Về làng Gừa vui hội cướp cầu đầu năm

Năm nào cũng vậy, sáng mùng 4 Tết Nguyên đán, đình làng Gừa, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm) lại tưng bừng mở hội. Ngoài phần lễ Thánh kính cẩn và trang nghiêm, phần hội với tục cướp cầu và võ vật truyền thống nhận được sự quan tâm, cổ vũ đặc biệt của người dân.

Theo Ngọc phả còn lưu giữ tại đình làng Gừa, xưa ở xã Đông Ngàn, phủ Từ Sơn có ông Trương Công Cán rời bỏ quê hương đi lánh nạn tại thôn Ninh, xã Yên Cừ, huyện Thanh Liêm. Được địa phương giúp đỡ, ông dựng một ngôi nhà nhỏ ở gần khu miếu, ngày ngày phát cây trồng trọt nuôi thân. Biết ở làng Sông bên cạnh có cụ đồ họ Đỗ, ông Trương bèn đến xin học.

Là người thông minh, học giỏi ông Trương được cụ đồ yêu quý gả con gái là Kim Lang cho. Vợ chồng ông Trương sinh được hai người con trai là Trương Viết Nguyên, Trương Viết Các; hai cô con gái là Trương Thị Viện và Trương Thị Hảo. Trương Viết Nguyên sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Nhâm Tuất có dáng người khôi ngô, tuấn tú. Lớn lên, Trương Viết Nguyên là người đàn ông khỏe mạnh, có phong độ, khí chất, văn võ toàn tài...

Sới vật trước sân đình là nơi các đô vật biểu diễn, thi tài đầu năm.

Hồi bấy giờ, đất nước loạn 12 sứ quân làm cho nhân dân lầm than, đói khổ. Trước cảnh nước nhà chìm trong binh đao, loạn lạc, Trương Viết Nguyên xin phép cha mẹ lên đường vào Hoa Lư giúp Đinh Bộ Lĩnh cùng lo dẹp loạn. Đất nước thống nhất, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đồng thời khao thưởng, phong chức cho các tướng sĩ có công.

Không màng danh lợi, Trương Viết Nguyên xin vua trở lại quê hương để phụng dưỡng bố mẹ già. Cảm kích trước tấm lòng hiếu nghĩa của ông, vua Đinh ban cho ông 15 lạng vàng để về quê. Về đến xã An Cừ, biết cha mẹ đã "về già" Trương Viết Nguyên lo xây đắp phần mộ, sửa sang nơi thờ cúng rồi mở tiệc khoản đãi để cảm tạ bà con.

Tương truyền, từ Hoa Lư về quê, Trương Viết Nguyên có mang theo một quả cầu bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Quả cầu ấy là vật dụng để ông tập rèn binh sĩ. Trở về quê hương, ông dạy nhân dân cách chơi cướp cầu để rèn sức khỏe, sự tinh anh, linh hoạt… Khi ông mất, nhân dân vô cùng thiêng tiếc, tổ chức mai táng trọng thể, tôn là Thành hoàng làng, lập đền thờ ngay trên khu đất ông ở. Theo truyền thuyết truyền lại, mộ của ông ở ngay chính giữa ngôi đình làng Gừa hiện nay. Trò chơi cướp cầu là tục đẹp không thể thiếu trong hội làng đầu năm để tưởng nhớ và tế lễ ông.

Trò chuyện với chúng tôi về hội làng, anh Nguyễn Sĩ Huấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Gừa chia sẻ: Năm nào cũng vậy, ngày mùng 4 Tết Nguyên đán sân đình làng Gừa chật kín người. Người làng, người xa quê, khách thập phương tụ về dự hội, lễ Thánh cầu may rất đông. Ngày trước, phần hội rất đa dạng với các trò chơi: đánh đu, bắt vịt, chém mía… nay chỉ còn duy trì được tục cướp cầu và võ vật. Thế hệ chúng tôi được nghe các cụ cao niên trong làng truyền lại rằng, quả cầu được bảo quản, giữ gìn cẩn thận trong đình hiện nay chính là quả cầu cụ Trương Viết Nguyên mang từ Hoa Lư về.

Quả cầu được làm bằng gỗ quý, hình cầu, to hơn bát ăn cơm một chút. Trước kia, quả cầu được sơn son thếp vàng, vẽ trang trí rồng mây trên bề mặt. Trải qua hơn nghìn năm, hiện nhiều chỗ trên quả cầu đã bị long sơn, tróc lở, các hoa văn họa tiết không còn rõ nét nhưng phần gỗ không hề bị mối mọt. Hằng năm, đến ngày lễ hội, quả cầu được các cụ trong làng rước từ hậu cung ra hương án trước sân đình làm lễ thánh rồi tổ chức giao cầu, cướp cầu khai hội. Bao năm qua, người dân làng Gừa luôn coi quả cầu là vật thiêng duy nhất của làng còn tồn tại đến ngày nay.

Quả cầu hơn nghìn năm tuổi - vật thiêng của làng Gừa.

Nói về tục cướp cầu đầu năm, cụ Nguyễn Đăng Nhớ,  Phó Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Gừa cho biết: Ngày mùng 4 Tết hội làng mới bắt đầu nhưng từ đêm mùng 3 các cụ trong đội tế lễ của làng chỉnh trang khăn xếp, áo the ra đình tế lễ. Ngoài cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa… các cụ kính cẩn xin thánh rước quả cầu từ hậu cung ra hương án đặt trước cửa đình. Chiều ngày mùng 4, hai đội chơi (là những thanh niên khỏe mạnh, chưa vợ trong làng) xếp thành hai hàng đứng tôn nghiêm trước hương án. Trên hương án có đặt sẵn quả cầu ở giữa lòng một cái đĩa. Khi ông thầy làng (người điều hành cuộc chơi) chỉnh tề trong áo the, khăn xếp đứng trước hương án xướng to:

“Quả cầu làng ta

Nhân đa vật thịnh

Ngoài đồng tốt lúa

Trong làng tốt cau

Nào anh em ta đâu?

Ra đây chơi cướp cầu…í a.”

Rất tập trung, khi nghe xong 6 câu dự lệnh trong bài lễ thượng hương giao cầu truyền thống, đến từ "í a" là động lệnh lập tức người chơi của hai đội chạy lên cướp cầu. Đội nào nhanh hơn, khỏe hơn, khéo léo hơn, tài trí mưu lược hơn trong cướp cầu, chuyền cầu rồi chạy đủ 3 vòng quanh đình, sau đó nhẹ nhàng đặt lại quả cầu vào lòng chiếc đĩa ở giữa hương án với thái độ thành kính, tôn nghiêm đội đó giành chiến thắng. Việc tranh cướp cầu không quy định thời gian. Theo quan niệm của người dân, ai động tay được vào quả cầu sẽ có một năm mới nhiều may mắn, thuận lợi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước kia người chơi cướp cầu thường cởi trần, đóng khố, đội thắt khăn xanh, đội thắt khăn đỏ ngang lưng. Ngày nay, hai đội chơi cởi trần, mặc quần đùi, trên đầu, ngang lưng đều chít và thắt khăn màu đỏ. Do ăn mặc giống nhau đòi hỏi người chơi phải có trí nhớ tốt, khi chuyền cầu phải nhanh tay, nhanh mắt mới tránh được nhầm lẫn. Trước kia, đội nào thắng sẽ được vào hồi trống tế Thánh khai hội. Lệ làng ngày ấy quy định rất khắt khe, bước sang năm mới, mọi việc của làng chỉ được bắt đầu khi tiếng trống tế Thánh khai hội vang lên. Lệ cũ không còn phù hợp, đã được xóa bỏ. Ngày nay, khi quả cầu được đội thắng cuộc đặt vào đĩa, các cụ trong đội tế của làng (chứ không phải đội thắng) sẽ vào hồi trống tế Thánh cầu an, cầu may.

Sau hội giao cầu, cướp cầu, là phần hội võ vật. Tại sới vật được làm ngay trước cửa đình, từng đôi vật (là những thanh niên vừa trực tiếp tham gia chơi cướp cầu) sẽ vào biểu diễn tranh tài. Khác với hội vật ở các nơi, hội vật ở làng Gừa không có giải nhất, nhì. Tham gia hội vật, người thắng, người thua đều vui vẻ, cùng được nhận lộc thánh lấy may.

Giao cầu, cướp cầu ở làng Gừa là một tục đẹp, độc đáo, đặc sắc được người dân duy trì, bảo tồn và gìn giữ hơn nghìn năm nay. Tục giao cầu, cướp cầu không chỉ nhắc nhớ người dân phải thường xuyên luyện tập thể thao để rèn sức khỏe, sự nhanh nhẹn, dẻo dai… mà còn mang ước vọng, khát khao về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Giao cầu, cướp cầu có đội thắng, đội thua, nhưng với người dân làng Gừa thắng thua không quan trọng, quan trọng là tình nghĩa xóm làng được gắn kết, niềm vui, sự may mắn sẽ đến với mọi nhà.

Một mùa Xuân mới lại về. Đón Xuân Mậu Tuất 2018, ngày mùng 4 Tết người dân làng Gừa lại tưng bừng khai hội. Trong rộn ràng tiếng hò hét, cổ vũ những chàng trai khăn đỏ thắt ngang lưng nhanh nhẹn, hoạt bát cướp cầu, chuyền cầu… Hơn nghìn năm qua, trò chơi truyền thống này đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu ở miền quê chiêm trũng này mỗi khi Tết đến Xuân về. r

P.Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy