Đền thờ Đinh Công Tráng và những trăn trở

Nhân kỷ niệm 175 năm Ngày sinh của anh hùng Đinh Công Tráng (14 tháng Giêng năm Nhâm Dần 1842), vừa qua chúng tôi có dịp về thăm đền thờ ông tại thôn Nham Tràng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm.

Đền thờ Đinh Công Tráng, thôn Nham Tràng, xã Thanh Tân (Thanh Liêm).

Ngôi đền nhỏ bé nằm bên bờ sông Đáy. Thắp nén nhang thơm lên ban thờ người anh hùng quê hương, trong chúng tôi trào dâng cảm xúc và sự nuối tiếc.

Tiếp chúng tôi là ông Đinh Viết Bảo - hậu duệ đời thứ 5 của vị anh hùng Đinh Công Tráng. Bản thân ông Đinh Viết Bảo cũng là người đã dành nhiều thời gian sưu tầm tư liệu, viết sách và tham gia thuyết trình tại nhiều hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp đánh giặc, cứu nước của anh hùng Đinh Công Tráng. Ông Bảo chia sẻ: "Cụ Đinh Công Tráng được sử sách ghi nhận với những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp đánh giặc, cứu nước cuối thế kỷ XIX. Tên tuổi cụ gắn với nhiều chiến công xuất sắc trong phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Ba Đình. Bằng lối đánh nghi binh, lấy ít địch nhiều đầy linh hoạt và sáng tạo, triệt để lợi dụng địa hình để xây dựng căn cứ chống giặc, cụ Đinh Công Tráng đã chỉ huy nghĩa quân lập nhiều chiến công".

Không chỉ là vị tướng xuất sắc của phong trào Cần Vương, Đinh Công Tráng với quê hương Nham Tràng nói riêng, Hà Nam nói chung cũng có nhiều đóng góp to lớn. Có thể nói, Đinh Công Tráng là một người yêu nước, thương dân, một thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc, một vị tướng tài năng, thao lược, một “công trình sư” xây thành, đắp lũy sáng tạo, độc đáo, để lại nhiều bài học quý trong lịch sử quân sự nước nhà.

Để tưởng nhớ và tri ân công lao vị anh hùng Đinh Công Tráng, năm 1992, người dân thôn Nham Tràng đã đóng góp, xây dựng đền thờ ông. Sau hơn 20 năm, do bị xuống cấp, năm 2013, đền thờ được tu bổ lần đầu, mở rộng khuôn viên, lợp lại ngói, xây bệ thờ, thay toàn bộ cánh cửa từ gỗ gạo mục sang tôn sắt. Tuy nhiên, trong khuôn viên khu đền thờ người anh hùng đã và đang được kết hợp với nhiều hạng mục công trình công cộng của thôn.

Theo quan sát của chúng tôi, sân bóng chuyền có vẻ đã lâu không được sử dụng, bởi lưới bám đầy rêu mốc được bó nhăn nhúm trên hòn giả sơn, cột lưới han gỉ, nhưng vẫn "án ngữ" trước cửa đền. Dãy nhà ngang bên phải của đền thờ chính mới chỉ vài năm trước được sử dụng làm trường mầm non của thôn, nay đóng cửa im lìm. Hiện tại, trong gian ngoài của đền thờ chính vẫn được sử dụng làm nhà văn hóa thôn, nơi sinh hoạt chủ yếu của các hội, đoàn thể và nhân dân trong thôn. Bàn ghế, phông bạt hội nghị đặt ngay trước bệ thờ; giấy khen và đủ loại bản in nội quy treo ngang bằng, xen giữa di ảnh và tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp vị anh hùng dân tộc; bia tưởng niệm bằng đá uy nghiêm vẫn nằm khiêm tốn, "nép" sau bục phát biểu…

Theo bà Trần Thị Vui, người đã nhiều năm trông coi đền, hiện tại thôn đang xây dựng địa điểm sinh hoạt mới, sẽ sớm di chuyển ra ngoài khuôn viên đền thờ. Có thể hiện tại do địa phương còn khó khăn, phải tận dụng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá một cách tổng quan, hiện nay đền thờ vị anh hùng Đinh Công Tráng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Ngôi đền thờ vị anh hùng Đinh Công Tráng tọa lạc bên sông Đáy, cửa đền hướng ra sông. Đây là đoạn cua của sông, do vậy nước sông thường xuyên chảy xoáy vào phần đất trước cửa đền, lâu dần gây xói mòn. Chỉ cho chúng tôi xem đoạn sông trước mặt đền, ông Đinh Viết Bảo tâm sự: "Tôi chỉ mong được xây bờ kè kiên cố trước mặt đền để nước sông không ảnh hưởng tới kết cấu lâu dài của di tích. Bên cạnh đó, nếu xây bậc tam cấp thành lối xuống sông sẽ trở thành địa điểm hợp lý để hằng năm, địa phương tổ chức hội thi bơi thuyền chải, vừa góp phần nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao, vừa là dịp để con cháu thôn Nham Tràng giữ gìn, tiếp nối phong tục tốt đẹp của quê hương trong mỗi dịp lễ hội".

Không chỉ riêng khu đền thờ, công tác giáo dục, học tập truyền thống về anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc và tài năng quân sự của Đinh Công Tráng cũng cần được quan tâm đúng mức. Trước đây, một số trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện như Thanh Nghị, Thanh Nguyên, Thanh Tân, Đinh Công Tráng… đều có tổ chức những tiết học ngoại khóa, đưa học sinh tới thăm đền, dọn dẹp cảnh quan và nghe kể chuyện về cuộc đời, sự nghiệp đánh giặc, cứu nước của anh hùng Đinh Công Tráng. Đây là hoạt động thiết thực, bổ ích, mang tính giáo dục cao, tuy nhiên vài năm trở lại đây hoạt động này đã không còn được duy trì. Tương tự như vậy, truyền thống lấy ngọn lửa và tổ chức giao, nhận quân của xã Thanh Tân tại đền thờ Đinh Công Tráng cũng "vắng bóng" từ mấy năm nay.

Tưởng nhớ, tri ân vị anh hùng của quê hương, đất nước không chỉ dừng lại ở việc xây dựng đền đài, việc bảo tồn, gìn giữ cảnh quan phải đi liền với giáo dục truyền thống, tư tưởng tới các thế hệ tương lai. Có như vậy, những công lao to lớn của anh hùng Đinh Công Tráng mới thực sự được khắc ghi, lưu truyền trong tâm niệm của mỗi người con quê hương Thanh Liêm nói riêng, Hà Nam nói chung.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy