 với cụm tác phẩm:"Thời hoa đỏ", "Du thuyền trên sông Lam", "Ngôi sao biển", "Khỏa trần Trường Sơn" và  "Thị Kính - Thị Mầu" (Baleade giao hưởng).

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy