Tổ chức “đám cưới vàng, bạc, kim cương”… sao cho ý nghĩa

Có rất nhiều lễ hội văn hóa của phương Tây đang du nhập vào Việt Nam như Valentine, lễ Giáng sinh, lễ hội Halloween… không chỉ giúp người Việt Nam thêm hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của các nước trên thế giới mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần. Đám cưới vàng, bạc, kim cương là một trong số đó.

Việc tổ chức nghi lễ có ý nghĩa đối với đời sống nhằm tôn vinh giá trị của gia đình, đề cao ý nghĩa của sự bền vững trong hôn nhân. Tuy nhiên, đám cưới vàng, bạc hay kim cương đã thực sự phản ánh đúng giá trị đời sống, khẳng định ý nghĩa của hôn nhân hay nó chỉ được coi là một nghi lễ mang tính kỷ niệm, nên được tổ chức vào các ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc để tăng tính cộng đồng, phát huy được giá trị của nó trong đời sống xã hội đương thời...

Hạnh phúc của người già, niềm vui của con cháu

Người già cảm thấy hạnh phúc khi được xã hội và gia đình quan tâm tổ chức lễ cưới vàng.

Cách đây gần chục năm, khi về xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên nghe các cụ cao tuổi thôn Nguyễn kể chuyện ở làng vừa tổ chức lễ cưới vàng, bạc, kim cương tập thể cho các cặp đôi người cao tuổi (NCT). Người khởi xướng chuyện này là ông Nguyễn Doãn Kai, một thầy giáo về hưu, gia đình thuộc hàng khá giả trong thôn, con cái khá thành đạt.

Gia đình ông Kai đã tài trợ toàn bộ chi phí để tổ chức một bữa tiệc mừng thọ, chúc mừng các cặp đôi NCT trong thôn đã chung sống hòa thuận, gắn bó với nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi 40 năm, 50 năm… Các cụ gọi đó là "đám cưới vàng, bạc tập thể", mang lại niềm vui cho các cụ, niềm tự hào cho con cháu và gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Tiếng tăm về đám cưới đó vượt ra khỏi làng Nguyễn, nhiều địa phương trong tỉnh biết đến, coi đó là câu chuyện văn hóa đáng biểu dương.

Đầu tháng 11 năm 2017, làng Phú Đa, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục cũng có một đám cưới vàng, bạc, kim cương tập thể với sự tham gia của 32 cặp đôi NCT.

Ông Nguyễn Đức Kiều, Chi hội trưởng Chi hội NCT thôn Phú Đa cho biết: Rất nhiều NCT trong thôn là cán bộ nghỉ hưu, con cái thoát ly, làm ăn khá giả, ra ngoài xã hội có nguyện vọng được tổ chức đám cưới vàng, bạc, kim cương cho cha mẹ mình nhằm động viên các cụ sống vui sống khỏe, khơi dậy truyền thống văn hóa gia đình… Chi hội NCT thôn được cử đứng ra tổ chức nghi lễ này, trong đó quy định mỗi cặp đôi NCT làm lễ cưới đóng 50.000 đồng góp vào chi phí tổ chức. Con cháu, họ hàng, ai có nhu cầu ăn với các cụ tại nhà văn hóa thôn nộp 100.000 đồng/người. Phương châm của bữa tiệc "vui là chính!".

Lần đầu tiên trong làng, trong xã có một đám cưới tập thể cho người già linh đình như thế, nhân dân cảm thấy phấn khởi. Con cháu các cụ ở trong Nam, ngoài Bắc đều tề tựu đông đủ, ăn mặc đẹp, sang trọng, chuẩn bị hoa tươi, quần áo truyền thống cho cha mẹ, ông bà và cả quà cáp chúc mừng. Cặp đôi NCT nhất đã gần 100, dìu nhau từng bước trên thảm đỏ đi vào nhà văn hóa thôn trong sự cổ vũ của dân làng, con cháu, họ hàng.

Ông Lã Tiến Lâm, NCT trong thôn chia sẻ: "Đây là một ngày vui, mang lại cho các cụ cao tuổi hạnh phúc không gì so sánh được. Khác với con cháu các cụ bây giờ, lễ cưới của họ trước đây quá đơn giản, nghèo nàn do hoàn cảnh xã hội. Có những cụ lấy vợ, lấy chồng từ lúc lên mười, không biết cưới là gì, chỉ biết về ở với  nhau, rồi gắn bó, nên vợ nên chồng. Có cụ phải cưới từ tờ mờ sáng, cô dâu chú rể không nhìn rõ mặt nhau, rồi thành vợ thành chồng, vượt qua bao khó khăn, sóng gió của cuộc sống. Phải nói nhiều cụ rất thiệt thòi! Tôi là người đã đưa ra ý tưởng này không chỉ nhằm mục đích tôn vinh giá trị cuộc sống hôn nhân mà còn tạo điều kiện cho các cụ sống lại những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời".

Khi nhìn thấy cha mẹ, ông bà mình hạnh phúc, con cháu cảm thấy tự hào, tin tưởng hơn vào cuộc sống hôn nhân. Nhiều người nhận ra, bản thân mỗi người có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào sự bền vững của hôn nhân.

Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Chứng kiến niềm vui của bố mẹ, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn hơn. Cuộc sống trước đây quá vất vả, các cụ thường lại sinh đẻ nhiều nên không ai sung sướng. Giờ con cháu thành đạt, mong các cụ có những giây phút nghỉ ngơi, dành cho nhau. Lễ cưới này đã làm cho họ trẻ lại, gắn bó với nhau nhiều hơn…".

Giới hạn của giá trị…

Hình ảnh đẹp, cảm động trong một lễ cưới kim cương tập thể.

Nghĩ là cưới vàng, bạc, kim cương sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình, con cháu, họ hàng, làng xóm, bạn bè, người thân nên giờ đây có khá nhiều gia đình muốn tổ chức lễ cưới này. Xu hướng phát triển nghi lễ này có chiều hướng tăng lên khi đời sống của người dân ngày một khá giả hơn.

Ông Chu Quang Kiều, Chủ tịch UBND xã Bối Cầu, huyện Bình Lục cho biết: Mặc dù trong các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư không nêu cụ thể lễ cưới vàng, bạc, hay kim cương được tổ chức và quản lý như thế nào, nhưng xét thấy nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân mong muốn được tổ chức lễ cưới để tôn vinh giá trị gia đình truyền thống, hâm nóng đời sống hôn nhân, nhắc nhở con cháu coi trọng giá trị gia đình, gìn giữ gia phong, chuẩn mực đạo đức truyền thống… nên xã đã đồng ý để NCT đứng lên tổ chức.

Nếu sau này, những thôn, làng khác có nhu cầu giống như thôn Phú Đa, chúng tôi sẽ có những quy định cụ thể hơn trên cơ sở thực hiện Văn bản số 244/HNCT - VP của Văn phòng Trung ương Hội NCT Việt Nam vừa mới ban hành về việc chụp ảnh, cấp bằng lễ cưới vàng, kim cương cho NCT.

Theo văn bản này, việc tổ chức kỷ niệm ngày cưới là nét đẹp, là quyền riêng tư của các cặp đôi, gia đình, dòng họ và là hình thức sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng. Hiện, một số hội cơ sở phối hợp với chính quyền tổ chức tôn vinh các cặp đôi có thời gian chung sống hạnh phúc là hoạt động có ý nghĩa nhân văn.

Tuy nhiên, đến nay do chưa có ý kiến của cơ quan chức năng về văn hóa nên Trung ương Hội không chỉ đạo và hướng dẫn việc tổ chức cưới vàng, cưới kim cương, không cấp "Bằng công nhận và tôn vinh lễ cưới kim cương", "Bằng công nhận và tôn vinh lễ cưới vàng" cho các cặp vợ chồng có nhiều năm chung sống… Việc tổ chức kỷ niệm ngày cưới của những cặp đôi hạnh phúc do gia đình, địa phương quyết định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở VH-TT và DL cho rằng: Việt Nam chúng ta đã có một ngày dành để tôn vinh là Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm, chúng ta còn có Ngày Thế giới Hạnh phúc 20/3, để gắn với hoạt động  kỷ niệm ngày cưới của các cặp đôi NCT, tôi cho rằng nên tổ chức vào những dịp này. Làm thế, không những chỉ nâng cao ý nghĩa của hôn nhân, của sự bền chặt tình vợ nghĩa chồng mà người Việt chúng ta luôn coi trọng và còn có điều kiện được thể hiện. Thêm nữa, vấn đề giáo dục giới trẻ về hạnh phúc gia đình, truyền thống  gia đình Việt, các giá trị đạo đức trong hôn nhân… sẽ có sức lan tỏa hơn. Thông qua đó, hoạt động kỷ niệm ngày cưới của các cặp đôi NCT có tác động tích cực tới phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy