Nghệ sỹ Nhân dân Lê Huệ - Một đời vì nghệ thuật

Trong giới nghệ sỹ thời đại Hồ Chí Minh, ông được coi là "điển hình về mẫu người nghệ sỹ cách mạng, gắn bó cuộc đời mình với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước". Ông cũng là "điển hình của lòng yêu nghề và có quan niệm đúng đắn về nghề". Ông đa tài, chân chính trong cuộc đời và trên sân khấu. Ông là Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Lê Huệ.

NSND Lê Huệ đúng nghĩa là người của công chúng. Ông được nhiều người biết đến và nhiều người yêu mến, trong đó có tôi. Sinh ra ở vùng đất của những làn điệu chèo, dân ca mượt mà, đằm thắm, tôi cũng yêu đắm đuối chèo, hát văn và dân ca. Những năm đất nước khó khăn, cả làng chỉ có một, hai chiếc ti vi, tối thứ 7 nào chúng tôi cũng đến một nhà ở đầu làng để xem sân khấu.

"Cô gái làng chèo", "Anh lái đò sông Vị", "Lưu Bình - Dương Lễ", "Súy Vân", "Quan Âm Thị Kính", "Ni cô Đàm Vân", "Nghêu sò ốc hến", "Nàng Si ta", "Mùa tôm", "Tấm Cám"… là những vở chèo xem mãi không chán, xem xong là nhớ, nhớ rồi vẫn muốn xem. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân những năm 80, 90 của thế kỷ XX thực là trong sáng, giản dị và giàu tâm tư. Từ đây, tôi biết đến đạo diễn Lê Huệ.

Đồng chí Bùi Quang Cẩm, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thăm NSND Lê Huệ nhân dịp Ngày Quốc khánh. Ảnh: Bùi Tuấn

Đến cuối năm 1999, tôi mới có vinh hạnh gặp ông, bấy giờ ông là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nam. Hội khi đó có nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, hoạt động sôi nổi và cống hiến. Vì công việc, tôi được gặp, trò chuyện với nghệ sỹ Lê Huệ nhiều hơn, hiểu về ông hơn.

Ông sinh ra ở thôn Trại, xã Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm. Ngày trước, làng này có tên là làng Đầm Giầu, theo cách giải nghĩa đơn giản làng có một cái đầm nhiều tôm cá, nhưng đời sống của người dân rất nghèo túng. Mãi đến thời Pháp thuộc, làng mới có tên mới là làng Trại, bốn bề sóng nước mênh mông.

Ông Huệ mồ côi cha từ nhỏ, khi mẹ ông mới ngoài 20 tuổi. Năm 1945, Lê Huệ bắt đầu tham gia cách mạng "một cách tình cờ". Ông có mặt trong dòng người tham gia mít tinh ủng hộ chính quyền cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nam tại thị xã Phủ Lý.

Năm 1947, thôn Trại có một đội văn nghệ, ông được nhận vào đội với vai diễn đầu tiên là một em bé trong vở kịch "Máu chúng ta đã chảy" của nhà viết kịch Học Phi.

Nghệ sỹ Lê Huệ nhớ mãi: "Tôi bước lên sân khấu đúng lúc tròn 14 tuổi với một tâm thế của một đứa trẻ mới lớn. Cũng từ đây, tôi bước chân vào con đường nghệ thuật".

Lê Huệ mê chèo, hễ có buổi diễn chèo nào của các gánh hát là ông đi xem bằng được. Ông học hỏi các nghệ sỹ lớn "món nghề" theo cách riêng của mình. Tháng 7/1959, ông chính thức được nhận vào đoàn chèo chuyên nghiệp và nhận vai diễn trong vở "Vườn Cam". Trong suốt thời gian làm diễn viên, Lê Huệ đảm nhận 15 vai chính diện và phản diện, ở các độ tuổi khác nhau.

Ông nói: "Thời kỳ làm diễn viên ở đoàn chuyên nghiệp, những vai diễn của tôi chủ yếu đóng vai phản diện, đó là những vai diễn để lại ấn tượng đối với người xem và ghi dấu thành công trong cuộc đời diễn viên của mình".

Con đường nghệ thuật đã đưa NSND Lê Huệ đi khắp mọi miền đất nước. Một chuyến đi để đời với ông và đồng nghiệp đó là lần vào chiến trường biểu diễn phục vụ Đoàn 559 đúng mùa mưa năm 1968. Khi ấy, chiến tranh đang diễn ra ác liệt. 13 người thuộc Đoàn chèo Nam Hà do Lê Huệ dẫn đầu đã xung kích vào Trường Sơn.

Cuộc sống gian khó của bộ đội làm họ cảm động và quyết tâm mang tiếng hát của mình cổ vũ tinh thần cho các chiến sỹ kiên trung, vững lòng vào trận tuyến. Đoàn Chèo Nam Hà lúc bấy giờ đang rạng rỡ với nhiều tên tuổi như Thúy Ngân, Lệ Hằng, Duy Cổn… Họ đã mang hát văn và những trích đoạn chèo nổi tiếng vào mặt trận, làm yên lòng các chiến sỹ và khơi dậy trong lòng bộ đội niềm tin yêu với Tổ quốc, dân tộc.

Ngót 50 năm trôi qua, kỷ niệm ấy còn ghi dấu trong lòng những nghệ sỹ như nghệ sỹ Lệ Hằng (vợ của nghệ sỹ Dương Thanh Nghị). Bà nói: "Chuyến đi không chỉ là kỷ niệm nghề nghiệp mà còn là bài học cho nghệ sỹ thời kháng chiến. Nghệ sỹ vào Trường Sơn, biết thế nào là Trường Sơn. Nếu không có người dẫn đầu như NSND Lê Huệ thì không biết chúng tôi có trở về an toàn hay không. Nhưng, đó là bài học để nghệ sỹ sống với nghề vì tình yêu Tổ quốc, vì đồng nghiệp, vì nghệ thuật, vì đồng chí".

Lúc rảnh rỗi NSND Lê Huệ thường ngồi tâm sự với các con. Ảnh: Việt Linh

Ngày 19/5/2012, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lê Huệ cùng 74 nghệ sỹ ưu tú trong cả nước được trao tặng danh hiệu NSND. 50 năm làm nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, NSND Lê Huệ có nhiều đóng góp cho sân khấu nước nhà. Từ một kép chèo, Lê Huệ trở thành Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, rồi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh.

Họa sỹ Dân Quốc nói với tôi trong buổi lễ vinh danh ấy: "Ông ấy là bạn chí cốt của tôi. Chúng tôi đã đổ máu và nước mắt trên sân khấu. Ông ấy cho tôi cảm hứng và sự kiên trì trong nghề nghiệp".

Trong con mắt bạn bè đồng nghiệp, NSND Lê Huệ giống như một người anh, một người đồng chí mẫu mực, tài hoa. Trần Đình Ngôn nói Lê Huệ "là một điển hình về mẫu nghệ sỹ cách mạng, gắn bó cuộc đời mình với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp chung, ở cương vị nào cũng dốc toàn tâm, toàn lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, làm "Quan" có tài có đức, làm "Hề" có đạo, có duyên".

Ông cũng là "điển hình của lòng yêu nghề, có quan niệm đúng đắn về nghề… Khi chỉ là nghệ sỹ, Lê Huệ luôn có ý thức sáng tạo nghệ thuật bằng cách nghĩ và tầm nhìn của nhà lãnh đạo; lúc đã là cán bộ lãnh đạo thì lại vẫn rung động bằng trái tim nghệ sỹ mỗi lần bước lên sân khấu hay tới phim trường". Lê Huệ đa tài, đa cảm. Ông đi lên từ chèo rồi trở lại với chèo.

"Nghệ thuật chèo truyền thống đã đào luyện nên anh và anh đã hiến dâng cho chèo những chặng đường đời gian khổ và vinh quang, để lại dấu ấn sâu đậm một vùng chèo thuộc chiếng chèo Nam xưa" - Trần Đình Ngôn viết về NSND Lê Huệ như thế.

Với tôi, NSND Lê Huệ bồi đắp những cảm quan về nghệ thuật, tình yêu nghệ thuật và cuộc sống nghệ sỹ. Ông nói với tôi, chúng ta đều là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa,  sống và gắn bó với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Phải sống lạc quan, đừng nản lòng trước những khó khăn của cuộc sống, hãy nhìn về trước và đón nhận những mới mẻ của ngày mai.

Mỗi người đều chọn cho mình một con đường riêng, nhưng con đường nghệ thuật là con đường không phải ai cũng có thể đặt chân và thành công. Với Lê Huệ, ông đã đi trên con đường ấy bằng tình yêu bẩm sinh và bằng sự trải nghiệm cuộc sống ở nhiều giai tầng khác nhau. Hạnh phúc ông có được là hình ảnh của ông trong trái tim bạn bè và công chúng. Ông đã dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật và ông đã từng có những thành công rực rỡ trên con đường mình đã chọn.

Chu Uyên

Chu Uyên, Bùi Tuấn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.