Về hội làng Quán Nha xem thả thuyền rồng

Quán Nha là làng cổ nằm bên dòng sông Châu. Danh gọi Quán Nha có từ thời Trần, là nơi đặt tòa xét xử. Quán Nha thời trước thuộc tổng Lam Cầu, huyện Duy Tiên, này là một thôn của xã Tiên Hải (TP.Phủ Lý).

Cụm di tích lịch sử văn hóa Quán Nha gồm đình Ngoài, đình Trong và các đền, miếu. Đình Ngoài là ngôi đình lớn, mặt quay hướng sông Châu, dưới bóng cổ thụ, đặc biệt có cây danh mộc sung bầu (loại cây quý hiếm, tuổi vài thế kỷ). Đình Ngoài phụng thờ 2 vị thần Cao Các Đại vương và Tá phụ nhân Thánh An Điền.

Người làng Quán Nha thực hiện các nghi lễ tâm linh trong ngày mở hội.

Tương truyền, Cao Các Đại vương là một trong số 50 người con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ theo cha xuống biển. Người có công khai mở vùng đất, dạy dân nghề nông, đắp đê trị thủy, đặt thuần phong mỹ tục cho làng Quán Nha.

Do có công lao với nước, với dân, Ngài được các triều vua phong tặng 8 đạo sắc phong, đặc biệt sắc phong đời vua Cảnh Hưng thứ 44 triều Lê cho thần Cao Các Đại vương - Thượng đẳng thần. Đến các thời vua Nguyễn: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định… lần lượt phong Ngài Thượng đẳng thần với các mỹ tự cao quý.

Còn đức ngài tá phụ nhân Thánh An Điền là người phụ tá thân tín của thần Cao Các Đại vương. Ngài cũng được các triều vua phong Trung đẳng thần. Đến năm Bảo Đại thứ 12, Mậu Dần (1938), hòm sắc của ngài còn giữ được 3 đạo, trong đó có sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng nguyên niên (Lê Hiển Tông), thân phụ công chúa Ngọc Hân, vợ Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Người dân rước kiệu thánh từ Đình Trong ra Đình Ngoài.

Đình Trong phụng thờ thần Nguyệt Nga công chúa. Tương truyền là người tổng Đọi Sơn, Trấn Sơn Nam thượng. Năm 16 tuổi, bà mộ quân theo Hai Bà Trưng đánh giặc, được Trưng Vương phong là Nguyệt Nga phu nhân.

Nguyệt Nga phu nhân có công trong việc dạy dân vùng sông Châu trồng dâu nuôi tằm, dân gian phong bà là Chúa Tằm, cùng phụng thờ bà còn có dân làng An Mông, xã Tiên Phong (Duy Tiên). Căn cứ vào câu đối của danh nhân Nguyễn Hiền, đỗ Trạng nguyên thời Trần từ khi 13 tuổi khi quan Trạng về thăm các di tích tổng Lam Cầu, (tạm dịch):

Chăn tằm, dệt vải không quên tổ nghiệp

Chống Bắc, giữ Nam quốc sự vẫn nhớ tiên công

Để ghi nhớ công lao của các vị có công với dân với nước, dân làng Quán Nha đã lập đền thờ các ngài. Trải qua thời gian các đình, miếu bị xuống cấp. Thể theo nguyện vọng của dân làng, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ngày 21/3/2012 hạng mục cuối cùng là nhà đại bái Đình trong được hoàn thành, tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Từ đó ngày 21/3 là ngày hội truyền thống hằng năm.

Lễ hội đình làng Quán Nha được khôi phục lần này có các phần lễ chính như: nghi thức rước kiệu, tế lễ thánh, dâng hương, văn nghệ…, tạo không khí vui tươi cho làng quê.

Nghi lễ thả thuyền rồng tại lễ hội làng Quán Nha.

Nét độc đáo của lễ hội làng Quán Nha là tục “thả thuyền rồng” xuống sông. Qua tìm hiểu được biết, để chuẩn bị cho hội làng, nhân dân địa phương đã phải nhờ những cụ cao niên uy tín trong làng khéo tay đan lát làm thuyền rồng. Những cây tre thẳng, óng được các cụ pha, chẻ, tạo hình, trang trí giấy màu thành con rồng oai phong, sống động. Rồng làm xong được “nghinh” tại đình làng, sau đó tiến hành tế lễ. Đến 14 giờ chiều, rồng được chuyển xuống thuyền, từ bến nước có bóng cây sung bầu cổ thụ, ra giữa dòng sông, diễn lại sự tích ngài Cao Các Bến Nước đại vương, giúp dân đắp đê trị thủy. Theo nhà thơ Nguyễn Thế Vinh và họa sĩ Lê Minh Sơn (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam), lễ hội đình Quán Nha có nét độc đáo riêng, mang sắc thái văn hóa của vùng sông Châu, núi Đọi.

Sau phần lễ, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với các hoạt động như: hội thi văn nghệ, thi đấu cờ tướng và tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao. Theo các đồng chí lãnh đạo xã Tiên Hải, việc khôi phục lễ hội làng Quán Nha nhằm thỏa mãn đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha trong việc giữ nước, xây dựng quê hương.

Qua đây, cấp ủy, chính quyền địa phương mong muốn các làng trong xã làm tốt hơn việc trùng tu, khôi phục các di tích, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa. Lễ hội còn khơi dậy lòng tự hào của người dân địa phương, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy