21 giờ đêm nay (ngày 4/2/2023, tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão), trong không gian linh thiêng của Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo), UBND huyện Lý Nhân, Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương cùng nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ phát lương Đức Thánh Trần xuân Quý Mão 2023.
Về dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; Lê Thị Thủy, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên; lãnh đạo huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Các tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp lực lượng vũ trang là người con của quê hương Lý Nhân; đại diện Hội đồng hương Lý Nhân tại các tỉnh, thành phố cũng đã về dự.
Đền Trần Thương, xã Nhân Đạo (nay là xã Trần Hưng Đạo), huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (năm 1285).
Ngay từ chiều, khá đông du khách đã về đền để dự lễ.
Đền Trần Thương không chỉ là nơi Trần Hưng Đạo chọn đặt kho lương trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285) mà còn là nơi lưu giữ nhiều di vật, cổ vật, đồ thờ tự đẹp, có giá trị nghệ thuật và lịch sử cao, phong phú về thể loại, đa dạng về chất liệu như: hoành phi, câu đối, đại tự, ngai thờ, lục bình, ngai đá, rùa đá và đặc biệt là thanh kiếm bạc chỉ được đem ra thờ vào những ngày lễ hội…
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương là di tích Quốc gia đặc biệt.
Nghi lễ phát lương gồm ba phần: Phần thứ nhất là Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ. Đi đầu đoàn rước là đội sư tử, dàn trống, chiêng, cờ ngũ sắc, bảy mâm lương thảo; tiếp theo là các đội tế của địa phương, đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, nhân dân và du khách thập phương. Phần thứ hai là nghi lễ dành cho các đại biểu, lãnh đạo khách quý của quê hương như: lễ thắp nến, dâng hương. Phần thứ ba là rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.
Tại Lễ phát lương năm nay, ông Đặng Thanh Bình, người cao tuổi xã Trần Hưng Đạo đã vinh dự thay mặt nhân dân lên tấu Văn trình trước anh linh Đức Thánh Trần.
Kết thúc phần tấu Văn trình, nghi lễ tâm linh do Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Ủy viên Thường trực Ban nghi lễ Trương ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì đã được diễn ra trong không khí trang nghiêm.
Theo đại diện Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, năm nay, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách gần xa, Ban tổ chức đã chuẩn bị 17 vạn túi lương và bố trí 19 điểm phát lương ngoài cổng đền để tránh ùn tắc và đảm bảo an ninh trật tự.
Các túi lương được làm bằng vải điều, màu đỏ tượng trưng cho Hỏa, màu vàng của chữ tượng trưng cho Thổ, tượng trưng cho sự bền vững, ánh sáng văn minh của nền nông nghiệp. Bên trong túi lương là các loại ngũ cốc – sản vật của vùng quê Nhân Đạo, đó là gạo nếp cái hoa vàng, đậu tương, ngô đỏ… Theo quan niệm của người dân túi lương là lộc ban, cũng là lời nguyện của Đức Thánh Trần phù hộ cho một năm quốc thái dân an, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.
Trong giờ khắc linh thiêng, trời đất, con người, cảnh vật cùng giao hòa; trong không gian tâm linh của vùng đất Trần Thương; trong tiết trời xuân ấm áp; trong hào khí Đông A truyền lại, Lễ phát lương đền Trần Thương được tiến hành với những nghi thức truyền thống nguyện cầu cho một năm sung túc, no đủ, hạnh phúc cho mọi nhà. Đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Lý Nhân nói riêng, nhân dân Hà Nam nói chung.
Lễ hội không chỉ thể hiện sự trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, tưởng nhớ những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước mà còn là mốc son quan trọng đánh dấu di sản văn hóa mãi trường tồn với lịch sử, với non sông gấm vóc Việt Nam; khẳng định những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, những nét riêng của kho tàng văn hóa đã được các thế hệ người dân Hà Nam sáng tạo nên qua các thời kỳ lịch sử.
Khu vực tổ chức buổi lễ đã được chuẩn bị chu đáo.
Các túi lương đã được Ban tổ chức lễ hội chuyển vào khu vực để làm lễ trước khi phát cho nhân dân và du khách thập phương.
Sau 3 năm gián doạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Lễ phát lương Đức Thánh Trần năm 2023 thu hút được đông đảo du khách gần xa về dự.
Lực lượng công an thực hiện phân luồng, hỗ trợ du khách về dự lễ hội nhằm bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông có thể xảy ra.
Trước giờ khai mạc buổi lễ, để phục vụ nhân dân về tham dự lễ hội, hiện Ban tổ chức lễ hội đang tổ chức Chương trình văn nghệ mang tên "Đêm hội Trần Thương".
Năm nay, việc tổ chức lễ hội được chính quyền huyện Lý Nhân giao hoàn toàn cho nhân dân địa phương tổ chức, với mong muốn lễ hội thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân tổ chức và hưởng thụ.
Tin Minh Thu, ảnh: Thế Trang