Những điểm nhấn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch

Năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Thể dục, Thể thao với Sở Văn hóa - Thông tin (sau khi bàn giao chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản về Sở Thông tin và Truyền thông) và tiếp nhận chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Thương mại và Du lịch; chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về gia đình từ Ủy ban Dân số

Thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về VH, TT&DL và gia đình, 10 năm qua, với một Sở quản lý đa lĩnh vực nhưng với sự đoàn kết, thống nhất và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành đã thúc đẩy sự nghiệp VH,TT&DL của tỉnh có nhiều điểm nhấn.

Du lịch Hà Nam đã có nhiều khởi sắc.

Điểm nhấn quan trọng và đầu tiên ngành làm được đó là triển khai và đẩy mạnh các phong trào xây dựng các danh hiệu văn hóa nhằm cụ thể hóa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Phong trào xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa diễn ra sôi nổi, rộng khắp thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân. Gắn với những phong trào này, Sở VH,TT&DL đã tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ khi các thôn, xóm, tổ phố xây dựng nhà văn hóa đã làm cho phong trào ngày càng phát triển.

Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 88,38% gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa; 89,6% thôn, làng, tổ phố đạt danh hiệu văn hóa; toàn tỉnh có 66/116 nhà văn hóa xã; 1.135/1.234 thôn, làng, tổ phố có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng.

Trong 10 năm qua, về lĩnh vực văn hóa, Sở cũng đã tham mưu với UBND tỉnh phục dựng lại 2 lễ hội quan trọng là Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn và Lễ Phát lương đền Trần Thương tạo thành "thương hiệu" cho du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh vào đầu xuân hằng năm.

Những dấu tích văn hóa, những mỹ tục đẹp dần được quan tâm, phục hồi, tu bổ và được công nhận như: Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh chùa Long Đọi Sơn được công nhận là Bảo vật quốc gia, đền Trần Thương và chùa Long Đọi Sơn được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; nhiều di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: Lễ hội đền Trần Thương, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ hội đền Lảnh Giang và Hội vật võ Liễu Đôi.      

Trong lĩnh vực TDTT, thực hiện phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", phong trào tập luyện TDTT quần chúng được phát triển mạnh mẽ. Hầu như thôn, xóm, tổ phố nào cũng có ít nhất một điểm tập luyện TDTT. Công tác xã hội hóa lĩnh vực TDTT cũng nhận được sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức và các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần giúp nhiều giải thể thao được tổ chức và duy trì.

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 29,9% dân số, 23,7% gia đình tập thể thao thường xuyên. Với thể thao thành tích cao, các môn mũi nhọn vẫn được duy trì, trong đó nổi bật nhất là bóng đá nữ, vật tự do nữ, điền kinh và bơi lặn. Đội Bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam ghi dấu ấn của thể thao thành tích cao Hà Nam nhiều năm qua. Nhiều cầu thủ của đội bóng là trụ cột của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia tham gia thi đấu đạt nhiều thành tích cao tại các giải khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Cùng với đó, là sự đầu tư về cơ sở vật chất: sân vận động, nhà thi đấu đa năng, là cơ sở để Sở VH,TT&DL tham mưu với tỉnh đăng cai tổ chức thành công nhiều giải thể thao quốc tế như: Giải bóng chuyền vô địch các câu lạc bộ nữ châu Á năm 2015, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cúp năm 2016. Tháng 5 tới đây, tỉnh tiếp tục đăng cai tổ chức Giải bóng chuyền nam quốc tế Lienviet Postbank...

Sân vận động tỉnh nhiều năm qua là sân đấu của hầu hết các giải bóng đá nữ vô địch quốc gia. Việc đăng cai tổ chức các giải thể thao đã nâng cao vị thế của thể thao Hà Nam, góp phần quảng bá hình ảnh về đất, con người Hà Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Lĩnh vực du lịch thời kỳ đầu sáp nhập về Sở với cơ sở hạ tầng nghèo nàn, kém phát triển, nguồn nhân lực hạn chế, doanh thu du lịch không đáng kể. Song với tinh thần và trách nhiệm cao, Sở đã tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển sự nghiệp du lịch.

Đến nay, hoạt động du lịch đã có bước phát triển mạnh cả về hạ tầng và dịch vụ. Nhiều quy hoạch, dự án hạ tầng du lịch được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc là một trong các khu du lịch trọng điểm quốc gia đang được đầu tư hạ tầng và các khu chức năng. Đây sẽ là điểm nhấn, bước đột phá quan trọng tạo đà cho du lịch Hà Nam phát triển trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Hiện tại, Sở đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch tổng thể Khu du lịch Tam Chúc đến năm 2030 trình các cấp phê duyệt.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy