Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, thể thao của nhân dân trên địa bàn dân cư; đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Thiết chế văn hóa, thể thao đồng thời còn là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường và hướng dẫn thực hành văn hóa, thể thao góp phần nâng cao dân trí, thể chất con người, ươm mầm cho những sáng tạo có chất lượng cao về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; là nơi giao lưu - tiếp biến và quảng bá những giá trị văn hóa giữa các địa phương… Vì vậy, làm thế nào để phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phù hợp với từng giai đoạn phát triển, luôn là vấn đề quan tâm, trăn trở không chỉ riêng đối với ngành văn hóa.

Hiện, toàn tỉnh đã có 100% số xã (83/83 xã) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 19 xã đạt NTM kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện (6/6 huyện, thành phố, thị xã) đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Theo đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng đã được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tinh thần của nhân dân. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới đưa vào sử dụng 4 nhà văn hóa (NVH) và sân thể thao xã, 11 NVH thôn.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), đến thời điểm này, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh cơ bản được đầu tư đồng bộ, hiện đại, bao gồm: 1 NVH Trung tâm  tỉnh, 1 Bảo tàng tỉnh, 1 Thư viện tỉnh, 1 sân vận động, 1 Nhà thi đấu Thể dục thể thao (TDTT), 1 nhà tập đa năng; 6/6 đơn vị huyện, thành phố, thị xã thành lập Trung tâm VH-TT, trong đó có 3 đơn vị có NVH được xây dựng độc lập (Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng); 4/6 đơn vị có 1 sân vận động tập trung bảo đảm các điều kiện theo quy định (Phủ Lý, Thanh Liêm, Lý Nhân, Kim Bảng); 2/6 đơn vị có từ 1-3 sân vận động tập trung (Bình Lục, Duy Tiên); 6/6 thư viện cấp huyện; 92/109 xã, phường, thị trấn có NVH độc lập; 88/109 xã, phường, thị trấn có từ 1-3 sân vận động tập trung bảo đảm điều kiện tổ chức hoạt động TDTT của địa phương. Đặc biệt, sau khi thực hiện đề án sáp nhập đơn vị hành chính, tỉnh Hà Nam hiện có 686 thôn, tổ phố, 100% các thôn, tổ phố đều có NVH, nơi sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp NVH thôn, tổ phố bảo đảm điều kiện sinh hoạt hội họp và tổ chức các hoạt động theo quy mô dân số, ngày 6/12/2019, HĐND tỉnh Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng đối với NVH thôn, tổ phố sau sáp nhập theo các mức cụ thể (xây mới mức hỗ trợ 200 triệu đồng đối với NVH từ 250 chỗ ngồi trở lên, 160 triệu đồng đối với NVH từ 200 chỗ ngồi trở lên, 140 triệu đồng đối với NVH từ 100 chỗ ngồi trở lên; cải tạo, sửa chữa, mở rộng mức hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ xây mới, tương ứng với từng quy mô chỗ ngồi...).

Giao lưu thể thao - sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong các cơ quan, đơn vị ở Bình Lục.

Theo đó, các hoạt động văn hóa, thể thao tại các địa phương ngày càng được quan tâm phát triển cả về số lượng, chất lượng, công tác văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM và đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng, hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định: Trên cơ sở xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, các địa phương đã tiến hành rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách để tạo nguồn lực trong việc đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao; đồng thời, chủ động huy động các nguồn lực để hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tập luyện và tham gia các hoạt động TDTT, văn hóa văn nghệ để sử dụng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở... Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư vì thế đã có bước chuyển mạnh về chất.

Tuy nhiên, cũng theo ông Ngô Thanh Tuân, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện thiết chế văn hoá cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn không ít khó khăn, ảnh hưởng đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa ở các địa phương. Nguyên nhân được lý giải là do: Sau khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, hầu hết các NVH được lựa chọn làm nơi sinh hoạt cộng đồng đều chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân: thiếu chỗ ngồi, diện tích nhỏ, quy mô xây dựng không còn khả năng mở rộng. Việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở còn gặp nhiều khó khăn... Kinh phí xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn hạn chế; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở chưa đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc phát huy hiệu quả của thiết chế văn hóa, thể thao. Các trang thiết bị trong nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm nên không đồng bộ, chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu hoạt động, ảnh hưởng việc tổ chức và duy trì các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở. Công tác xã hội hóa xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa huy động được nhiều nguồn lực tham gia.

Vì vậy, thời gian tới, để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức đối với phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các địa phương cần phối hợp với ngành chức năng quan tâm đến công tác tổ chức, xây dựng mô hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian để duy trì hoạt động, sinh hoạt tại các thiết chế. Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ hướng dẫn hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa... Có như vậy, mới thực sự phát huy được hiệu quả các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở; góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy