kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Vui hội làng Nguyễn Trung

Vui hội làng Nguyễn Trung

Đã thành lệ, hằng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) tại ngôi đình đá cổ kính, linh thiêng, làng Nguyễn Trung, xã Liêm Phong (Thanh Liêm) lại tưng bừng mở hội.

Sau mấy năm gián đoạn không tổ chức do dịch bệnh Covid-19, năm mới Qúy Mão 2023 đúng năm làng Nguyễn Trung mở hội lớn. Không chỉ là dịp để người dân ôn lại truyền thống của quê hương, tưởng nhớ và biết ơn công lao giúp dân, giúp nước của Thành hoàng làng, mở dịp đầu Xuân năm mới, hội làng tạo không khí vui tươi, phấn khởi, là động lực tinh thần quan trọng động viên mọi người thêm nỗ lực, quyết tâm thi đua học tập, lao động sản xuất… góp phần xây dựng và đổi mới quê hương.

Vui hội làng Nguyễn Trung
Đình đá Nguyễn Trung, nơi diễn ra lễ hội đầu năm.

Nói về hội làng, cụ Nguyễn Trí Lai, 81 tuổi, cười cho biết: Đình đá Nguyễn Trung thờ tướng quân Đinh Lôi, người con của quê hương, là vị tướng tài ba thời Lý Bí. Tướng quân Đinh Lôi góp nhiều công lớn trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Lương, bảo vệ quê hương, đất nước. Để ghi nhớ và tỏ lòng biết ơn đối với tướng quân Đinh Lôi, khi ngài mất, người dân Nguyễn Trung đã lập đền thờ và mở hội đúng vào ngày sinh của Ngài - ngày mùng 10 tháng Giêng. Đặc biệt, tại lễ hội, tục giao hiếu với làng Hòa Ngãi, xã Thanh Hà, Thanh Liêm (là quê mẹ của tướng quân Đinh Lôi, nơi cũng thờ tướng quân Đinh Lôi) - thể hiện mối kết giao nghĩa tình, gắn bó, lâu dài, bền chặt, thủy chung… giữa hai làng được gìn giữ và phát huy.

Tiếp lời cụ Lai, ông Nguyễn Hữu Đích, Trưởng ban các cụ bô lão của làng nói: Năm nào cũng vậy, vào thời khắc giao thừa chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, ông chủ tế của đình (được hội bô lão trong làng lựa chọn - là người cao tuổi, khỏe mạnh, minh mẫn, có uy tín với dân làng, gia đình thuận hòa trên dưới, còn đủ cả cụ ông và cụ bà, con cháu có đủ cả nam lẫn nữ) là người đầu tiên vào xông đình, đánh trống mừng năm mới, mừng Xuân mới. Sau hồi trống khai Xuân, các gia đình trong làng lần lượt vào đình lễ thánh cầu an, cầu sức khỏe, cầu thuận hòa, cầu may mắn… Sáng ngày mùng một, tầm 6 giờ đội tế chính thức tế lễ đầu năm mới, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng xóm bình yên, dân làng khỏe mạnh…

Tiếp nối những ngày Tết tươi vui, phấn khởi, ngày mùng 10 tháng Giêng làng Nguyễn Trung tưng bừng mở hội. Để lễ hội diễn ra trang trọng, đúng theo các nghi lễ đã quy định, từ sáng ngày mùng 9 các cụ trong hội bô lão lên đình hoàn tất các khâu chuẩn bị. Cũng trong ngày mùng 9, đại diện các cụ trong hội bô lão sắm lễ ra đình Đốm (nơi sinh của Đức Thánh) làm lễ cáo yết (xin mở hội).

Tối ngày mùng 9, làng Nguyễn Trung tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ ngay tại sân đình. Các tiết mục do đội văn nghệ của 2 thôn: Nguyễn Trung và Hòa Ngãi chuẩn bị, luyện tập, khớp nối và tổ chức biểu diễu. Với chủ đề chính: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi sự đổi thay của quê hương trong quá trình xây dựng nông thôn mới… tất cả tiết mục do các diễn viên, ca sĩ không chuyên biểu diễn đều nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người xem.

Sáng ngày mùng 10, từ rất sớm, đông đảo người dân tập trung ở quanh sân đình chuẩn bị lễ rước. Đi đầu là đội múa sư tử, vừa múa vừa dẹp đường. Tiếp đến là đội cờ, đội chấp kích, đội nhạc, đội rước ngựa gỗ, rồi đến kiệu hoa (do 6 người khiêng), kiệu long đình và kiệu bát cống (đều do 8 người khiêng)… Theo sau là dân làng nối nhau thành hàng dài trong không khí ngày Xuân vui vẻ, hân hoan và náo nhiệt.

Lễ rước bắt đầu từ đình đá, qua nơi thờ chỉ, tới đình Đốm. Sau khi thực hiện nghi lễ tâm linh tắm rửa cho Đức Thánh, đội tế bắt đầu thực hiện các nghi lễ tế Thánh hết sức trang trọng. Đội tế gồm 9 người: Một ông chủ tế, hai ông phó hiến (phục vụ chủ tế), hai ông dẫn đèn, hai ông dẫn lễ (đọc văn tế), một ông thông sướng (người điều hành), một ông họa hương (người thu lệnh). Lễ tế diễn ra kính cẩn và trang nghiêm trước sự chứng kiến của đông đảo người dân trong làng. Sau lễ tế, mọi người lại tổ chức rước kiệu trở về đình đá. Chiều đến, các cụ bô lão làm lễ yên vị, chính thức kết thúc lễ hội.

Vui hội làng Nguyễn Trung
Một góc làng Nguyễn Trung.

Về tục giao hiếu giữa Nguyễn Trung và Hòa Ngãi, cụ Lai chia sẻ thêm: Chính xác tục giao hiếu giữa hai thôn Hòa Ngãi – Nguyễn Trung có từ bao giờ các cụ cao niên trong làng cũng không ai biết. Chỉ biết, bao năm qua, đời trước truyền cho đời sau, tục giao hiếu luôn được người dân hai thôn coi trọng và gìn giữ. Do chiến tranh, loạn lạc, một thời gian dài tục giao hiếu giữa Hòa Ngãi và Nguyễn Trung bị gián đoạn. Từ năm 1995, với quyết tâm duy trì lại mối kết nghĩa thân tình xưa, tục giao hiếu được người dân hai thôn khôi phục, duy trì và phát huy đến ngày nay. Kết nghĩa giao hiếu, để tỏ lòng tôn trọng, người dân cả hai thôn từ người già, đến trẻ nhỏ đều gọi nhau là bác, xưng em. Người Nguyễn Trung đến Hòa Ngãi, hay người Hòa Ngãi đến Nguyễn Trung đều được đón tiếp trọng thị, chân thành. Vào ngày hội lớn, từ sáng sớm người dân Nguyễn Trung đã xếp thành hàng dài từ đầu cổng để đón bác Hòa Ngãi, khi tan hội thì lưu luyến chia tay.

Đồng chí Bùi Tiến Bộ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Trung cho biết: Theo các cụ xưa truyền lại, trước kia, lễ hội và tục giao hiếu giữa hai làng được tổ chức liên tục, năm Nguyễn Trung, năm bác Hòa Ngãi. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, theo quy ước mới, cứ 5 năm Nguyễn Trung mở hội lớn một lần, mời bác Hòa Ngãi tham dự lễ hội, vui văn nghệ và liên hoan bữa cơm thân mật. Năm Quý Mão 2023 đúng năm Nguyễn Trung sẽ mở hội lớn. Để lễ hội diễn ra trang trọng, tươi vui, phấn khởi, tạo sự gắn kết giữa người dân hai thôn, trước lễ hội Nguyễn Trung sẽ họp toàn thôn để tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay, góp sức trong các khâu tổ chức, đón tiếp khách… khi lễ hội diễn ra. Đồng thời, thống nhất cử ra các tiểu ban để phục vụ lễ hội. Về chương trình văn nghệ, thôn giao cho đội văn nghệ Nguyễn Trung phối hợp cùng đội văn nghệ thôn Hòa Ngãi lo luyện tập chu đáo các tiết mục để biểu diễn tối ngày mùng 9. Ngày mùng 10 sau lễ rước Thánh sẽ liên hoan mặn giữa người dân hai làng. 

Năm nào cũng vậy, Tết đến Xuân về, người dân làng Nguyễn Trung lại háo hức, mong chờ đến ngày mùng 10 tháng Giêng – ngày làng mở hội truyền thống. Không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng… hội làng Nguyễn Trung còn góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương trong thời kỳ đổi mới.

                                                 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy