Diên Linh tự - Sự tích và lễ hội

Chùa Long Đọi Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Đọi - một ngọn núi thiêng nằm trong tiểu vùng văn hóa Đọi Sơn (Duy Tiên). Người xưa có câu: "Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh" có nghĩa: "Núi không tại cao, có tiên thì nổi danh".

Đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn trong lễ hội.

Núi Đọi không cao, chỉ khoảng 400m, chu vi chưa đến 2.500m nhưng núi Đọi đã được người Việt cổ chọn làm nơi để thần linh trú ngụ, vì trước đây, trên đỉnh núi có một am nhỏ thờ thần linh. Sự linh thiêng của ngọn núi còn lưu truyền qua câu ca: "Đầu gối núi Đọi. Chân dọi Tuần Vường. Phát tích đế vương. Lưu truyền vạn đại". Đến thời nhà Lý, thấy rằng về mặt phong thủy, núi Đọi án ngữ mặt Nam Kinh thành Thăng Long trấn ngự bảo đảm cho Thăng Long vững mạnh nên vua nhà Lý là Lý Thánh Tông cùng Vương phi Ỷ Lan đã cho dựng chùa trên ngọn núi này. Tên chùa Diên Linh có từ thời đó.

Nhưng Đọi Sơn chỉ thật sự nổi danh là vùng linh sơn, linh địa khi vua Lý Nhân Tông trong một lần về đây vãn cảnh đã đặt tên núi là Long Đội và cho xây dựng trên núi một ngôi chùa lớn thờ Phật cùng ngôi bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh. Đáng tiếc đến nay, chùa và bảo tháp không còn. Đầu thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược nước ta, chúng đã phá hủy hoàn toàn ngôi chùa và tòa bảo tháp. Riêng tấm bia Sùng Thiện Diên Linh chúng không phá được còn lại đến ngày nay. Với giá trị về nhiều mặt, cả về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật, văn học, sử học và là tấm bia có kích thước lớn và quý hiếm nhất của thời Lý còn tồn tại đến ngày nay nên năm 2014, bia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tấm bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi Sơn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Ảnh Vũ Hà

Lên Long Đọi Sơn vào mùa lễ hội tháng 3 âm lịch, ngồi trò chuyện với Đại đức Thích Thanh Vũ, trụ trì chùa Long Đọi Sơn hiện tại, chúng tôi được biết: Ngoài Thiền sư Đàm Cứu Chỉ - người trụ trì chùa Long Đọi Sơn đầu tiên thì dân chúng biết nhiều hơn sư trụ trì đời thứ 5 là Hòa thượng Thích Chiếu Trường. Khi về trụ trì, Hòa thượng đã cho dựng lại 125 gian chùa khiến cho trong thời gian dài nơi đây trở thành Trường Bắc kỳ Phật giáo. Hòa thượng Thích Chiếu Trường đã được nhà Nguyễn phong là: Long sơn đệ ngũ tổ sư Hòa thượng giác linh Thích Chiếu Trường quốc phong Hòa thượng thuyền tọa hạ". Chính vì vậy, vào ngày 21 tháng 3 hằng năm - ngày mất của Hòa thượng, dân chúng quanh vùng đều lên chùa làm lễ tưởng nhớ. Dần dần, không những dân chúng trong vùng mà nhiều du khách thập phương nhớ ngày này đều lên chùa cầu Phật và thắp hương nhớ ơn các vị tiền nhân đã có công xây dựng Diên Linh tự. Từ đó về sau, ngày này được mặc định là ngày tổ chức lễ hội chùa Long Đọi Sơn. Sau khi tái lập tỉnh, chùa được tu sửa khang trang hơn, đặc biệt khi Lễ hội Tịch điền được phục dựng, chùa Long Đọi Sơn ngày càng được nhiều du khách thập phương biết đến. Vì vậy, lễ hội trước đây được tổ chức 3 ngày (từ 19 - 21 tháng 3) đã được tỉnh cho phép tổ chức 5 ngày (từ 17 - 21 tháng 3) để bà con và du khách có nhiều thời gian ngắm cảnh, thắp hương lễ Phật, bái tổ.

Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được bắt đầu bằng đoàn rước lễ của chính quyền địa phương cùng nhân dân dâng lên thờ Phật. Đoàn rước xuất phát từ trụ sở UBND xã lên chùa có đội múa lân đi đầu, theo sau là đôi rồng Tịch điền của làng Đọi Tín… Đón đoàn rước là màn trống hội của các cô gái làng trống Đọi Tam. Trong những ngày lễ hội diễn ra, chùa Long Đọi Sơn còn đón rất nhiều các nhà sư vân tập trong sơn tụ về (các nhà sư trong dòng họ phái Tịch độ). Vào ngày 20 nhà chùa còn tổ chức lễ quy cho các già thập phương. Phần hội có trò chơi cờ tướng và giao lưu bóng chuyền da, bóng chuyền hơi của nhân dân 7 thôn trong xã.

Về Đọi Sơn vào mùa lễ hội năm nay, du khách hẳn sẽ thấy có nhiều sự thay đổi. Vệ sinh môi trường sạch sẽ, hiện tượng tự ý nâng giá vé trông xe và các dịch vụ khác giảm hẳn, vấn nạn cờ bạc trá hình, trò chơi có thưởng không còn. Có sự thay đổi này là do chính quyền xã quyết liệt vào cuộc. Ông Lê Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Đọi Sơn cho biết: Bảo đảm vệ sinh môi trường trước, trong và sau lễ hội, xã đã thành lập tổ vệ sinh gồm 5 người. Tổ có nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường suốt dọc đường lên chùa, khu vực xung quanh núi và nhắc nhở người dân bỏ rác vào các thùng rác công cộng. Hộ gia đình và cá nhân tham gia kinh doanh phải được sự cho phép của chính quyền xã và cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đây, mỗi khi lễ hội diễn ra, việc trông coi phương tiện giao thông xã khoán cho dân nên đã xảy ra tình trạng người dân tự ý nâng giá gây bức xúc đối với du khách. Năm nay, xã đã dừng hình thức khoán này và cử cán bộ xã, cán bộ thôn lần lượt làm nhiệm vụ trông coi xe, niêm yết giá vé, thu đúng theo quy định. Trong khu vực lễ hội, huyện cũng tăng cường lực lượng công an chốt chặn tại các điểm kịp thời dẹp nạn cờ bạc trá hình, ngăn chặn, xử lý các đối tượng trộm cắp, cướp giật. Lễ hội chùa Long Đọi Sơn là lễ hội lớn nên trước đây, một số đội, nhóm ca nhạc từ các nơi về biểu diễn có nhiều tiết mục phản cảm gây khó chịu cho người đi lễ. Những hiện tượng đó năm nay cũng đã được xiết chặt. Người đi hội thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng và bình an hơn.

Đây chính là những tín hiệu vui để Diên Linh tự và lễ hội chùa tiếp tục là địa điểm tâm linh lớn trong vùng. Lễ hội chùa Long Đọi Sơn hình thành từ sự trân trọng Hòa thượng Thích Chiếu Trường đã góp phần tôn thêm sự linh thiêng của núi Đọi, để Đọi Sơn - Châu Giang mãi mãi là biểu tượng của Hà Nam văn hiến.

Bình Nguyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.