Những “hạt nhân” của phong trào văn hóa cơ sở

Đóng góp tích cực cho sự phát triển của văn hóa tỉnh nhà những năm qua, không thể không nói tới vai trò của đội ngũ những người làm công tác văn hóa ở cơ sở. Đây chính là những hạt nhân vừa kết nối, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, vừa khơi gợi, thúc đẩy các phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở.

Anh Đặng Văn Vinh, Trưởng ban văn hóa xã Nguyễn Úy, người tâm huyết với phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Ảnh: Trần Phong

Người cán bộ tâm huyết với văn hóa truyền thống

Dẫn đầu tỉnh về phong trào văn nghệ quần chúng và phong trào văn hóa, Lý Nhân đã tạo dựng được cho mình một bề dày thành tích cùng một đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở nhiệt huyết, trách nhiệm. Ông Bùi Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện, chính là một trong những cán bộ văn hóa như thế.

Vốn là cán bộ phong trào từ những năm trước giải phóng miền Nam (1975), tham gia tích cực trong các hoạt động tuyên truyền về chiến thắng 30/4/1975, ông Bùi Quốc Toản đã gắn bó sự nghiệp của mình với công tác văn hóa cơ sở từ đó cho tới nay. Dù ở cương vị nào, từ một trưởng bộ môn thông tin cổ động cho đến là người lãnh đạo của Phòng VHTT huyện, ông đều ghi dấu ấn riêng trong xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao rộng khắp. Sau chiến tranh hay trong thời kỳ đổi mới, mọi sáng tạo trong nghề nghiệp của ông đều hướng tới mục tiêu cổ vũ tinh thần nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh các phong trào thể thao, văn nghệ quần chúng, khôi phục và duy trì những hội làng truyền thống…

Ông Bùi Quốc Toản tâm sự: Lý Nhân là một vùng quê được nhiều người biết đến với phong trào thi đua "Hai tốt" từ những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là quê hương của nhà văn Nam Cao - nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam, là nơi lưu giữ rất nhiều trầm tích văn hóa lịch sử lâu đời. Những truyền thống văn hóa này không chỉ thể hiện được nét riêng của văn hóa vùng miền mà còn trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Lý Nhân, là nền móng cho mọi nỗ lực xây dựng và phát triển con người, xã hội. Mình là cán bộ văn hóa càng phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc làm nổi bật những nét đẹp truyền thống đó, phát huy giá trị của nó trong đời sống nhân dân. Từ phong trào thi đua "Hai tốt", chúng tôi đã xây dựng một xã hội học tập thông qua mạng lưới thư viện cơ sở nhằm phát huy tinh thần hiếu học, ham đọc sách và tìm hiểu văn hóa của dân tộc. Từ những di tích gắn liền với các sự kiện lịch sử, với đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương, chúng tôi đã khôi phục và làm đẹp thêm nhiều hội làng truyền thống. Thông qua việc duy trì và phát triển các hội làng truyền thống, người dân có thêm điều kiện gắn kết, chia sẻ và hòa đồng với nhau trong mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng giàu bản sắc. Rồi cả những chiếu chèo nổi tiếng một thời vẫn đang được duy trì và phát triển.

Ông Bùi Quốc Toản cũng cho rằng, việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngoài vị trí và sức mạnh của nhân dân thì vai trò của những người làm công tác văn hóa cơ sở cũng vô cùng quan trọng. Muốn người dân hiểu, có ý thức gắn bó và phát triển văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại, người làm công tác văn hóa cơ sở phải nỗ lực hơn. Chính từ suy nghĩ đó, ông đã không ngại vất vả, đi đến những thôn xóm, nơi các chiếu chèo đã từng tồn tại để vận động bà con ra sân đình hát tiếp câu lới lơ, điệu gà rừng… Ông đã dày công để những "gánh hát" đó đi biểu diễn, giao lưu ở nhiều nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh, dự các liên hoan toàn quốc, tạo thêm cơ hội cho chiếu chèo phát triển, tiếng hát chèo mãi ngân xa.

Khi nói về anh, Nghệ nhân Trương Duy Thọ (quê ở xã Xuân Khê), chia sẻ: Anh Toản là một trong những nhân tố tích cực giúp cho văn hóa truyền thống sống lại với nhân dân, làm cho phong trào văn nghệ ở cơ sở ngày càng phát triển. Tôi đã được cùng anh đi nhiều nơi, gắn bó với anh qua nhiều chương trình biểu diễn, thấy anh thực sự là một người cán bộ tài năng. Anh đóng được rất nhiều "vai", lúc là đạo diễn, khi là nhạc sỹ, đôi khi là người sáng tác kịch bản và sáng tác lời cho những làn điệu chèo mới… Sở dĩ Lý Nhân có được phong trào văn hóa quần chúng dày thành tích như vậy, thực sự không thể thiếu những người cán bộ văn hóa như anh Toản…

Nếu ngại khổ sẽ không làm được cán bộ văn hóa cơ sở    

Như nhiều vùng quê khác, xã Nguyễn Uý (Kim Bảng) cũng có những nét đẹp văn hóa dân gian, văn nghệ quần chúng lâu đời. Ở cả 7 thôn trong xã, thôn nào cũng duy trì và phát triển được các đội hát chèo, hát dân ca. Đặc biệt, ở thôn Cát Nguyên còn có nét đẹp văn hóa riêng là múa tứ linh.

Là một người con của thôn Cát Nguyên, lại làm công việc của một cán bộ văn hóa, nhiều năm nay, anh Đặng Văn Vinh nhận thấy rõ trách nhiệm của mình, đó là phải cùng người dân bằng mọi giá lưu giữ và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống này. Không ai biết múa tứ linh ở thôn Cát Nguyên có từ bao giờ, chỉ thấy đời cha truyền, đời con nối, múa tứ linh cứ thế tồn tại từ năm này qua năm khác, từ thế hệ nọ sang thế hệ kia. Cũng có lúc múa tứ linh không được mấy quan tâm phát triển, tưởng chừng như mai một. Nhưng từ năm 1999, múa tứ linh được khôi phục và phát triển mạnh. Khi lãnh trách nhiệm người cán bộ văn hóa, anh Vinh đã tích cực vận động, phối hợp cùng Chi hội Phụ nữ thôn tuyển lựa nhân tố, thành lập một đội múa tứ linh do hội viên phụ nữ đảm trách. Đội múa tứ linh thôn Cát Nguyên từ đây có một màu sắc mới, vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển, mang phong thái đặc trưng của đội múa nữ.

Anh Vinh chia sẻ: Không phải ngẫu nhiên tôi có ý tưởng thành lập đội múa tứ linh toàn nữ, là do nam giới trong thôn đi làm ăn xa nhiều, không có nhiều lựa chọn, thay thế, phần vì phong trào phụ nữ ở đây rất mạnh, chị em nhiệt tình với các phong trào, sẵn sàng tham gia đội múa khi được vận động. Đội múa gồm có 19 thành viên, hoạt động rất tích cực… Được biết, ngay từ khi mới thành lập, anh Vinh đã dành không ít thời gian hướng dẫn và tập luyện cùng toàn đội. Trên cơ sở sở trường, sức khỏe của từng thành viên, anh chủ động "phân vai" cho từng người một cách hợp lý, có tính toán đến sự thay thế khi cần thiết. Việc tập luyện mất khá nhiều thời gian các thành viên mới có thể thành thục mọi động tác, có sự phối h3p ăn ý với nhau. Bên cạnh đó, trong nhiều buổi đưa đội đi biểu diễn, giao lưu, anh cũng không ngại ngần trong việc hỗ trợ, đầu tư cho đội thuê trang phục, thuê xe đi lại… Đội múa tứ linh thôn Cát Nguyên luôn là một trong những đội múa được đánh giá biểu diễn hay nhất, đẹp nhất của tỉnh.

Cùng với đó, anh Đặng Văn Vinh còn tích cực vận động phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác như: hội thơ người cao tuổi, các CLB hát chèo và hát dân ca, đội nhạc… Bản thân anh cũng được nhiều người nhận xét là một cán bộ đa tài, biết đàn, biết trống, hát hay, có năng khiếu về văn hóa, và hơn cả là tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.

Còn rất nhiều cán bộ văn hóa tiêu biểu như ông Bùi Quốc Toản, anh Đặng Văn Vinh. Họ là những cán bộ văn hóa thực sự giỏi về nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, đầy nhiệt huyết với phong trào chung, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương.

T.T.Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy