Châu Giang - Lửa chèo chưa tắt...

Châu Giang là xã có phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi của huyện Duy Tiên. Nhắc đến Châu Giang phải kể đến những chiếu chèo sân đình một thời vang vọng như chiếu chèo Chuyên Thiện, chiếu chèo Đông Ngoại… Người dân gây dựng nên những chiếu chèo này để thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần...

Buổi tập trích đoạn Lý trưởng của CLB chèo Chuyên Thiện.

Từ năm 2001, chiếu chèo Chuyên Thiện, xã Châu Giang, một trong những chiếu chèo nổi tiếng, có sức sống lâu nhất ở đây đổi tên thành Câu lạc bộ (CLB) làng chèo Chuyên Thiện. Chị Trần Thị Mến, khi đó mới ngoài 20 tuổi, còn trẻ trung và nhiệt huyết tham gia CLB với niềm tin, nó sẽ phát triển hơn một chiếu chèo, phù hợp với đời sống xã hội hiện đại. CLB thu hút vài chục người tham gia, rất nhiều người trẻ tuổi, trở thành một trong những CLB văn nghệ có tiếng trong huyện bấy giờ. Chị Mến không quên được, vào những năm đó, CLB của chị tham gia các cuộc thi văn nghệ của huyện, tỉnh, đặc biệt là Hội diễn Chèo không chuyên do Sở Văn hóa tổ chức thu hút được sự chú ý của những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Dù không có thù lao, nhưng không khí ấy tạo cho những người nông dân chân lấm tay bùn gạt bỏ được những nhọc nhằn của đời sống, hứng khởi đứng lên sân khấu chèo truyền thống để hát, diễn hết mình.

Chị Mến tâm sự: "Chúng tôi vô cùng thích thú, được hát như được sống. Chẳng có niềm vui nào lớn hơn sau những lúc lao động mệt nhọc. Lời ca tiếng hát gắn kết tình cảm anh em làng xóm. Người già quan tâm đến lớp trẻ, lớp trẻ kính trọng người già, sân khấu chèo là nơi để chúng tôi hòa mình vào đó, trao gửi những thương yêu đồng ruộng, xóm làng, gia đình, bè bạn". CLB làng chèo Chuyên Thiện phát triển nhờ nhiều hạt nhân văn nghệ có tâm, có tình, có cả tài năng như  gia đình anh Đặng Như Hiển, Chủ nhiệm CLB An Xuân Mãn… Tự biên, tự diễn những bài chèo mới, dựng lại những trích đoạn chèo cổ, những thành viên trong CLB đã duy trì và gìn giữ được nét đẹp của một chiếu chèo có bề dày truyền thống ở đây.

Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng thôn Chuyên Thiện nói: Những người trong CLB đã tự làm mới nó bằng mọi cách. Thời điểm huy hoàng nhất của chèo đã đi qua, giờ đây trong một xã hội phát triển như vũ bão về công nghệ, những ai yêu chèo cũng phải cùng với nó vượt qua khó khăn. Như ở CLB này, các thành viên phải đóng góp để sắm sửa trang phục, nhạc cụ, thiết bị âm thanh phục vụ biểu diễn… Thôn chỉ có thể giúp đỡ phần nào… Thế mà, CLB cũng làm tròn trách nhiệm của mình. Ông Tân tự hào nói: Hoạt động của CLB đã trở thành một kênh thông tin tuyên truyền đến nhân dân một cách hữu hiệu nhất các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng cách xây dựng những vở chèo mới, CLB đã chuyển tải những thông điệp của cuộc sống đến với bà con như hãy gìn giữ môi trường, đừng sa đà vào các tệ nạn xã hội, hãy sống đẹp, sống có ích với cuộc đời hơn… Tất cả được chuyển tải một cách linh hoạt thông qua hình thức sân khấu hoá vừa nhẹ nhàng dễ hiểu, vừa thiết thực đi vào lòng người.

Thiếu kinh phí hoạt động, khó khăn về đội ngũ kế cận làm cho những chiếu chèo ở Châu Giang đang phải đối mặt với sự tồn vong. Chủ nhiệm CLB làng chèo Chuyên Thiện An Xuân Mãn năm nay đã 71 tuổi, chia sẻ thực lòng: Chúng tôi đã vận động các cháu học sinh phổ thông, chủ yếu là các cháu sống trong các gia đình có ông bà, cha mẹ từng tham gia chiếu chèo vào CLB để nhằm mục đích trẻ hóa đội ngũ. Nếu không làm việc này, nay mai chúng tôi không đủ sức để diễn, các cháu sẽ thay chúng tôi duy trì hoạt động của nó, vừa để giữ gìn truyền thống làng xã, vừa để các cháu có đời sống tâm hồn bản sắc hơn. Nhạc mới hiện đại trên mạng đang cuốn hút chúng, nhưng tôi tin một ngày nào đó, giá trị đích thực của chèo truyền thống, đặc biệt là âm hưởng của trống chèo sân đình sẽ làm các cháu tìm thấy giá trị đích thực để trở lại và yêu mến nó như ông cha nó hiện nay.

Niềm tin của ông Mãn có lý do, vì Châu Giang là đất chèo, là nơi những chiếu chèo sân đình một thời làm cho người ta quên ăn, quên ngủ, sống với nó từng đêm. Tiếng trống hối thúc con người trong cả lúc làm, cả lúc chơi, tạo nên một không gian văn hóa làng đặc trưng. Giờ đây, trong tâm thức nhiều người dân Châu Giang, dư âm về tiếng trống chèo sân đình vẫn còn vang vọng, đánh thức những xúc cảm ngọt ngào về chèo. Bà Dung, một cán bộ ngành văn hóa của huyện Duy Tiên đã nghỉ hưu, người từng gắn bó với các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ làng xã cho rằng, Châu Giang đã có truyền thống hát chèo, truyền thống ấy tạo ra những hạt nhân văn nghệ xuất sắc như Bích Thủy, Văn Thạch, Như Hiển, Trần Thị Mến… Chính những hạt nhân đó đã bồi thắp thêm giá trị của chèo trong đời sống hiện đại để chèo không thể mất đi dẫu có gặp khó khăn, thử thách.

Đã từng được cộng tác với Bích Thủy, Văn Thạch… từ những năm 2000 để thực hiện các chương trình văn nghệ quần chúng, tôi biết chắc chắn một điều, họ là những người được sinh ra từ những gia đình có truyền thống về hát chèo. Bố mẹ đều là những người từng tham gia xây dựng chiếu chèo ở quê hương nên họ được ngấm chèo, truyền cảm hứng về chèo để hát và diễn. Không được đào tạo trong các trường nghệ thuật, nhưng tham gia vào các liên hoan nghệ thuật cấp tỉnh, cấp khu vực, thậm chí toàn quốc họ vẫn tự tin và tạo nên những giá trị cho riêng mình. Chị Bích Thủy năm nay cũng ngoài 40 tuổi, giọng hát vẫn ngọt ngào, đằm thắm, chị cũng từng trăn trở về sự tồn tại của chiếu chèo quê mình. Chị nói: Làm sao để các CLB này tồn tại, để chèo tiếp tục là phần hồn của đời sống nhân dân? Các địa phương nói chung, các CLB văn nghệ nói riêng phải xã hội hóa để tạo nguồn nuôi sống nó. Nói thật, người hát từ trước giờ chỉ quen hát, quen diễn, quen cống hiến chứ mấy ai quen đi xin xỏ này nọ đâu. Nếu làm thế như chạm lòng tự trọng của người ta, nên thôi thì bỏ tiền túi mua vui còn hơn. Bây giờ thay đổi cách nghĩ ấy không phải đơn giản đâu! Một vấn đề khác là làm gì để truyền cảm hứng chèo cho giới trẻ hôm nay. Chưa có một cách làm nào hay ở đây để thu hút giới trẻ vào CLB, vì những gì chúng đang quan tâm không phải là chèo mà là nhạc mới, sân khấu hiện đại, những show game truyền hình sôi động…

Nhưng người ở ngoài cuộc như tôi lại nhìn thấy một mạch sống nghệ thuật đang chảy trong đời sống hiện đại ở những xóm làng này khi những nông dân ở đây còn say đắm những làn điệu chèo lả lơi hay da diết. Họ dùng nó để ru ngủ những đứa trẻ mới ra đời, nuôi chúng lớn lên bằng những câu hát đậm màu dân dã ấy, để rồi từ ấy, chèo đi vào tâm hồn những đứa trẻ, lớn lên theo năm tháng. Nghệ sỹ Huy Toàn, nguyên Phó Trưởng đoàn Chèo Hà Nam từng về đây để dạy dân hát chèo nói như đinh đóng cột: "Lửa chèo trong lòng dân ở đây còn mạnh mẽ lắm! Không dễ gì tắt dù trước mắt có những khó khăn. Chính lòng nhiệt huyết và tình yêu của họ đã truyền cảm hứng cho tôi".

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy