Về lễ hội kỳ phúc làng An Hòa xem "kiệu quay"

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, tất cả nhân dân làng An Hòa, xã Thanh Hà (Thanh Liêm) cùng du khách thập phương lại tề tựu về dự lễ hội kỳ phúc truyền thống đình làng An Hòa.

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cầu Thành hoàng làng phù hộ cho dân làng một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Đông đảo người dân xem kiệu quay tại hội đình làng An Hòa năm 2017.

Do nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đình làng An Hòa xuống cấp trầm trọng. Để bảo tồn, gìn giữ nét đẹp Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, năm 2012, Nhà nước đã hỗ trợ trùng tu toàn bộ đình và khuôn viên, trong đó, xây dựng mới hậu cung, công trình phụ, sân, tả vu, hữu vu… Đình An Hòa thờ hoàng tử Linh Lang và phò mã Kiều Đức Mậu thời Lý. Tương truyền, trên đường đi đánh giặc phương Nam, Linh Lang đã dừng lại vùng An Hòa để chiêu mộ binh sĩ. Trong số trai tráng tình nguyện đi theo, Kiều Đức Mậu được phong làm tướng.

Theo người dân địa phương, khu đất hình con rùa ở đây chính là nơi mà trước đây hoàng tử Linh Lang đã đóng quân, lập đồn và huấn luyện quân sĩ. Vì vậy, khi hoàng tử Linh Lang mất, dân đã chọn nơi đây để lập đền thờ. Vị thần được thờ cùng Linh Lang là Kiều Đức Mậu. Sau khi cùng Linh Lang đánh thắng giặc phương Nam, ông được vua Lý Thái Tông chọn làm phò mã. Bởi mến cảnh vùng này nên ông cho lập cung ở đây, lại cung cấp tiền của để chiêu dân lập ấp. Do có nhiều công đức với nước, với dân, hai vị được dân làng An Hòa phụng thờ làm Thành hoàng làng.

Đắm mình trong không khí rộn ràng của hội làng sau nhiều năm xa quê, ông Nguyễn Hữu Lai, 82 tuổi không giấu nổi xúc động. Ông Lai cho biết: Dù đã đi rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tham dự cũng không ít lễ hội, song về với hội làng mình, cảm xúc trong tôi thật đặc biệt. Cả buổi sáng tôi được chứng kiến "thánh ngự" cùng vui chung với con cháu, nhà nhà nô nức đến dâng lễ vật, buổi chiều diễn ra các trò chơi dân gian, tạo nên một không khí vô cùng vui nhộn, để lại một ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách. Nhìn dân làng ăn nên làm ra, đời sống ngày càng được nâng cao, những nét đẹp văn hóa truyền thống được trân trọng, gìn giữ và bảo tồn quả là không còn gì vui hơn.

"Thánh ngự" là cách mà dân làng gọi hiện tượng kiệu quay. Đây là điều được chờ đợi nhất trong hội đình làng An Hòa mỗi năm. Chính bởi sự hiếu kỳ mà họ tìm về đây để được "mục sở thị". Khi hòa mình cùng dòng người chạy theo chiếc kiệu mỗi lúc xoay chuyển, ai nấy đều tỏ rõ niềm vui xen lẫn sự ngạc nhiên. Đó thực sự là điều kỳ diệu đậm chất tâm linh. Trong trang phục truyền thống, những cô gái và những chàng trai đã phải rất vất vả mới có thể giữ thăng bằng khi kiệu xoay theo một lộ trình đầy ngẫu hứng và không hề được báo trước. Dù biết đi rước sẽ rất mệt, nhưng những ai được chọn đều cảm thấy may mắn và tự hào.

Để có một lễ hội thành công nhất, năm nào cũng vậy, công tác chuẩn bị được ban tổ chức đặc biệt chú trọng. Theo đó, 9 tiểu ban được thành lập chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể như tế, tiếp nhận tiền công đức, hậu cần, lễ tân, y tế, an ninh… Toàn bộ phần tế, lễ do các cụ cao niên đảm nhận được tổ chức trang trọng tại đình và đền An Hòa. Ngay từ sáng mùng 9, phần lễ được diễn ra trang trọng với nghi thức tế mộc dục. Sáng ngày chính hội là nghi thức tế phụng nghinh, sau đó là rước thánh từ đình ra đền rồi tế nhập tịch và tế yên vị khi rước thánh từ đền trở lại đình. Mặc dù đã thành thục với các bài tế nhưng mỗi khi nghe trống giục, chuông ngân, các cụ cao niên tham gia lễ yết vẫn cảm thấy bồi hồi, xúc động. Còn với thế hệ trẻ, khi được chứng kiến những nghi thức tế, lễ đặc sắc đã giúp họ hiểu hơn về cội nguồn, từ đó nỗ lực sống, học tập, lao động tốt hơn để làm rạng danh quê hương.

Trong khi nhiều lễ hội đang tồn tại những bất cập thì trải qua nhiều thập kỷ, lễ hội truyền thống đình làng An Hòa vẫn giữ nguyên được bản sắc. Cứ đến 10/3 âm lịch là cả trăm, cả nghìn người con An Hòa cùng tề tựu về đây để tham dự sự kiện quan trọng bậc nhất trong năm. Lễ hội làng An Hòa là niềm tự hào của các cụ cao niên được động viên sống đại thọ; là nơi tôn vinh những người con quê hương có nhiều đóng góp rạng danh dòng họ; là nơi động viên, khích lệ tinh thần hiếu học; là nơi vinh danh những giá trị truyền thống tốt đẹp. Qua lễ hội nhằm giáo dục cho lớp trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống, lịch sử của quê hương. Phát huy truyền thống của ông cha, bao thế hệ dân làng An Hòa không ngừng nỗ lực gìn giữ, phát triển làng nghề thêu ren truyền thống, con cháu chăm chỉ học hành.

Nếu như phần lễ mang đậm nét tâm linh để các thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn, tri ân các bậc tiền bối trong dựng xây đất nước thì phần hội diễn ra sôi nổi, hào hứng với những trò chơi đặc sắc. Kế thừa kinh nghiệm của những mùa lễ hội trước, năm nay, ban tổ chức tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi với các trò chơi dân gian đặc trưng của làng quê Việt như chọi gà, bắt vịt, ném bóng và thi đấu bóng chuyền hơi… Tiếng trống hội rộn ràng, tiếng reo hò, cười nói rôm rả của bà con như hòa quyện, đan xen được ghi lại trong tâm khảm mỗi người, để vui, để nhớ, và để đi về…

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy