kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024 và những điểm mới

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024 và những điểm mới

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được phục dựng và bắt đầu tổ chức từ năm 2009 đến nay. Lễ hội bắt nguồn từ điển tích trọng nông của vua Lê Đại Hành  vị vua đầu tiên nhà Tiền Lê. Sử sách ghi rằng: “Đinh Hợi, năm thứ 8 (987), mùa Xuân, vua bắt đầu cày ruộng Tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân”. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng có viết: “Nay dưới chân núi Đọi, phía Tây vẫn còn cánh đồng Tịch điền rộng gần trăm mẫu và còn di tích vài nền nhà, gọi là Dinh trong, Dinh ngoài, tương truyền là nơi vua Tiền Lê về nghỉ để sau đó đi cày. Từ Hoa Lư, vua đi thuyền theo dòng Hoàng Long, ra ngã ba Gián Khẩu, vào sông Đáy, ngược lên Châu Cầu, rồi theo dòng Châu Giang ngược lên núi Đọi”.

Ngoài các nguồn sử liệu trên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngọc Hoa trong bài viết: “Truyền thuyết, âm nhạc dân gian liên quan đến Hoàng đế Lê Đại Hành ở Hà Nam” có viết về truyền thuyết “Vàng và cơm gạo” cũng liên quan đến lễ Tịch điền. Truyền thuyết kể: “Vào một buổi thiết triều, nhà vua ngỏ ý với bách quan đem vàng bạc trong kho chôn ở những nơi màu mỡ mà còn bỏ hoang để khuyến khích dân khai hoang. Các quan xin vua đừng làm thế. Nhà vua nghe chỉ ậm ừ rồi bàn sang chuyện khác. Cho đến gần trọn một ngày, các quan quá đói, nhà vua mới cho dọn mỗi mâm một đĩa xôi nóng và một đĩa vàng thoi. Các quan tranh nhau bốc xôi mà chẳng ai đoái hoài gì đến đĩa vàng. Đến đây vua mới cười hỏi: Vàng quý hay xôi quý? Bách quan đồng thanh: Xôi quý hơn vàng. Mọi người hiểu ý sâu xa của nhà vua, theo lệnh cử người bí mật chôn vàng, bạc ở những nơi cần khai hoang, rồi rao: Cày hoang mà lấy vàng thần để, khai hoang mà lấy bạc trời cho. Dân đua nhau vỡ hoang, được vàng, bạc, nhờ thế việc khai hoang, phục hóa nhanh chóng”. Truyền thuyết này gần với chính sử vua cày được một chĩnh nhỏ vàng, bạc ở trên nên có thể nói đây là một chính sách khuyến nông độc đáo của Lê Đại Hành hoàng đế, đã làm nên những “bờ xôi ruộng mật” và đưa hạt gạo lên hàng “ngọc thực”.

Nghi thức cày Tịch điền tại tổng duyệt Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024. Ảnh: Lê Dũng

Từ nhiều nguồn sử liệu và nghiên cứu dân gian truyền thống, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xây dựng kịch bản tổng thể Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Từ năm 2009 - 2023, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức dựa theo kịch bản này nhưng có thay đổi một chút về nghi trình nhập linh khí quân vương do một cụ cao tuổi đức độ của vùng Đọi Sơn thực hiện; trang phục đi cày đồng nhất là bộ quần áo nâu. Tuy nhiên, qua 15 năm Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức đã bộc lộ một số yếu tố hạn chế như về địa điểm tổ chức, hình thức tổ chức và việc lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Về địa điểm tổ chức, lễ hội hằng năm đều được tổ chức tại cánh đồng dưới chân núi Đọi. Đây là cánh đồng người dân xã Tiên Sơn hiện đang canh tác. Trước Tết, cánh đồng này được tháo hết nước, chỉnh trang lại mặt ruộng để tổ chức các hoạt động lễ hội. Công việc này mất rất nhiều công sức và thời gian, không mang tính thiêng của một lễ hội truyền thống. Để nâng tầm lễ hội, UBND thị xã Duy Tiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã và đang nghiên cứu trình UBND tỉnh cho xây dựng đền Thần Nông và khu vực tổ chức lễ hội cố định tại khu vực này. Việc này vừa mở rộng không gian và thời gian lễ hội, giúp nhân dân được tiếp cận gần hơn, rõ hơn với lễ hội Tịch điền độc đáo mà xưa và nay đều được các cấp chính quyền và người dân làm nông nghiệp coi trọng. Thứ hai, lễ hội gồm rất nhiều lực lượng tham gia: tăng, ni, phật tử; các vị bô lão trong xã Tiên Sơn; Ban khánh tiết của làng Đọi Tam và các di tích trong xã Tiên Sơn; nhân dân làng Đọi Tam và các thôn của xã Tiên Sơn. Trong đó có một lực lượng lớn người dân tham gia rước kiệu, cầm cờ, gieo hạt, múa rồng. Lực lượng này luôn luôn thay đổi nên năm nào, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Duy Tiên cũng phải phối hợp với xã Tiên Sơn tổ chức chọn người và tập luyện. Theo kịch bản, có hai đoàn rước, đoàn rước linh vị vua Lê Đại Hành từ trên chùa Đọi xuống do các tăng, ni và phật tử đảm nhiệm; phần rước Thành hoàng làng Đọi Tam do dân làng đảm nhiệm. Hai đoàn sẽ nhập làm một trước khi tiến vào khu vực tổ chức lễ hội. Tuy cùng là lực lượng chính trong việc tham gia tổ chức lễ hội nhưng hai lực lượng chưa thực sự gắn kết, chưa làm nổi bật được không khí của lễ hội.

Tiếp theo việc trang trí trâu cày được cho là một sự sáng tạo trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn nhưng quá trình sáng tác ý tưởng của các họa sĩ vẽ trên những con trâu cày chính thức lại mang đến sự nhìn nhận không chính xác, thậm chí xuyên tạc. Sau Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy không gian lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia”, UBND thị xã Duy Tiên đã ban hành văn bản đề nghị cho ý kiến vào kịch bản tổ chức lễ hội, Sở VH,TT&DL đã tham mưu xây dựng văn bản, trong đó phần nghi lễ truyền thống không thay đổi nhưng trâu tham gia nghi lễ cày không vẽ trang trí, giữ nguyên diễn trình “Bô lão đóng thế vua Lê Đại Hành đeo mặt nạ”, người rắc hạt đi sau trâu cày có cả nam, nữ, bổ sung các hoạt động phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương.

Theo lãnh đạo thị xã Duy Tiên, tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024 ngoài màn múa trống, màn múa rồng năm nay phần trang trí khánh tiết cũng có sự thay đổi khi kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với thực tiễn. Sở VH,TT&DL cũng đã phối hợp với UBND thị xã Duy Tiên chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung hoạt động hội vào kịch bản. Kịch bản này tiếp tục được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho ý kiến và trình Bộ VH,TT&DL phê duyệt.

Để giảm thiểu các nghi thức hành chính, năm nay lần thứ hai sẽ không đưa việc công bố quyết định và trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tỉnh Hà Nam năm 2023 vào lễ hội. Và sau khi nghi trình cày Tịch điền của các vị đại biểu kết thúc, lần đầu tiên nhân dân và du khách thập phương sẽ có cơ hội tham gia hội thi cày do địa phương tổ chức. Trong không gian lễ hội, Ban tổ chức cũng bố trí nhiều gian hàng phục vụ nhân dân và du khách tham quan, mua sắm các mặt hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP của Hà Nam; tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống trong 3 ngày diễn ra lễ hội (từ mùng 5 - 7 tháng Giêng).

Với ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội, với những nội dung điều chỉnh mới như trên, hy vọng Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn Xuân Giáp Thìn tiếp tục thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  Cái qq
    9 tháng trước

    Hayyyy

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy