Nữ biệt động Sài Gòn kể chuyện trận Mậu Thân

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu với các nữ biệt động Sài Gòn để ôn lại kỷ niệm một thời.

Bà Đặng Thị Thiệp (giữa) kể lại câu chuyện giấu vũ khí chuẩn bị cho trận Mậu Thân 1968 - Ảnh: L.Điền

Cả 11 người nữ anh hùng bước ra từ chiến trận Mậu Thân đến nay vẫn còn nhớ như in những ngày hoạt động vào sinh ra tử trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.

Họ xuất thân từ nhiều nhiệm vụ của chiến trường Mậu Thân lúc bấy giờ: là cơ sở mật, cất giấu vũ khí - tài liệu và cán bộ nội tuyến trong lòng địch; những cán bộ giao liên dẫn đường, trinh sát; những nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Nhìn những nếp nhăn trên da mặt, nghe những lời kể thiết tha, hào hứng và có cả chút ngậm ngùi, day dứt của những cụ bà bước vào tuổi cổ lai hi, những người trẻ hôm nay liệu có hình dung vào thời thanh xuân giữa Sài Gòn đô hội, những người con gái ấy đã hoạt động bí mật để làm nên lực lượng "biệt động Sài Gòn" chấn động thế giới thế nào. 

Cuộc giao lưu mang phong vị của một buổi tâm tình, từ đó nhiều tâm sự riêng được giãi bày, nhiều thắng thua được lý giải từ cái nhìn thật gần của người trong cuộc...

Như câu chuyện của bà Đặng Thị Thiệp và chồng là anh hùng Trần Văn Lai đã nhận nhiệm vụ mua nhà ở đường Trần Quý Cáp, ngay trung tâm Sài Gòn từ năm 1965 và đào hầm trong chính căn nhà ấy để chứa vũ khí. 

"Tổng cộng có tám chuyến vũ khí được chở đến để ở hầm nhà tôi. Sau Mậu Thân, tôi không bao giờ đến căn nhà này nữa" - bà Thiệp kể.

Trường hợp bà Phan Thị Thúy càng đặc biệt hơn: có chị lớn đi tập kết ra Bắc từ năm 1954, cha và 4 chị em bà còn lại đều tham gia chiến dịch Mậu Thân. 

Lúc bấy giờ, bà Thúy đã có chồng và hai con nhỏ, vậy mà nhận nhiệm vụ từ người cha, bà "ra riêng" đến ở tại ngôi nhà do cha xây dựng nhằm chứa vũ khí chuẩn bị cho Mậu Thân. 

"Lúc đó tôi không suy nghĩ gì, nhưng sau này nghĩ lại mới thấy cả nhà mình đã sống trên đống lửa suốt mấy năm" - bà nói nhẹ như không nhưng sau chiến dịch Mậu Thân, bản thân bà và gia đình phải gánh chịu hậu quả mới thật đoạn trường: cha bà bị thủ tiêu, bà bị địch bắt giam ở Thủ Đức rồi đày đi Côn Đảo, mãi đến sau năm 1975 mới được về đoàn tụ gia đình.

Còn có nhiều chứng nhân nữa, như bà Lại Thị Kim Túy chứng kiến 38 người trong số 41 đồng chí của mình ngã xuống tại Phú Thọ Hòa trong trận Mậu Thân. 

"Từ đó đến giờ, năm nào tôi cũng về giỗ các anh, tiếp tục tìm kiếm những đồng chí chưa tìm được thi thể" - bà Túy kể. Hay như bà Nguyễn Thị Mai quê gốc Quảng Nam, từng hoạt động nội thành, bị bắt ba lần, tham gia Mậu Thân suốt hai đợt, được đồng chí Tư Chu ví von là "con thoi sắt bay bổng khắp thành phố". 

Hòa bình lập lại, bà làm lụng nuôi con học đến đại học, thành tài, là một tấm gương phụ nữ bước ra từ cuộc chiến có được cuộc sống yên hàn...

Hoa hậu H’Hen Niê và nhà thiết kế Nhật Dũng trong bộ áo dài tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - Ảnh: L.Điền

Tại buổi giao lưu, tân hoa hậu hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê đã đến dự trong bộ áo dài quốc phục của nhà thiết kế Nhật Dũng tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Cùng lúc, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng khai mạc triển lãm chuyên đề "Phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Nam Bộ trong Mậu Thân 1968", giới thiệu một loạt hiện vật, tư liệu, sách, báo, vật dụng của các chiến sĩ, nữ biệt động, các bà mẹ Sài Gòn... đã hiện diện trong đợt tổng tiến công Mậu Thân cách nay tròn 50 năm.

Theo tuoitre.vn

Quyết Thành

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy